📞

Triều Tiên đang phải chịu bao nhiêu lệnh trừng phạt quốc tế?

22:13 | 15/05/2019
Biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên có nội dung chủ yếu là gì, có ảnh hưởng như thế nào đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay và trong tương lai? 
Ảnh minh họa (Nguồn: ABC News)

Từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân lần 2 của Triều Tiên xuất hiện vào năm 2002 đến nay, vấn đề hạt nhân Triều Tiên dần dần đã vượt qua khuôn khổ giải quyết giữa các bên liên quan, ngày càng trở thành một vấn đề quốc tế mang tính nhạy cảm cao, đặc biệt là cùng với việc Triều Tiên không ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Do e ngại từ việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân sẽ gây ảnh hưởng tới nền hòa bình trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới. Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Mỹ đã có nhiều biện pháp trừng phạt, nhằm khiến Triều Tiên dần dần buông bỏ chương trình phát triển vũ khí của mình.

11 lệnh trừng phạt từ LHQ

HĐBA ngày 28/4/2004 đã thông qua Nghị quyết số 1540, là nghị quyết đầu tiên mà cơ quan này thông qua chỉ nhằm vào phòng ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và gia tăng công cụ vận chuyển loại vũ khí này.

Ngày 15/7/2006, vì Triều Tiên thử tên lửa gây ra tình hình căng thẳng, HĐBA đã thông qua Nghị quyết số 1695 và ra tuyên bố chủ tịch về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vào ngày 6/10/2006. Nhưng xem xét về nội dung, có thể thấy những văn bản này chủ yếu là nhấn mạnh mối đe dọa phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với hòa bình và an ninh khu vực, kêu gọi Triều Tiên ngừng các vụ thử có liên quan và quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa, đồng thời còn có nội dung mang tính cảnh báo nhất định và không liên quan vấn đề trừng phạt Triều Tiên.

Việc Triều Tiên liên tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa là lý do LHQ và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước này. (Nguồn: Reuters)

Ngày 9/10/2006, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Hành động này đã gây chấn động cộng đồng quốc tế, cùng với việc chỉ trích quyết liệt, HĐBA đã ra Nghị quyết số 1718 đối với Triều Tiên. Đây cũng là nghị quyết trừng phạt Triều Tiên đầu tiên mà HĐBA đưa ra kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân lần 2 nổ ra, chủ yếu là cấm cung cấp, buôn bán, chuyển nhượng trực tiếp hoặc gián tiếp cho Triều Tiên các mặt hàng, vật liệu, thiết bị, hàng hóa, công nghệ, các mặt hàng xa xỉ… có thể giúp cho kế hoạch sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí hạt nhân, tên lửa…, đồng thời đưa các tổ chức và nhân viên có liên quan đến Tổng cục năng lượng nguyên tử Triều Tiên vào danh sách trừng phạt.

Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cuối năm 2008 rơi vào tình trạng bế tắc lâu dài, Triều Tiên không ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tháng 5/2009, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần 2, HĐBA sau đó đã ra Nghị quyết số 1874, tăng cường hơn nữa trừng phạt Triều Tiên.

Sau đó, cùng với việc Triều Tiên không ngừng thử vũ khí hạt nhân, tên lửa…, HĐBA liên tục đưa ra các nghị quyết liên quan đến Triều Tiên như số 1887, 2087, 2094, 2270, 2321, 2356, 2371, 2375 và 2397, chủ yếu là chỉ trích gay gắt Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và tên lửa, yêu cầu Triều Tiên lấy tiêu chuẩn CVID (phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược) để từ bỏ chương trình hạt nhân và phải lấy tiêu chuẩn tương đồng để từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo khác.

Xem xét về nội dung trừng phạt, có thể thấy mỗi nghị quyết đều là sự mở rộng phạm vi trừng phạt trên nền tảng nghị quyết trước đó, gia tăng mức độ trừng phạt. Các lệnh trừng phạt liên quan 4 lĩnh vực chính là thương mại, vũ khí, vận chuyển hàng hải, ngoại giao và tài chính.

Các lệnh cấm vận thương mại bao gồm cấm xuất khẩu than, sắt và quặng sắt (trừ các mặt hàng phục vụ cho sinh kế của người dân); cấm xuất khẩu kim loại quý; cấm nhập khẩu nhiên liệu hàng không và tên lửa (trừ sản phẩm phục vụ các chuyến bay thương mại).

Cùng với việc HĐBA đưa ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, Mỹ cũng đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt của riêng mình, trong đó biện pháp mạnh mẽ nhất là “trừng phạt thứ cấp”, chủ yếu nhằm vào những quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có quan hệ với Triều Tiên, trừng phạt toàn diện đối với bất kỳ cá nhân, thực thể nào cung cấp hoặc vận chuyển cho Triều Tiên công nghệ, dịch vụ, tài chính, sản phẩm liên quan đến sản xuất vũ khí hạt nhân hoặc buôn bán với Triều Tiên các vật tư, hàng hóa bị nghị quyết của HĐBA cấm và đóng băng tiền vốn và tài sản của những tổ chức và cá nhân này trong phạm vi quản lý về mặt tư pháp của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ chủ đạo thúc đẩy biện pháp cấm bay đối với Triều Tiên, trong vòng 180 ngày không cho phép tàu Triều Tiên hoặc tàu nước ngoài đã từng đến Triều Tiên neo đậu ở các cảng biển của nước này, thậm chí liên kết với các nước hữu nghị với Mỹ thúc đẩy “sáng kiến an ninh phòng ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” nhằm chặt đứt tối đa quan hệ đối ngoại của Triều Tiên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Sau khi Nghị quyết số 1718 liên quan đến Triều Tiên có hiệu lực từ năm 2006, đến nay đã có tổng cộng 11 nghị quyết liên quan đến nước này. Những nghị quyết đó có thể điều chỉnh căn cứ vào tình hình tuân thủ quy định trong thực tế của Triều Tiên, xem xét cần tăng cường, sửa đổi, tạm ngừng hoặc xóa bỏ các biện pháp có liên quan, nếu Triều Tiên tiếp tục thử vũ khí hạt nhân hoặc phóng tên lửa, sẽ tăng cường thực hiện biện pháp quan trọng.

Về thực hiện nghị quyết, HĐBA thiết lập “Ủy ban trừng phạt Triều Tiên”, giám sát thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến Triều Tiên. Ủy ban này yêu cầu tất cả nước thành viên sau thời gian nghị quyết có hiệu lực (thường là 90 ngày), khi nhận được yêu cầu của ủy ban này, phải báo cáo với HĐBA tình hình thực hiện quy định trong nghị quyết của họ, hỗ trợ biên soạn và đệ trình báo cáo có liên quan. Ngoài ra, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên còn khởi động quy trình “miễn trừ”, chủ yếu ứng dụng phù hợp liên quan đến lĩnh vực viện trợ nhân đạo đối với Triều Tiên và một số lĩnh vực đặc biệt.

Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt tới người dân

Các biện pháp trừng phạt quốc tế không ngừng tăng đã tác động khá lớn đến kinh tế đất nước và đời sống nhân dân Triều Tiên, cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia láng giềng duy trì quan hệ thương mại và trao đổi nhân viên với Triều Tiên, thậm chí có dư luận cho rằng do trừng phạt mạnh mẽ của quốc tế, kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên đã giảm gần 90%.

Tuy những nghị quyết này nhấn mạnh không chĩa mục tiêu vào nhu cầu của nhân dân và viện trợ nhân đạo đối với Triều Tiên, nhưng do dòng tiền chảy về Triều Tiên bị cắt đứt, các nhân viên đến Triều Tiên và việc vận chuyển hàng hóa đến nước này phải gửi đơn xin miễn trừ trừng phạt và chấp nhận sự kiểm tra nghiêm ngặt, và rất nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, phi chính phủ lo ngại bị kiềm chế bởi biện pháp “trừng phạt thứ cấp” do đó đời sống nhân dân Triều Tiên đối mặt với thách thức lớn, vấn đề nhân đạo cũng ngày càng nổi cộm.

Bất đồng khó loại bỏ

Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, hai bên đã triển khai cuộc đối đầu xung quanh vấn đề dỡ bỏ trừng phạt, nhưng vì bất đồng quá lớn nên không thể đạt được thỏa thuận mang tính xây dựng. Mỹ cho rằng Triều Tiên mong muốn xóa bỏ hoàn toàn trừng phạt, do đó không thể chấp nhận. Ngược lại, Triều Tiên phản bác rằng họ chỉ yêu cầu dỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt mà họ cho là "nhắm vào cuộc sống của người dân và nền kinh tế" nước này.

Những cái bắt tay thiện chí chưa đem lại kết quả thiết thực. (Nguồn: AP)

5 nghị quyết trừng phạt mà Triều Tiên đưa ra là Nghị quyết số 2321 được công bố năm 2016 và số 2356, 2371, 2375, 2397 mà Chính quyền Trump thúc đẩy mạnh mẽ năm 2017, những nghị quyết này chủ yếu là hạn chế hoặc cấm xuất nhập khẩu dầu mỏ, khoáng sản, nguyên liệu của Triều Tiên và đưa người lao động ra nước ngoài… Nội dung chủ yếu của 5 nghị quyết này chĩa mục tiêu vào ngành sản xuất then chốt của kinh tế Triều Tiên, đương nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, việc hạn chế Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề tồn tại và phát triển của Triều Tiên lại mang tính hệ thống, đặc biệt là trên cơ sở lịch sử thù địch trong thời gian dài giữa Mỹ với Triều Tiên và thực tế chênh lệch về thực lực giữa hai nước. Căn cứ vào kết quả thực tế từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, có thể thấy hai nước thực chất chưa đồng ý về bước đi và nguyên tắc để giải quyết vấn đề, nên rất khó giành được thành quả nào đó khi đàm phán chương trình nghị sự cụ thể.

Vậy cơ hội để phi hạt nhân hóa thể hiện từ đầu năm 2018 đến nay có thể kéo dài bao lâu, hiện rất khó dự báo. Do đó Mỹ và Triều Tiên cần nhanh chóng đạt được nhận thức chung về nguyên tắc và phương thức phi hạt nhân hóa, xác lập bước đi cơ bản của tiến trình phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình bán đảo và trong mỗi giai đoạn, căn cứ vào biện pháp phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên thực hiện, dỡ bỏ tương ứng các biện pháp trừng phạt và đưa ra bảo đảm tương ứng về an ninh.

(theo Tạp chí “Tri thức thế giới”, Trung Quốc, số 7/2019)