Nhỏ Bình thường Lớn

Tổng thống Mỹ lại đối đầu với Quốc hội: "Tồn tại hay không tồn tại"?

Với việc thông qua Nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh, Quốc hội Mỹ và Tổng thống Donald Trump một lần nữa “đối đầu” nhau trong vấn đề quan hệ Washington – Riyadh, song liệu ông chủ Nhà Trắng có thể chiến thắng? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
TIN LIÊN QUAN
tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai Tổng thống Trump chuẩn bị đề cử nhân sự Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai Tổng thống Moon Jae-in hy vọng gì giữa hai "gọng kìm" Mỹ, Triều?

MINH QUÂN

Quốc hội Mỹ vừa thông qua vào sáng ngày 4/4 dự luật chấm dứt hỗ trợ quân sự của Washington với Riyadh trong cuộc nội chiến tại Yemen. Diễn ra chưa đầy một tháng sau lần thứ nhất, cuộc bỏ phiếu này, với 274 phiếu thuận và 175 phiếu chống, thể hiện quan điểm gay gắt của Quốc hội Mỹ, yêu cầu Tổng thống Donald Trump “buông tay” với Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.

Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ nêu ra Nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh, vốn tồn tại từ năm 1974, nhằm mục đích ngăn cản không cho Tổng thống Mỹ can dự vào cuộc chiến ở nước ngoài mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Theo đó, Nghị quyết này sẽ được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của ông chủ Nhà Trắng, như một lời nhắc nhở về quyền hạn trong xây dựng chính sách đối ngoại của người đứng đầu nước Mỹ.

tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai
Các Nghị sỹ Mỹ sau khi bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Quân đội Saudi Arabia tại Yemen. (Nguồn: AP)

Câu nói kinh điển “Tồn tại hay không tồn tại” (To be or not to be) gắn liền với vở kịch Hamlet của Shakespeare, khi nhân vật chính Hamlet nghĩ về cái chết và phân vân trong sự lựa chọn giữa sống hoặc chết, giữa đau khổ của cuộc sống và nỗi băn khoăn, sợ hãi trước cái chết. Nó thường được dùng để chỉ sự khó khăn của con người khi giữa hai phương án buộc phải lựa chọn một, bỏ một.

Trớ trêu thay, trong giải quyết quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, ông chủ Nhà Trắng cũng đang rơi vào tình cảnh như vậy. Phủ quyết nó có thể khiến quan hệ giữa ông Trump và lưỡng hội Mỹ tiếp tục trở nên căng thẳng, đe dọa trực tiếp tới khả năng tái đắc của đương kim Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020. Ngược lại, thông qua Nghị quyết đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ chính thức chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ đối với Quân đội Saudi Arabia đang tham chiến tại Yemen, dội gáo nước lạnh vào quan hệ nồng ấm giữa Washington và Riyadh.

Vì người anh em…

Gần đây, với việc công nhận Cao nguyên Golan nằm dưới quyền kiểm soát của Tel Aviv sau Chiến tranh Sáu ngày là một phần lãnh thổ của Israel, Tổng thống Donald Trump cho thấy ông sẵn sàng đi ngược lại với chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhằm giữ gìn và thúc đẩy mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ và Israel. Phủ quyết Nghị quyết Quốc hội về chấm dứt hỗ trợ quân sự đối với Saudi Arabia trong nội chiến Yemen sẽ tiếp tục xu hướng bảo vệ đồng minh tại Trung Đông.

Suy cho cùng, Israel cùng Saudi Arabia vẫn là hai trụ cột lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, vốn được xây dựng từ thời cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Harry Truman. Tổng thống Donald Trump, dù từng ra sức chỉ trích quyết sách của những người tiền nhiệm, vẫn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với hai quốc gia này. Riêng với Saudi Arabia, ngay cả khi cả cộng đồng quốc tế nói chung và Quốc hội Mỹ nói riêng lên tiếng chỉ trích Riyadh, ông chủ Nhà Trắng vẫn không quay lưng lại với Thái tử Mohammed Bin Salman.

tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai
Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: Gettty Images)

Trong bối cảnh Mỹ đang dần tự chủ hơn trong sản xuất năng lượng với dầu đá phiến, Riyadh vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của Washington tại Trung Đông, kiềm chế Tehran, đồng thời giúp Nhà Trắng mở rộng và duy trì tầm ảnh hưởng tại các điểm nóng như Iraq, Yemen…

Về kinh tế, kể từ khi cuộc nội chiến Yemen bùng nổ, Mỹ đã ký với Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 68.2 tỷ USD, cao gấp 17 lần Chương trình Nhân đạo của Liên hợp quốc tại Yemen. Đơn phương chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với Saudi Arabia tại Yemen khi đó không chỉ tổn hại trực tiếp tới quan hệ song phương, mà còn khiến Washington chịu thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế. Đây là điều Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề mong muốn, khi phương châm của ông là “Nước Mỹ trên hết”.

...hay vì lá phiếu?

Tuy nhiên, đưa ra một quyết định như vậy cũng có thể khiến mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ trở nên căng thẳng hơn.

Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ nắm đa số tiếp tục cản trở việc triển khai nhiều chính sách của Tổng thống Donald Trump và ông chủ Nhà Trắng cũng thường xuyên ăn miếng trả miếng. Ngày 15/3 vừa qua, ông Trump đã phủ quyết Nghị quyết của Quốc hội về chấm dứt ban bố tình trạng khẩn cấp. Mới đây nhất, trong một động thái đánh vào cá nhân của ông chủ Nhà Trắng, Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thông tin liên quan đến hoàn thuế của ông Trump trong 6 năm gần đây nhất.

Chiến tranh luôn đi kèm với tổn hại và cuộc đấu trí đấu sức giữa Tổng thống và Quốc hội Mỹ không phải là ngoại lệ, song lần này, ông Trump nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại hơn cả. Chỉ còn hơn một năm nữa là tới bầu cử Tổng thống Mỹ và các ứng cử viên đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch hành lang của mình. Việc dành quá nhiều thời gian vào những cuộc đấu khẩu, với các chính sách đối nội và đối ngoại liên tục bị Quốc hội cản trở sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của ông Donald Trump với tư cách là ứng cử viên tranh cử Tổng thống.

tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng đảng Dân chủ đang là chướng ngại lớn nhất của Tổng thống Donald Trump tại Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AP)

Quan trọng hơn, nếu thông qua Nghị quyết của Quốc hội, ông Trump sẽ tạo ra một tiền lệ mới, cho phép cơ quan lập pháp này thực hiện các hành động tương tự trong tương lai. Việc Quốc hội Mỹ có tiếng nói nhiều hơn trong quyết sách về vấn đề quốc tế sẽ trực tiếp cản trở tới việc triển khai chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump nói riêng và các Tổng thống Mỹ kế nhiệm nói chung.

Trong vở kịch Hamlet, Hoàng tử Hamlet băn khoăn giữa trả thù cho cha, hay tự tử. Tự tử là giấc ngủ dài, chấm dứt dằn vặt về tâm hồn và thể xác. Chết là chìm vào trong giấc mộng vĩnh hằng, nhưng sự đau khổ vẫn sẽ đeo bám ngay cả trong mơ. Cuối cùng, ông quyết định sống để trả thù cha và hoàn thành được nhiệm vụ, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. Hamlet đã tìm được câu trả lời, còn Tổng thống Trump cũng buộc phải có đáp án riêng mình trong vài ngày tới.

tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai Saudi Arabia tính chuyện tạo dựng vị thế dẫn dắt thị trường dầu mỏ thế giới

SABIC hiện hoạt động tại 50 quốc gia trên toàn thế giới và có trên 34.000 nhân viên. Năm ngoái, công ty đạt doanh số ...

tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai Đại sứ Vũ Viết Dũng trình Thư Ủy nhiệm lên Quốc vương Saudi Arabia

Ngày 17/3, tại Cung điện Yamamah ở thủ đô Riyadh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng đã ...

tong thong my lai doi dau voi quoc hoi ton tai hay khong ton tai Saudi Arabia hút khách quốc tế nhờ dịch vụ du lịch bằng trực thăng

Dịch vụ vận chuyển bằng máy bay trực thăng vừa mới ra đời ở Saudi Arabia được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp không ...