📞

Triều Tiên ‘thay đổi’ 180 độ: Chơi vơi nơi miệng hố

Phan Quân 19:45 | 24/06/2020
TGVN. Thái độ xoay chuyển đột ngột của Triều Tiên trong ngày 23–24/6 cho thấy chiến lược “miệng hố chiến tranh” của Bình Nhưỡng đã trở lại, song với vài nét mới. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Triều Tiên đã quyết định gõ bỏ dàn loa phóng thanh lắp đặt ngày 23/6 tại biên giới liên Triều. (Nguồn: AFP/Yonhap)

Sau hàng loạt động thái gây leo thang căng thẳng với Hàn Quốc trong thời gian gần đây, Triều Tiên đã một lần nữa gây sửng sốt. Ngày 23/6, cuộc họp sơ bộ của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên với sự tham dự của Chủ tịch Kim Jong-un đã quyết định hoãn các hành động quân sự với Hàn Quốc do Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên đề xướng.

Ngày 24/6, Triều Tiên cũng dỡ 10 loa phóng thanh công suất lớn ở biên giới liên Triều gần huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, tạm dừng kế hoạch rải truyền đơn chống Hàn Quốc. Đáng chú ý, giàn loa mới chỉ hoàn tất lắp đặt ngày 23/6, nhằm đáp trả việc thả truyền đơn ở Hàn Quốc. Thậm chí, truyền thông Triều Tiên đã rút hầu hết các bài viết chỉ trích Hàn Quốc trước đó.

Trước đó một tuần, Triều Tiên vẫn “cứng” khi chỉ trích Seoul đã vi phạm thỏa thuận năm 2018 khi để việc rải truyền đơn diễn ra và bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un khẳng định đã được Chính phủ Triều Tiên giao phó thẩm quyền để chỉ thị Bộ Tổng tham mưu tiến hành các hành động mới với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã cho nổ văn phòng liên lạc chung liên Triều tại Kaesong, điều động lực lượng, lắp đặt lại tiền trạm, đe dọa diễn tập tại khu phi quân sự và từ chối yêu cầu đàm phán của Seoul. Vậy ẩn sau sự thay đổi thái độ đột ngột của Triều Tiên là gì?

Miệng hố chiến tranh

Một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đang quay trở lại với chiến lược “miệng hố chiến tranh”, vốn được nước này nhiều lần áp dụng trong quá khứ, gần đây và đáng kể nhất là vào cuối năm 2017. Vậy sách lược này là gì?

Đây là một cụm từ từng được cố Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles sử dụng để chỉ việc cố tình theo đuổi chính sách nguy hiểm, gây căng thẳng và dừng lại ngay trước giới hạn. Chiến lược này trở nên phổ biến trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, thể hiện rõ nét qua Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962. Cụ thể, Moscow đã lắp đặt tên lửa hạt nhân tại Cuba, với tầm bắn vươn tới Mỹ để thách thức giới hạn của Washington. Đáp lại, thay vì tìm kiếm phương án mềm mỏng hơn, chính quyền của cố Tổng thống John F. Kennedy đã thể hiện sự cứng rắn khi phong tỏa Cuba, ngăn tàu chiến của Liên Xô tiếp cận khu vực, khiến hai bên gần như đã bước một chân vào chiến tranh hạt nhân.

Triều Tiên cũng đang theo đuổi sách lược này, song ở quy mô và mức độ nhỏ hơn. Tận dụng việc rải truyền đơn chống Triều Tiên ở phía Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đẩy căng thẳng song phương lên cao, thể hiện rõ qua việc cắt đứt đường dây nóng, cho nổ văn phòng liên lạc, tăng cường lực lượng tới khu phi quân sự, thiết lập lại tiền trạm, lắp loa phóng thanh dọc biên giới và tiến hành rải truyền đơn. Tuy nhiên, khi căng thẳng đã đến cao trào, Triều Tiên đã hạ giọng, chủ động xuống thang.

Người tốt, kẻ xấu

Vậy mục đích của Triều Tiên sau những hành động này là gì?

Đầu tiên, Bình Nhưỡng mong muốn thể hiện vị thế “nắm đằng chuôi” trong quan hệ với Seoul, nhằm tìm kiếm nhượng bộ từ phía Hàn Quốc, và xa hơn là Mỹ trong đàm phán sắp tới. Điều này thể hiện rõ trong tuyên bố của phía Triều Tiên: Quyết định từ cuộc họp sơ bộ Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên cho thấy các chiến dịch quân sự chỉ bị hoãn và có thể được xét lại bất cứ lúc nào. Tương tự là việc Triều Tiên công khai tiết lộ yêu cầu đàm phán bí mật của phía Hàn Quốc.

Thứ hai, chiến lược này đã có cải tiến so với trước, khi Triều Tiên đang áp dụng chiêu bài “người tốt, kẻ xấu”, đưa bà Kim Yo-jong trở thành tiếng nói cứng rắn lúc cần thiết và xây dựng hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un khoan dung, sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng vì lợi ích chung.

Thứ ba, đây là dịp để bà Kim Yo-jong thể hiện vai trò lãnh đạo, song tái khẳng định vai trò mang tính bao trùm của ông Kim Jong-un.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong. (Nguồn: Reuters)

Lý thuyết và thực tiễn

Tuy nhiên, lý thuyết là vậy, song thực tiễn đang cho thấy một thực trạng rất khác.

Thứ nhất, phản ứng của Hàn Quốc là tương đối thận trọng. Quan chức giấu tên thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội vẫn đang theo sát diễn biến quân sự Triều Tiên và sẵn sàng đối phó.

Thứ hai, dù chưa có phản ứng chính thức song phát biểu tại hội thảo online bởi tổ chức Xã hội châu Á ngày 23/6, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Marc Knapper khẳng định Mỹ và đồng minh sẵn sàng tiếp cận với Triều Tiên qua đối thoại và giải pháp hòa bình, song không đề cập khả năng về thay đổi trong chính sách đàm phán, điều mà Triều Tiên muốn nghe.

Thêm vào đó, bất chấp những tín hiệu thu hút sự chú ý của phía Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump đã không còn mặn mà với vấn đề phi hạt nhân hóa trên báo đảo Triều Tiên, khi không đề cập đến cái mà ông từng coi là thành tựu trong các cuộc vận động tranh cử. Thái độ duy nhất của ông là giận dữ, song đó là đối với cuốn sách đầy tranh cãi của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, nơi vấn đề Triều Tiên chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện.

Thứ ba, sách lược mạo hiểm của Triều Tiên khiến quan hệ liên Triều căng thẳng không cần thiết, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng chiến tranh khi tai nạn xảy ra. Trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, Phó Đô đốc tàu ngầm hạt nhân B-59 của Liên Xô Vasily Arkhipov đã “cứu thế giới” khi từ chối đáp trả yêu cầu nổi lên mặt nước của nhóm 11 tàu khu trục và tàu sân bay Mỹ USS Randolph trong hải phận quốc tế, qua đó ngăn chặn chiến tranh hạt nhân nổ ra. Tuy nhiên, những người bình tĩnh, can đảm như Arkhipov thì ít, song các hành động khiêu khích, tai nạn với hệ quả khó lường chưa bao giờ thiếu, đặc biệt là tại khu phi quân sự liên Triều, vốn luôn căng thẳng.

Tính thời đại của một chiến lược có thể kéo dài hàng thiên niên kỷ: 2.500 năm sau khi ra đời, Binh pháp Tôn Tử vẫn còn nguyên giá trị, song liệu sách lược từ Chiến tranh Lạnh, đã được dùng nhiều lần có giúp Triều Tiên thu vén lợi ích trong thế kỷ XXI chăng? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.