📞

Thượng đỉnh P5 hay cái bắt tay hiếm có giữa Nga và Mỹ

Minh Vương 11:13 | 16/07/2020
TGVN. Nga và Mỹ có nhiều lý do để thúc đẩy một thượng đỉnh với sự góp mặt của lãnh đạo năm Ủy viên thường trực (P5) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu đề cập ý tưởng tổ chức thượng đỉnh P5 trong bài phát biểu tại Diễn đàn Holocaust Thế giới ngày 23/1/2020 tại Israel. (Nguồn: JTA)

Thời gian qua, cả Moscow lẫn Washington đã có nhiều phát biểu, hành động xúc tiến sự kiện này.

Ủng hộ tuyệt đối

Ngay từ đầu năm, phát biểu tại Diễn đàn Holocaust Thế giới ngày 23/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập ý tưởng tổ chức thượng đỉnh với sự góp mặt của 5 nước Ủy viên thường trực (P5) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ít lâu sau, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng tất cả P5 đều mong muốn đóng góp vào nỗ lực chống đại dịch Covid-19, song điều này đòi hỏi một cuộc thảo luận, hợp tác nhằm phối hợp triển khai những ý tưởng có ích. Ngày 9/7, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng sự kiện như vậy sẽ “đóng vai trò quan trọng nhằm cải thiện tình hình quốc tế và ngăn cản nó diễn biến theo kịch bản nguy hiểm với nhiều hệ quả khó lường”. Tuy nhiên, Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định nó sẽ được tổ chức theo hình thức gặp mặt trực tiếp, bởi “theo lẽ thường, hình thức hội đàm trực tuyến hiện đang được sử dụng cho việc kiểm soát khủng hoảng không tạo ra bầu không khí cần thiết cho một cuộc đối thoại về tầm nhìn như vậy, đặc biệt là giữa lãnh đạo P5”.

Tương tự, cuối tháng 2, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã khẳng định Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tổ chức một cuộc thượng đỉnh giữa các nước P5 để thảo luận về kiểm soát vũ khí, đặc biệt là thiết lập Hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc. Tương tự, trong cuộc điện đàm ngày 3/4, ông và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về tổ chức sự kiện này nhằm “đánh bại đại dịch và đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế”. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã hội đàm, đi sâu vào chi tiết công tác chuẩn bị cho hội nghị giữa nhà lãnh đạo các nước P5 do Nga khởi xướng.

Quan trọng hơn, động thái này nhận được sự ủng hộ của các quốc gia còn lại trong P5. Ngày 12/3, người phát ngôn chính phủ Anh khẳng định về mặt nguyên tắc, Anh ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo các nước P5 thảo luận về an ninh và hòa bình thế giới. Ngày 19/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ sáng kiến tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo P5 và sẵn sàng duy trì liên lạc cần thiết. Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 25/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ mong muốn rằng sự kiện này có thể tổ chức trước khi kết thúc tháng 9.

Đâu là lý do đằng sau sự ủng hộ gần như tuyệt đối này?

Chuyện chung, việc riêng

Thứ nhất, sự kiện này sẽ khẳng định vị thế duy nhất của P5, nhất là khi một số quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đã đặt câu hỏi về đặc quyền sở hữu vũ khí hạt nhân và quyền phủ quyết của nhóm. Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9/2019, Tổng thống Tayyip Erdogan từng khẳng định: “Vũ khí hạt nhân nên bị cấm sử dụng hoặc được phát triển bởi bất kỳ ai… Thế giới có nhiều hơn 5 quốc gia. Đã đến lúc chúng ta thay đổi tâm thế, thể chế, tổ chức và luật chơi”.

Đành rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về Syria, song phát biểu trên rõ ràng không khiến ông Putin vừa lòng. Trong bài viết “75 năm Chiến thắng Vĩ đại: Trách nhiệm chung với lịch sử và tương lai” hồi tháng 6, ông Putin đã khẳng định nguyên tắc của HĐBA là cơ chế đặc thù nhằm ngăn chặn cuộc chiến lớn và xung đột toàn cầu; theo đó, việc kêu gọi hủy bỏ quyền phủ quyết hay quyền lợi đặc biệt dành cho các nước P5 là “vô trách nhiệm”.

Thứ hai, cả nhóm P5 đều là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. Sự kiện này là cơ hội để các bên thảo luận trực tiếp về giải pháp nhằm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, giảm thiểu tác động và bảo toàn tương quan lực lượng, vị thế trong HĐBA hậu đại dịch.

Thứ ba, các nước đều có “việc riêng” của mình trong câu chuyện này, đặc biệt là Nga và Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã thảo luận chi tiết về kế hoạch tổ chức thượng đỉnh P5. (Nguồn: AFP)

Với Nga, đó là thiết lập vai trò trong củng cố nền tảng lòng tin trong quan hệ giữa các nước P5. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Holocaust Thể giới ở Jerusalem tháng 1/2020, ông Putin đã nói về viễn cảnh tối màu, khi căng thẳng thế giới gia tăng do đại dịch Covid-19, kinh tế lao dốc, hệ thống tài chính sụp đổ và đối đầu địa chính trị giữa các nước lớn. Quan trọng hơn, theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan M.K. Bhadrakumar, giữa những xô bồ hỗn loạn ấy, P5 có thể dẫn dắt thế giới vượt sóng gió, triển khai nhiều thay đổi bước ngoặt như thiết lập trật tự kinh tế thế giới mới với cơ sở là hệ thống Bretton Woods, chương trình đầu tư mang phong cách Chính sách Kinh tế mới của cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu…, với Nga làm kiến trúc sư chính và đầu tàu.

Với Mỹ, đó là củng cố hình ảnh của ông Donald Trump trước thềm bầu cử Tổng thống, đồng thời đưa Trung Quốc trở thành một bên trong thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung mới. Đầu tiên, trong bối cảnh ông Trump gặp khó trong đối phó đại dịch Covid-19, phong trào biểu tình và rắc rối với những cựu quan chức dưới quyền, đây có thể là sự kiện để ông thể hiện vai trò của nhà lãnh đạo nước chủ nhà LHQ.

Thêm vào đó, đây là cơ hội để Washington có thể buộc Bắc Kinh trở thành một phần của thỏa thuận kiểm soát vu khí hạt nhân tầm trung mới, nhất là khi theo báo cáo của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) có trụ sở tại London, Trung Quốc hiện đã sở hưu kho tên lửa phóng từ mặt đất lớn nhất thế giới, với 95% số tên lửa đạn đạo và hành trình thuộc diện bị cấm theo các điều khoản của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là thành công lớn dành cho ông Trump, tạo cú hích lớn để ông chiến thắng trong ngày bầu cử 3 tháng tới.

Những lợi ích trên đã phần nào lý giải tại sao Nga, Mỹ, cũng như các quốc gia còn lại trong P5 lại hào hứng với đề xuất tổ chức thượng đỉnh tới như vậy.