📞

Tình hình Afghanistan: Khi khói súng phủ bóng tương lai

Phan Quân 07:45 | 10/08/2021
Giao tranh ác liệt giữa chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani và lực lượng Taliban đang khiến tương lai Afghanistan trở nên mông lung hơn bao giờ hết.
Lá cờ của Taliban được treo trên quảng trường ở trung tâm thành phố Kunduz, miền bắc Afghanistan. (Nguồn: AP)

Nóng lên từng ngày

Ngày 8/8, Taliban đã chiếm quyền kiểm soát ba thành phố cấp tỉnh, trong đó có Kunduz. Đây là chiến thắng quan trọng nhất của Taliban kể từ khi phát động tấn công hồi tháng Năm vì lý do sau.

Đầu tiên, Kunduz là cửa ngõ chiến lược quan trọng ở Bắc Afghanistan, nằm giữa Kabul và Tajikistan. Do đó, Taliban có thể tiến hành du kích, gây áp lực lớn tới công tác vận chuyển hàng hóa của chính quyền Afghanistan. Ngoài ra, chiến thắng này còn có ý nghĩa lịch sử. Taliban từng chiếm Kunduz năm 2015 và 2016, song đều phải rút lui. Cuối cùng, giành quyền kiểm soát Kunduz cho thấy lực lượng này đủ sức đánh bật Lực lượng Tự vệ Afghanistan (ANDSF) do Mỹ yểm trợ.

Như vậy tới nay, Taliban đã chiếm được 5/34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan chỉ vài tuần trước khi Mỹ rút quân hoàn toàn. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 8/8 cho biết ANDSF vẫn chiến đấu quyết liệt nhằm giành lại các mục tiêu chủ chốt. Theo giới phân tích, khả năng giành lại và kiểm soát miền Bắc sẽ đóng vai trò sống còn với sự tồn tại lâu dài của chính phủ Afghanistan.

Giành quyền kiểm soát Kunduz là minh chứng về năng lực tác chiến của Taliban. Nó cho thấy lực lượng này đủ sức đánh bật Lực lượng Tự vệ Afghanistan (ANDSF) do Mỹ yểm trợ.

Toan tính của các ông lớn

Trong bối cảnh tình hình tại Afghanistan tiếp tục diễn biến phức tạp, tam giác nước lớn Mỹ-Trung-Nga cũng có tính toán của riêng mình.

Một mặt, Mỹ duy trì hỗ trợ quân sự ANDSF. Ngày 7/8, Bộ Quốc phòng Afghanistan thông báo Lầu Năm góc đã triển khai máy bay B-52 ném bom thành phố Sheberghan, tỉnh Jawzjan khiến 200 thành viên Taliban thiệt mạng, phá hủy một số lượng lớn vũ khí, đạn dược và hơn 100 phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, thông tin thực sự vẫn chưa được xác minh.

Mặt khác, Washington tìm kiếm sự ủng hộ về Afghanistan. Ngày 5/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định đây là vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác bởi “không ai có lợi khi thấy một Afghanistan mất an ninh, ổn định, thiếu thịnh vượng và bị tàn phá bởi bạo lực”.

Trong khi đó, Nga đã tăng quân và gấp đôi khí tài trong cuộc tập trận từ ngày 5-10/8 tại biên giới Tajikistan-Afghanistan. Theo Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov, nước này đã tính toán nhiều kịch bản khác nhau và tình hình hiện tại là một trong số đó.

Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 tấn công pháo hạng nặng của Taliban nhằm hỗ trợ ANDSF. (Nguồn: AP)

Song mặt khác, ưu thế trên chiến trường của Taliban không hẳn là điều tệ với Nga. Theo Financial Times, Moscow đã tiếp cận lực lượng này từ năm 2018, bởi Nga không muốn có một chế độ Mỹ bảo trợ ở “sân sau”. Đồng thời, Moscow mong khôi phục ảnh hưởng tại Trung Á, đóng vai trò đảm bảo an ninh cho phần lớn lục địa Á-Âu thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Mặt khác, theo ông Zamir Kabulov, Taliban sẽ “củng cố an ninh của Nga”, bởi thế lực này có thể đánh bật các nhóm Hồi giáo cực đoan hơn và về tổng thể, điều này mang lại lợi ích cho Moscow.

Cuối cùng, Trung Quốc thận trọng trước tình hình an ninh phức tạp tại Afghanistan, song cho rằng hoàn toàn có thể hợp tác với Taliban, đảm bảo lợi ích và kinh tế chính trị tại Trung-Nam Á.

Vài tuần qua, Trung Quốc đã viện trợ tài chính Kabul và đối thoại với phái đoàn Taliban về “lằn ranh đỏ” và kỳ vọng của mình, cụ thể là kiểm soát Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), phiến quân tìm cách thiết lập nhà nước của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Ngày 28/7, đối thoại với trưởng phái đoàn Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định ETIM là “mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.” Do đó, Bắc Kinh sẵn sàng công nhận Taliban là “lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt” nhằm bảo lợi ích tại Afghanistan, trong đó có việc bình định ETIM.

Trung Quốc sẵn sàng công nhận Taliban như một “lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt”, miễn là có thể bảo lợi ích kinh tế và chính trị tại Afghanistan, trong đó có việc bình định ETIM.

Tương lai mịt mờ

Trong bối cảnh chiến sự ngày một leo thang, kèm theo đó là toan tính chiến lược của các nước lớn, tình hình tại Afghanistan sẽ trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.

Có người đã bắt đầu nói về viễn cảnh Taliban đánh bật chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani và nắm quyền kiểm soát Kabul. Ở thời điểm hiện tại, lực lượng này đang có ưu thế trên chiến trường.

Tuy nhiên, ANDSF vẫn đang nhận hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ. Bên cạnh máy bay B-52, Lầu Năm góc đã triển khai máy bay không người lái Reaper tấn công pháo hạng nặng của Taliban. Mỹ cũng duy trì không kích hay do thám trên cao từ Qatar, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay biển Arab.

Trong bối cảnh đó, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Ryan Crocker, nguy cơ xung đột tại Afghanistan sẽ trở thành nội chiến kéo dài đang hiện hữu rõ nét. Đặc phái viên của Nga về Afghanistan Zamir Kabulov cũng nhận định Taliban khó kiểm soát hoàn toàn Afghanistan - lực lượng này có thể chiếm thêm một vài thành phố khác, song “cân bằng sẽ sớm được thiết lập.”

Khi ấy, các bên có thể cân nhắc về đàm phán, chia sẻ quyền lực. Đây là điều từng xảy ra, song chưa mang lại kết quả.

Ngày 18/7, phái đoàn của chính phủ Afghanistan và Taliban đã ra tuyên bố chung, khẳng định sẽ nhóm họp để xúc tiến đàm phán. Song cuối cùng, hai bên đã không thể tìm được sự đồng thuận.

Theo Tổng thống Ashraf Ghani, chừng nào còn ưu thế trên chiến trường, Taliban sẽ không hướng tới hòa bình. Chiến sự leo thang ngay sau khi Mỹ tiến hành rút quân là minh chứng cho điều đó.

Tương lai Afghanistan, giữa bộn bề tiếng súng tiếng bom, vì thế càng mông lung hơn bao giờ hết.