Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar tại thượng đỉnh SCO năm 2020. (Nguồn: Tân hoa xã) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật ngày 29/7.
Xung đột Nga-Ukraine
* Hàng chục tù binh Ukraine thiệt mạng, Moscow và Kiev cáo buộc lẫn nhau: Ngày 29/7, Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Ukraine sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) do Mỹ chế tạo và viện trợ để tấn công vào một nhà tù ở vùng lãnh thổ do phe ly khai thân Moscow kiểm soát, khiến 40 tù binh Ukraine thiệt mạng và 75 người khác bị thương.
Theo thông báo tình hình hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga, vụ pháo kích bằng HIMARS của các lực lượng vũ trang Ukraine nhằm vào một trung tâm tạm giam tại khu vực định cư Olenivka ở Donetsk, nơi đang tập trung các “tù binh chiến tranh Ukraine, trong đó có những tay súng thuộc Tiểu đoàn Azov”.
Ngoài ra, phía Nga cũng cho hay có 8 nhân viên nhà tù đã bị thương trong vụ tấn công của phía Ukraine.
Về phần mình, quân đội Ukraine đã phủ nhận thông tin này. Kiev cho rằng chính Nga đã pháo kích “chính xác vào một cơ sở cải tạo ở khu định cư Olenivka thuộc vùng Donetsk, nơi các tù nhân Ukraine bị giam giữ”.
Tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho rằng vụ tấn công là cách Moscow đổ lỗi cho Kiev phạm “tội ác chiến tranh”, cũng như che giấu tình trạng “tra tấn và hành quyết” các tù nhân. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tâm điểm mới trong cạnh tranh chiến lược Nga-Mỹ |
Nga-Mỹ
* Nga sẽ “sớm” báo về điện đàm cấp Ngoại trưởng với Mỹ: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 29/7 tuyên bố Nga sẽ “sớm” đề xuất thời gian cụ thể cho điện đàm với đồng cấp Mỹ.
Trước đó, ngày 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo ý định tổ chức cuộc điện đàm với người đồng cấp Lavrov về việc trả tự do cho 2 công dân Mỹ là Paul Whelan và Brittney Griner đang bị giam giữ tại Nga.
Vận động viên bóng rổ Brittney Griner bị buộc tội buôn lậu số lượng lớn ma túy, trong khi nhân viên cảnh sát Whelan bị bắt năm 2018 vì bị tình nghi hoạt động gián điệp và năm 2020 bị kết án 16 năm tù giam. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế Đức 'chao đảo' giữa khủng hoảng năng lượng |
Châu Âu
* Nga và Saudi Arabia khẳng định cam kết về OPEC+: Ngày 29/7, chính phủ Nga ra tuyên bố khẳng định nước này và Saudi Arabia vẫn “cam kết chặt chẽ” với những mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) về giữ gìn ổn định thị trường, cũng như cân bằng cung-cầu tại các thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã gặp Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman để thảo luận chủ đề hợp tác song phương trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC+ về ấn định hạn ngạch khai thác nhằm cân bằng giá dầu toàn cầu.
Hiện Riyadh được cho là đang phải chịu sức ép từ Washington về việc tăng sản lượng khai thác nhằm góp phần giải quyết tình trạng lạm phát tại Mỹ do giá năng lượng tăng cao.
* Pháp thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu mỏ: Thông cáo ngày 29/7 của Điện Elysee cho biết hội đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 28/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn cung đa dạng về năng lượng.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực lôi kéo quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, giữa lúc tiếp diễn xung đột Nga-Ukraine và bế tắc trong đàm phán khôi phục hạt nhân với Iran. Pháp cùng các quốc gia châu Âu khác đang tìm cách thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sau khi Nga cắt giảm lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.
* Đức kêu gọi các thành viên NATO giải quyết xung đột thông qua đối thoại: Phát biểu ngày 29/7 tại Athens, ám chỉ đến căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giải quyết tranh chấp của mình thông qua đối thoại. Bà Annalena Baerbock nói: “Bất đồng trong nội bộ liên minh – đó chính xác là điều Tổng thống Nga (Vladimir Putin) mong muốn”.
Ngoại trưởng Đức nói thêm rằng bà sẽ nhắc lại thông điệp của mình trong chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày. (Reuters)
* Belarus triệu hồi đại sứ tại Anh vì chính sách “thù địch” của London: Ngày 29/7, Belarus đã triệu hồi đại sứ tại Anh về nước để phản đối “hành động thù địch và không thân thiện” từ phía London đối với Minsk.
Trong tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao Belarus đánh giá chính sách của Anh hướng đến “mục tiêu có tính hệ thống là gây tổn hại tối đa cho công dân và các thực thể hợp pháp của Belarus”. Anh đã trừng phạt các công ty từ Belarus, triển khai một số biện pháp hạn chế đối với hãng hàng không quốc gia Belavia và các cơ quan truyền thông nhà nước của quốc gia Đông Âu. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Châu Âu có lựa chọn mới về nguồn cung khí đốt tiềm năng - không phải từ Nga |
Đông Bắc Á
* Nga ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc): Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan ngày 29/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu rõ: “Lập trường của chúng tôi về sự tồn tại của duy nhất ‘Một Trung Quốc’ vẫn không thay đổi. Chúng tôi không có vấn đề gì trong quan điểm tán thành nguyên tắc về chủ quyền của Trung Quốc”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden “không đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Bắc Kinh đã đưa ra một loạt phản ứng cứng rắn về hậu quả trong quan hệ với Washington nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Bắc nhân chuyến công du châu Á. (Reuters)
* Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc hội đàm với các cựu Tư lệnh USFK: Nhân chuyến thăm Mỹ từ ngày 25-29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-seop hôm 28/7 đã hội đàm với các cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK), nhằm thảo luận về phương hướng phát triển quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Tham dự buổi hội đàm có Tư lệnh USFK, tướng Paul LaCamera và các cựu Tư lệnh như John Tilelli, Walter Sharp, Vincent Brooks.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Lee Jong-seop đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp chặt chẽ giữa Seoul và Washington trong việc đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Ông khẳng định 2 bên đang triển khai nhiều biện pháp nhằm củng cố thế trận phòng thủ chung của Liên quân Hàn-Mỹ.
Về phần mình, các cựu Tư lệnh USFK chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh phức tạp, trong đó có vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thực tế này đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách đối với 2 nước đồng minh về việc cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh trong tương lai.
Dự kiến trong ngày 29/7 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc sẽ hội đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Hai bên dự kiến chia sẻ đánh giá về Bán đảo Triều Tiên, thảo luận về các biện pháp triển khai thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, như bảo đảm năng lực răn đe mở rộng của Mỹ dành cho Hàn Quốc.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ chương trình nghị sự chính dự kiến sẽ bao gồm 4 nội dung: tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên; thế trận phòng thủ chung của liên quân; hợp tác an ninh 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật; hợp tác an ninh trên phạm vi khu vực và toàn cầu. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm châu Á, kế hoạch thăm Đài Loan đặt ở trạng thái 'thăm dò' |
Đông Nam Á
* Ngoại trưởng Malaysia: ASEAN cần đưa ra quyết định lớn về Myanmar: Ngày 29/7, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới cần đưa ra “quyết định lớn” về Đồng thuận Năm điểm (5PC) đối với Myanmar, đồng thời cân nhắc khả năng tiếp tục thực hiện 5PC.
Ngoại trưởng Malaysia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần có thông tin chính xác và cập nhật về những gì đang thực sự xảy ra ở Myanmar bằng cách thu thập thông tin trực tiếp từ những người có liên quan. Tiếp theo là tham vấn toàn diện và công bằng của tất cả các bên liên quan để tìm ra cách thức thực hiện khuôn khổ này, bao gồm viện trợ nhân đạo công bằng và minh bạch, các kế hoạch chuyển tiếp và các bên thực hiện (ngừng bắn, ổn định và chuyển tiếp), hiến pháp của người dân và một cuộc bầu cử diễn ra tự do và đồng thuận.
Ông nêu rõ: “ASEAN cần đóng vai trò là người điều phối cùng với Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Myanmar, với sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.
Ngoại trưởng Saifuddin cũng nhấn mạnh thêm rằng Malaysia sẽ đưa ra 2 vấn đề tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh (Campuchia) vào ngày 3/8 tới. Thứ nhất là đề nghị cấm Myanmar cử đại diện chính trị tham dự tất cả các cuộc họp cấp bộ trưởng của ASEAN. Thứ hai là đề xuất thảo luận về khuôn khổ thực hiện 5PC. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Campuchia đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55, không có đại diện chính quyền quân sự Myanmar tham dự |
Nam Á
* Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc có thể gặp song phương: Ngày 29/7, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan, một ngày sau khi New Delhi bày tỏ quan ngại về tàu Trung Quốc có kế hoạch thăm cảng chiến lược Hambantota ở Sri Lanka.
Theo đó, báo chí Ấn Độ đưa tin ngoại trưởng 2 nước có thể gặp song phương tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan bên lề hội nghị SCO. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định không có thông tin về kế hoạch nói trên.
Dữ liệu hải trình do công ty Refinitiv Eikon cung cấp cho thấy tàu nghiên cứu và khảo sát “Viễn Vọng 5” của Trung Quốc đang trên đường di chuyển và dự kiến cập cảng Hambantota vào ngày 11/8. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Sri Lanka phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua. Bắc Kinh chưa chính thức đưa ra bất kỳ bình luận nào về chuyến thăm của tàu Viễn Vọng 5 và vấn đề này không được phản ánh trên truyền thông Trung Quốc.
Trước đó, New Delhi đã bày tỏ quan ngại rằng cảng Hambantota do Bắc Kinh xây và thuê ở Sri Lanka sẽ được Trung Quốc sử dụng làm căn cứ quân sự ở sân sau của Ấn Độ. Cảng này, trị giá 1,5 tỷ USD, nằm gần tuyến đường biển chính nối châu Á với châu Âu.
Năm 2017, Sri Lanka đã chính thức bàn giao các hoạt động thương mại tại cảng Hambantota cho 1 công ty Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm sau khi phải chật vật trả nợ. Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka và cũng là nhà tài trợ cho các sân bay, đường bộ và đường sắt của Sri Lanka. Năm 2014, Sri Lanka đã chọc giận Ấn Độ khi cho phép một tàu ngầm và một tàu chiến của Trung Quốc cập cảng Colombo.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng kể từ sau vụ xung đột ở biên giới chung 2 năm trước, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, đồng thời dẫn tới việc 2 bên tăng cường số lượng lớn binh sĩ hiện diện tại khu vực tranh chấp này. (Reuters)
| Ấn Độ-Trung Quốc đạt đồng thuận 4 điểm liên quan vấn đề biên giới Tại vòng đàm phán cấp Tư lệnh quân đoàn lần thứ 16 giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai bên đã đạt được đồng thuận ... |
| Bóng ma khủng hoảng nợ ám ảnh châu Âu Chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB và xu hướng của đồng Euro hiện đang xuất hiện nhiều dấu hiệu khó đoán ... |