Dù chỉ xuất hiện chưa đầy 15 phút tại Thượng định về Khí hậu của Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) cũng khiến nhiều người bất ngờ. (Nguồn: AP) |
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ tham dự một sự kiện khác của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo và không thể tới Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hợp quốc. Những ai đã từng theo dõi ông Trump cũng chẳng lấy gì làm lạ, bởi từ lâu ông đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu và rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2017.
“Tiện chân” hay “một bước tiến”?
Nhưng trong cuộc sống, chuyện gì cũng có thể xảy ra và việc ông Trump đột ngột cắt ngang lịch trình, xuất hiện tại Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hợp quốc nằm trong số đó. Hành động “tiện chân” rẽ qua 15 phút trước khi đi gặp các nguyên thủ quốc gia khác cho thấy sự quan tâm, dù ít ỏi, của ông chủ Nhà Trắng đối với sự kiện này.
Chủ trì Thượng đỉnh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mô tả sự xuất hiện của ông Trump là “một bước tiến”, còn cựu Thị trưởng Thành phố New York Michael Bloomberg thì “hy vọng rằng các cuộc đối thoại ngày hôm nay sẽ giúp ích cho ông trong việc triển khai các chính sách về biến đổi khí hậu”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: “Các nước cần tuân thủ cam kết và theo đuổi đến cùng Hiệp định Paris. Sự rút lui của một số bên sẽ không làm lung lay mục tiêu chung của cộng đồng thế giới.” Bởi vậy, hiện diện của người đứng đầu “một số bên” đó đã khiến nhiều người bất ngờ, dù là vì phép lịch sự của nước chủ nhà hay nhằm hài lòng số đông đi chăng nữa.
Lý thuyết không liền thực tiễn
Tuy nhiên, phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng sau khi rời đi còn “lạ” hơn cả. Trả lời phóng viên, ông Trump khẳng định “là người có niềm tin mãnh liệt vào cải thiện chất lượng không khí và nước, các quốc gia cần hợp sức lại làm điều này, vì bản thân của chính họ”. Bởi lẽ, chất lượng không khí và nguồn nước chỉ cải thiện khi năng lượng sạch được sử dụng và hệ thống sinh thái được duy trì. Đây là cả hai điều mà ông Trump chưa và sẽ không thực hiện trong thời gian tới.
Bởi lẽ, ngành công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ đang phát triển mạnh mẽ; xứ cờ hoa lần đầu tiên vượt mặt Saudi Arabia và Nga trở thành quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với sản lượng tháng 9/2019 dự kiến đạt kỷ lục 8,77 triệu thùng/ngày. Quan trọng hơn, năng lượng giờ đây là một con bài hữu hiệu được Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng trên bàn cờ chính trị, đặc biệt là trong ván cờ với Trung Quốc, đất nước vẫn dựa vào nguồn năng lượng nhập khẩu phát triển. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump có quan hệ thân thiết với lãnh đạo các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ. Khi đó, chuyển hướng phát triển năng lượng sạch chẳng khác nào bảo ông Trump tự “trói tay” mình và nhìn khả năng tái đắc cử Tổng thống trôi dần về con số không.
Cuối cùng, ngạc nhiên không kém là dòng Twitter của ông chủ Nhà Trắng, dành lời khen cho bài phát biểu Greta Thunberg, diễn giả 16 tuổi người Thụy Điển: “Cô ấy có vẻ là một cô gái trẻ hạnh phúc và sẽ có một tương lai tươi sáng và tuyệt vời. Thật tốt khi thấy điều đó!”. Tờ The Guardian cho đây là hành động “chơi khăm” của ông Trump, khi đính kèm video phát biểu cho thấy Greta đã bức xúc về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, thay vì “hạnh phúc” như lời ông mô tả. Như những lần phát biểu trước, gần đây nhất là tại Capitol Hill (Mỹ), Greta đã không ngần ngại chỉ trích lãnh đạo Pháp, Đức, Brazil, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ không hành động để chống lại biến đổi khí hậu. Song khi phát biểu “các vị đã khiến chúng tôi thất vọng”, cô lại chủ động nhìn vào Tổng thống Donald Trump và điều này có lẽ đã khiến ông chủ Nhà Trắng khó chịu.
Chỉ là sự kiện nằm trong khuôn khổ phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74, song Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hợp quốc đã mang đến nhiều bất ngờ. Khi ấy, phiên khai mạc, họp chính, phát biểu của các nguyên thủ quốc gia cùng các cuộc gặp song phương bên lề dự kiến sẽ ẩn chứa những điểm thú vị mới. Tất cả sẽ được tiết lộ tại New York trong vài ngày tới.