Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tại Singapore năm 2018. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 16/7, trả lời Fox News, đề cập về Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng sẽ “không có thượng đỉnh” trừ phi đạt kết quả tốt, song ông vẫn hy vọng chứng kiến sự kiện này trong năm nay, dù chưa có dấu hiệu cụ thể. Trước đó, phát biểu trên kênh Gray đầu tháng 7, Tổng thống Donald Trump cho biết sẵn sàng gặp Chủ tịch Kim Jong-un nếu thấy “hữu ích”.
Dù vậy, ngay sau đó, Triều Tiên khẳng định sẽ không quan tâm đến việc gặp trực tiếp ông Trump cho tới khi Mỹ làm rõ quan điểm về phi hạt nhân hóa. Em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong cũng hoài nghi về khả năng thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra trong năm nay.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Quốc hội Hàn Quốc chuẩn bị cho phiên điều trần phê chuẩn ngày 27/7, ứng viên cho vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) Park Jie-won đã nhận định rằng nếu có phản hồi tích cực từ phía Triều Tiên, tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba trước tháng 11 là khả thi. Giữa bộn bề những thông tin “có” và “không” ấy, đâu mới là thật?
Tưởng nhiều…
Trước hết, tình hình cả Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc đang có một số thay đổi đáng chú ý.
Về phía Mỹ, Washington tiếp tục gặp khó khăn trong kiểm soát dịch Covid-19. Theo CNA, đến ngày 24/7, Mỹ đã ghi nhận 1.000 ca tử vong/ngày trong 4 ngày liên tiếp, nâng tổng số ca tử vong lên 150.000, với hơn 4 triệu người nhiễm. Ngày 27/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, quan chức thân cận với Tổng thống Donald Trump, đã dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Việc mở cửa sớm nền kinh tế làm cho quá trình kiểm soát dịch bệnh càng gặp khó khăn đã khiến một bộ phận cử tri đang quay lưng với ông Trump. Khảo sát của CNN công bố ngày 26/7 cho thấy, tại Michigan, Florida và Arizona - ba bang chủ chốt mà Tổng thống Donald Trump từng chiến thắng năm 2016, cử tri đang nghiêng về phía ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Các chính sách cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc, vốn nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng lưỡng viện, chưa thể cứu vãn tỷ lệ ủng hộ ông Trump, hiện thấp hơn ông Biden 15 điểm.
Trong bối cảnh đó, việc ông Trump úp mở về một thượng đỉnh Mỹ-Triều cho thấy ông hoàn toàn có khả năng tận dụng sự kiện này để thu hút sự chú ý của công chúng khỏi tình hình đại dịch, đồng thời xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo nỗ lực mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, theo Giáo sư chính trị quốc tế Park Won-gon tại Đại học Handong Global (Hàn Quốc), bế tắc trong đàm phàn với Mỹ và đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, buộc Chủ tịch Kim Jong-un tìm kiếm đột phá mới nhằm cải thiện tình hình. Ngày 26/7, Triều Tiên đã tiến hành họp khẩn sau khi có ca nghi mắc Covid-19 đầu tiên. Ngày 27/7, phát biểu nhân kỷ niệm 67 năm ký kết Hiệp định đình chiến, kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ông khẳng định nước này đã phát triển các vũ khí hạt nhân để “có được sức mạnh tuyệt đối” giúp ngăn xảy ra một cuộc xung đột có vũ trang khác. Tuyên bố của Chủ tịch Kim dường như là lời nhắn gửi tới Mỹ rằng áp lực về mặt quân sự - kinh tế là vô ích và biện pháp duy nhất là trở lại bàn đàm phán.
Về phía Hàn Quốc, giới quan sát cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang đối mặt với nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước. Kết quả thăm dò của Realmeter ngày 20/7 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông là 44,8%, thấp nhất trong 9 tháng qua, do cáo buộc quấy rồi tình dục liên quan đến thành viên cấp cao của đảng Dân chủ cầm quyền và giá nhà đất tăng cao. Để xoay chuyển cục diện, Tổng thống Moon Jae-in được cho là sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ liên Triều và xúc tiến thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể nằm trong số đó.
…Hóa ít
Tuy nhiên, nếu cân nhắc tình hình thực tế, triển vọng cho một thượng đỉnh Mỹ-Triều lại không nhiều đến như vậy.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và các bên, dù là Mỹ, Triều Tiên hay quốc gia tổ chức sẽ không có đủ thời gian và nguồn lực để chuẩn bị. Một thượng đỉnh Mỹ-Triều, với độ phức tạp và tầm quan trọng đặc biệt, sẽ khó có thể tổ chức bằng họp trực tuyến. Quan trọng hơn, cả Washington và Bình Nhưỡng đều mong muốn có kết quả cụ thể từ sự kiện này nhằm phục vụ cho mục tiêu riêng, song ước vọng này đòi hỏi các bên tiến hành đàm phán nhằm đạt kết quả sơ bộ, điều Mỹ và Triều Tiên chưa thể làm được trong hơn 1 năm qua.
Thứ hai, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho rằng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên sẽ không để Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un ra nước ngoài vì có quá nhiều rủi ro cho sức khỏe của ông. Bình Nhưỡng nhận thức rằng cho dù ai nắm quyền, chính sách ngoại giao của Washington về Triều Tiên vẫn duy trì như cũ.
Quan trọng hơn, khả năng Triều Tiên “mở lời” về một thượng đỉnh với Mỹ là thấp, bởi điều này đồng nghĩa rằng Bình Nhưỡng không thể đứng vững trước áp lực và buộc phải hòa hoãn với Washington.
Thứ ba, tuyên bố sẽ gặp Chủ tịch Kim Jong-un nếu thấy “hữu ích” cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump không quá hào hứng với một Thượng đỉnh Mỹ-Triều trước thềm bầu cử, bởi lẽ ông Trump thường tích cực thúc đẩy những vấn đề có thể giúp ông tăng khả năng trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong chiến dịch vận động tranh cử bang, ông hầu như không đề cập câu chuyện Triều Tiên. Trước những động thái lớn của Triều Tiên như phá hủy văn phòng liên lạc hai miền, lắp đặt lại các tiền đồn và đe dọa diễn tập bắn đạn thật tại khu vực phi quân sự, phản ứng của Mỹ khá nhạt nhòa. Không loại trừ khả năng ông Trump đã từ bỏ việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong thời gian trước mắt, dồn sức trên “mặt trận” với Trung Quốc, vốn đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng và lưỡng viện, cải thiện tỷ lệ ủng hộ trước thềm bầu cử tháng 11.
Triển vọng về một thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2020, tưởng nhiều nhưng lại chẳng nhiêu là vậy.