Vụ nổ được cho là có sức công phá lên tới lên tới 108,3 kiloton, gấp gần tám lần so với sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Đáng chú ý hơn, Bình Nhưỡng cho biết đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa liên lục địa (ICBM) với tầm bắn có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Giới phân tích nhận định Triều Tiên có thể sẽ tiến hành phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày quốc khánh 9/9 tới.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra đầu đạn hạt nhân được cho là có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. (Nguồn: AP) |
Có thể nói, với vụ thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên tiếp tục chứng tỏ sức mạnh quân sự và khả năng kiểm soát công nghệ ngày càng cao của mình. Đây sẽ là con bài bảo hộ hữu hiệu của Triều Tiên trước sức ép đến từ Mỹ.
Quan trọng hơn, việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch đã “đổ thêm dầu vào lửa” vào mối quan hệ đang rạn nứt giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ngay sau vụ thử, ngày 4/9, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích chính quyền Seoul là “những kẻ thỏa hiệp”. Chuyên gia Lee Seong-hyon của Viện nghiên cứu Sejong cho biết: “Ông Trump cho rằng ông Moon đã quá ngây thơ khi cố gắng tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên trong khi nước này tiến hành những vụ thử tên lửa và hạt nhân”.
Trong khi đó, áp lực từ cả Mỹ và Triều Tiên đã đẩy Hàn Quốc vào vị thế khó khăn khi không thể đối thoại Bình Nhưỡng. Những nỗ lực tìm kiếm hòa bình bị phớt lờ đã buộc Tổng thống Moon Jae-in phải nhượng bộ trước người Mỹ, cho phép tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tăng cường diễn tập tên lửa đánh chặn.
Tuy nhiên, những tính toán của Chủ tịch Kim Jong-un trong vụ thử vừa qua có thể sẽ trở thành con số không nếu Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ. Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie – Tsinghua về Chiến lược toàn cầu ở Bắc Kinh, cho rằng có ba biện pháp chính để Trung Quốc trừng phạt quốc gia láng giềng.
Đầu tiên, Bắc Kinh có thể cấm vận Triều Tiên trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm dệt và may mặc, nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên kể từ sau nghị quyết trừng phạt hồi đầu tháng Chín của Liên hợp quốc (LHQ). Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể hạn chế ảnh hưởng của Bình Nhưỡng bằng cách trục xuất hàng chục nghìn công dân Triều Tiên tại Trung Quốc, qua đó đánh vào nguồn ngoại tệ của chính quyền Kim Jong-un.
Bên cạnh việc thắt chặt các nguồn ngoại tệ, Trung Quốc có thể sẽ dừng cung cấp dầu thô cho phía Triều Tiên. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây là biện pháp “cực chẳng đã”. Các đường ống dẫn dầu giữa hai nước đã xuống cấp nghiêm trọng và có thể sẽ không hoạt động trở lại nếu Trung Quốc thay đổi quyết định. Quan trọng hơn, nó sẽ giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Triều Tiên, làm suy yếu chế độ của Chủ tịch Kim Jong-un và tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh và di cư ở biên giới hai nước.
Ở thời điểm hiện tại, hiện chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm gì. Trong trường hợp biện pháp trừng phạt từ phía Bắc Kinh khiến Bình Nhưỡng “chùn tay”, sẽ gián tiếp “gỡ rối” cho Washington và Seoul, đồng thời nối lại tia hy vọng mong manh về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.