Tổng thống Ukraine Zelensky từng phát biểu tại một sự kiện mới đây rằng, có khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện với Nga, nhưng đó sẽ là "sai lầm lớn nhất" của Moscow. (Nguồn: PA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Sau phát ngôn về chiến tranh toàn diện của Tổng thống Ukraine, Nga cảnh báo EU
Ngày 11/9, tại một sự kiện, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, có khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện với Nga, nhưng đó sẽ là "sai lầm lớn nhất" của Moscow.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tin rằng người Ukraine và người Nga đã trở thành kẻ thù với khoảng cách rất lớn giữa họ hiện nay.
Ngày 13/9, đề cập những phát biểu trên, người phát ngôn của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin nhấn mạnh: "Lãnh đạo các nước châu Âu có hiểu rằng những nhận xét này của ông Zelensky rất nguy hiểm đối với quốc gia của họ không? Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nên chú ý đến những gì đang xảy ra ở Ukraine nếu không muốn người dân châu Âu bị kéo vào một cuộc chiến toàn diện".
Bên cạnh đó, ông Volodin cho rằng, người Nga và người Ukraine "có lịch sử, văn hóa, tôn giáo chung và là một tập thể thống nhất nói tiếng Nga. Vì vậy, chúng ta cần nghĩ về tình hữu nghị và phát triển quan hệ hơn là về chiến tranh và khoảng cách".
Theo ông Volodin, những tuyên bố của ông Zelensky về khoảng cách giữa người dân hai nước cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine không muốn thiết lập quan hệ song phương bình thường, đồng thời khẳng định: "Một nền hòa bình tồi tệ vẫn tốt hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào, thậm chí còn hơn cả một cuộc chiến toàn diện".
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN của Mỹ mới đây, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định, nước này không phụ thuộc vào Mỹ nhiều như Afghanistan và không có chuyện Mỹ “rời bỏ” Kiev, đồng thời, kêu gọi Washington tăng cường sự hiện diện ở quốc gia Đông Âu này. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nơi hiếm hoi Nga-EU có thể 'tâm đầu ý hợp' |
Ngày 'hoàng đạo' thử tên lửa: Nga, Mỹ, Triều Tiên đua nhau khoe thành tích
Ngày 13/9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nước này đã thực hiện thành công các vụ phóng thử tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới vào các ngày 11 và 12/9 sau hai năm nghiên cứu.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga đã lập tức đưa ra các bình luận về vụ phóng trên.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc thông báo, Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 12/9 đã thử nghiệm thành công lần đầu tiên tên lửa đánh chặn nâng cấp hoàn thiện phóng từ đất liền.
Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên tên lửa đẩy ba giai đoạn ở chế độ hai giai đoạn, giúp mở rộng khả năng khi tiến hành hoạt động chiến đấu.
Cũng ngày 12/9, Hạm đội phương Bắc của Nga cho biết, tàu ngầm hạt nhân lớp Antei, Dự án 949A Orel đã bắn thử một tên lửa chống hạm Granite trong cuộc tập trận ở biển Barents, Bắc Cực.
Hạm đội phương Bắc cho biết thêm, mục tiêu của tên lửa là một tàu nổi lớn giả định nằm cách điểm phóng tên lửa hơn 100 km. (Yonhap, Sputnik, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga nói về vụ Triều Tiên thử tên lửa: Chẳng có đe dọa nào hết | |
Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa, Tổng tham mưu trưởng Park Jong-chon giám sát vụ phóng |
Nga-Belarus: Đường đến Nhà nước liên minh còn 'một chặng đường dài'
Trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình của Belarus mới đây, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, việc ký kết 28 chương trình của Nhà nước liên minh Nga-Belarus không có nghĩa sẽ phải thực hiện ngay lập tức.
Ông Peskov lưu ý: "Việc thực hiện đòi hỏi những nỗ lực to lớn. Chúng ta sẽ phải hài hòa luật pháp của hai nước với các chương trình này. Mỗi quốc gia sẽ phải làm việc với quốc hội của mình, để thông qua luật, các quy định".
Nhấn mạnh hai nước "sẽ còn phải đi một chặng đường dài" để tiến tới Nhà nước liên minh, ông Peskov cho rằng, "mọi kỳ vọng sẽ có điều gì đó đáng ngạc nhiên là hoàn toàn không có cơ sở", nói rõ Tổng thống Vladimir Putin đã giải thích điều đó trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko sau hội đàm ngày 9/9.
Nhận định về các chương trình hợp tác mà tổng thống hai nước đã thông qua, người phát ngôn Peskov cho hay, đây là hợp tác đôi bên cùng có lợi, "không phải giống như các bình luận rằng, ai đó đang tìm cách chiếm đoạt nước kia. Toàn bộ lời chỉ trích không gì khác ngoài biểu hiện của sự thù địch".
Ông Peskov nêu rõ: "Hai nước đã cùng nhau đi một chặng đường khá dài để thống nhất các hình thức hội nhập, hợp tác trong các lĩnh vực rất quan trọng, trước hết là trong nền kinh tế", trong khi đó, về "hội nhập chính trị, trên lý thuyết là có thể xảy ra, nếu nó vì lợi ích của hai quốc gia, nhưng không phải là bây giờ". (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Belarus tập trận rầm rộ, nhất trí hoàn toàn 28 chương trình hài hòa luật pháp |
Vì Nga, Trung Quốc ra mặt, nói không thể chấp nhận hành động của Mỹ
Ngày 10/9, Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga liên quan những vi phạm của các công ty mạng của Washington trước thềm bầu cử Duma Quốc gia Nga. Bên cạnh đó, Moscow bày tỏ phản đối Mỹ can thiệp công việc nội bộ Nga.
Ngày 13/9, khi được TASS yêu cầu bình luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ ủng hộ Moscow.
Ông Triệu Lập Kiên nói: "Chúng tôi tin rằng cuộc bầu cử Duma Quốc gia là chuyện nội bộ của Nga. Các thế lực nước ngoài không được can thiệp".
Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cuộc bầu cử Duma Quốc gia là một sự kiện chính trị lớn, đồng thời khẳng định Trung Quốc là "đối tác chiến lược lớn" của Nga. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Chiến lược an ninh quốc gia Nga: Thức thời và quyết đoán |
Afghanistan: Taliban bác 'tin đồn thất thiệt', Nga chuẩn bị gửi viện trợ
Ngày 13/9, người phát ngôn của Văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar Muhammad Suhail Shaheen bác thông tin rằng, một trong những thủ lĩnh của phong trào này, ông Mullah Abdul Ghani Baradar Akhund, đã bị giết hoặc bị thương, khẳng định điều này "là vô căn cứ và không đúng sự thật".
Theo truyền thông trước đó đưa tin, ông Mullah Baradar bị thương trong một cuộc giao tranh giữa các đơn vị Taliban. Ông Akhund được Taliban bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng trong chính quyền mà phong trào này lập nên để kiểm soát Afghanistan sau khi các lực lượng nước ngoài rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia Nam Á.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Afghanistan Mawlawi Abdul Hadi Hamdani cho biết, nước này dự định sẽ sớm tiếp nhận các chuyến bay chở hàng viện trợ từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các chuyến bay từ Qatar, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uzbekistan, Kazakhstan và Pakistan đã hạ cánh tại sân bay Kabul.
Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov cũng cho hay, Nga đang xem xét khả năng gửi viện trợ nhân đạo là thực phẩm và thuốc men tới Afghanistan trong tương lai gần.
Trước đó cùng ngày, một máy bay của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) đã hạ cánh xuống sân bay Kabul, đánh dấu chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên hạ cánh tại đây kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. (Sputnik, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tính toán chi li của Nga và Iran ở Afghanistan |
Hàn Quốc-Australia: Đối thoại 2+2
Ngày 13/9 tại thủ đô Seoul diễn ra đối thoại 2+2 với sự tham gia của Ngoại trưởng Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook của Hàn Quốc và những người đồng cấp Marise Payne và Peter Dutton của Australia.
Ngoại trưởng Australia Payne nói: "Hai nước chia sẻ các giá trị dân chủ, ủng hộ thương mại tự do và rộng mở. Chúng tôi hiểu giá trị của chủ nghĩa đa phương... Đây là những dấu mốc tái khẳng định cam kết giữa Australia và Hàn Quốc trong việc thực hiện các mục tiêu chung của chúng ta đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Theo bà Payne, cuộc gặp 2+2 này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình cách thức Australia và Hàn Quốc có thể tiến hành một chương trình hợp tác đóng góp và hỗ trợ cho hòa bình và ổn định của khu vực.
Ông Chung nhấn mạnh, Hàn Quốc coi trọng mối quan hệ với Australia với tư cách một quốc gia "có lợi ích tương đồng", cho rằng việc hai nước tổ chức đối thoại 2+2 là rất đúng lúc trong bối cảnh nhu cầu giao tiếp và hợp tác giữa các nước như Hàn Quốc và Australia ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Dutton lưu ý về các thách thức chiến lược khu vực ngày càng tăng nên quan hệ đối tác Hàn Quốc-Australia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc họp đối thoại 2+2 với Australia trước thềm chuyến thăm Seoul của Ngoại trưởng Trung Quốc |
Hàn Quốc-Nhật Bản: Các đặc phái viên hạt nhân hội đàm song phương về Bán đảo Triều Tiên
Ngày 13/9, các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành hội đàm ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) để thảo luận các biện pháp phối hợp nhằm nối loại đối thoại với Triều Tiên.
Cuộc gặp giữa Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Noh Kyu-duk và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi diễn ra trước thềm cuộc gặp ba bên của họ với Đặc phái viên về Triều Tiên của Mỹ Sung Kim.
Ông Noh Kyu-duk và ông Takehiro Funakoshi được cho là đã thảo luận cách thức khuyến khích Triều Tiên quay trở lại đàm phán, thông qua viện trợ nhân đạo và những hình thức khích lệ khác, đồng thời giải quyết ổn định tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Dự kiến cuộc gặp 3 bên vào ngày 14/9 sẽ thảo luận tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác 3 bên trong việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản: Củng cố đồng minh, thận trọng đối tác |
Chính trường Malaysia: Chính phủ ký thỏa thuận hợp tác với phe đối lập
Ngày 13/9, chính phủ liên minh của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với liên minh Hy vọng (PH) đối lập.
Thủ tướng Ismail cho biết, sự kiện này được coi là bước đi lịch sử chưa từng có nhằm chuyển giao và ổn định chính trị. MoU thúc đẩy sự hợp tác lưỡng đảng, nâng cao tinh thần “Gia đình Malaysia” như mong muốn của Quốc vương. MoU sẽ gác lại những bất đồng chính trị, đảm bảo tiến trình phục hồi đất nước diễn ra một cách toàn diện.
MoU gồm 7 đề xuất cải cách Quốc hội và chính phủ mà tân Thủ tướng Ismail đưa ra hôm 10/9, trong đó bao gồm hạn chế thời gian cầm quyền của Thủ tướng trong 10 năm (2 nhiệm kỳ) và trình dự luật chống “nhảy tàu” để ngăn chặn tình trạng nghị sĩ Quốc hội nhảy từ đảng này sang đảng khác mà không chịu bất cứ biện pháp chế tài nào như hiện nay.
Ngoài ra, ông Ismail còn đề xuất trao cho lãnh đạo đối lập vị thế ngang hàng với bộ trưởng, tham gia và đóng góp ý kiến tại Ủy ban Hồi phục quốc gia, trao cho các hạ nghị sĩ đối lập và hạ nghị sĩ không phải phe cầm quyền quyền đại diện bình đẳng tại các ủy ban đặc biệt của Quốc hội.
Về mặt lập pháp, ông Ismail đề xuất tất cả dự luật, bao gồm cả Dự luật Cung ứng đều phải đưa ra thảo luận tại Quốc hội nhằm đạt đồng thuận. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bốn kịch bản cho bế tắc chính trị tại Malaysia |
Nga-Czech: Công dân Nga bị bắt giữ tại sân bay Prague
Ngày 12/9, cơ quan cảnh sát Czech thông báo bắt giữ một công dân Nga, từng tham gia các sự kiện tại Crimea năm 2014, tại sân bay Prague dựa trên lệnh bắt giữ quốc tế do Ukraine ban hành.
Nga cho hay đang tiến hành điều tra vụ việc và liên hệ với công dân trên để hỗ trợ lãnh sự. (Sputnik)
Máy bay Nga xâm phạm không phận Nhật Bản
Ngày 12/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, một máy bay An-26 của Nga đã xâm phạm không phận nước này mà không được sự cho phép tại khu vực bán đảo Shiretoko thuộc đảo Hokkaido.
Liên quan đến vụ việc, Nhật Bản có hành động phản đối thông qua các kênh ngoại giao. (TASS)
| Lý do khiến Nhật Bản trao công hàm phản đối tới Nga Ngày 12/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, một máy bay An-26 của Nga đã xâm phạm không phận nước này mà không được ... |
| Czech thông báo bắt giữ một công dân Nga, Moscow điều tra Ngày 12/9, người phát ngôn Tổng cục cảnh sát CH. Czech Ondrej Moravcik thông báo, nước này đã bắt giữ một công dân Nga tại ... |