Khủng hoảng toàn diện
Biểu hiện đầu tiên của khủng hoảng là các vụ khủng bố liên tiếp ở Paris, Nice (Pháp), Brussels (Bỉ), Munich (Đức)… ngay trong lòng châu Âu, những nơi tưởng chừng như không bao giờ có những hành động như vậy xảy ra. Thực tế này làm cho thế giới lo ngại về nền hòa bình đã in dấu ở châu Âu từ năm 1945 đến nay.
Chủ nghĩa khủng bố là một trong những vấn đề rất hệ trọng và có diễn biến khó lường, ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu. Nguyên nhân sâu xa của nó bắt nguồn từ sự điều hành, tranh giành quyền lực của một số quốc gia, đặc biệt tại khu vực Trung Đông. Nội chiến Syria đã tạo ra điểm nóng. Hai chiến tuyến có sự giằng co ác liệt. Một bên ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và một bên chống lại. Mảnh đất Trung Đông này là nơi các nước lớn như Nga và Mỹ thể hiện ảnh hưởng của mình, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia khác. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quay trở lại, trả thù hoặc tạo ra bất ổn ngay trong lòng các nước có dính líu vào cuộc chiến.
Khủng bố đang trở thành mối đe dọa toàn cầu. |
Biểu hiện thứ hai là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) làm cho cục diện thế giới thay đổi. Sự kiện này không đơn giản là chuyện một nước muốn rời khỏi tổ chức khu vực mà mình tham gia. Nó còn thể hiện xu hướng của chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Việc xây dựng mô hình hội nhập khu vực, mô hình siêu quốc gia phải trải qua một giai đoạn thử thách lớn, rơi vào trạng thái mông lung và khó có thể hài hòa.
Biểu hiện thứ ba là nạn đói nghèo, bệnh tật… tràn lan. Thực tế này dấy lên câu hỏi về sự thất bại của một nền quản trị tốt cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Để có một nền quản trị tốt cần sự minh bạch, dân chủ hóa và tinh thần trách nhiệm cũng như sự phối, kết hợp trong xử lý vấn đề. Tuy nhiên, đây dường như trở thành điểm yếu của hầu hết các quốc gia.
Những thay đổi trong lòng nước Mỹ, nhất là cuộc tranh cử Tổng thống thứ 45 cũng đang có những tác động lớn tới các vấn đề quốc tế. Chưa bao giờ người Mỹ lại thể hiện sự thiếu niềm tin vào các ứng viên Tổng thống như lần này. Cả hai ứng cử viên Tổng thống là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đều có những điểm đặc biệt. Ông Trump giàu kinh nghiệm trên thương trường nhưng thiếu kinh nghiệm chính trường. Ngược lại, bà Clinton, là một phụ nữ có tiếng trên chính trường song cũng có nhiều hạn chế về kinh nghiệm điều hành kinh tế.
Thời điểm hiện tại, Mỹ tập trung cho bầu cử nên sự quan tâm đến các vấn đề bên ngoài có phần giảm sút. Số phận của chính sách xoay trục (pivot) của Mỹ sang châu Á sẽ phụ thuộc nhiều vào ứng viên nào giành được vị trí Tổng thống trong tháng 11 tới. Nếu bà Hillary Clinton đắc cử, chính sách xoay trục sẽ được thúc đẩy nhiều hơn vì bà có ảnh hưởng tới chính sách này. Bản thân bà đã có bài viết về kỷ nguyên Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Thái Bình Dương và vai trò của Mỹ ở khu vực. Nếu ông Trump đắc cử, chính sách xoay trục sẽ không được chú trọng nhiều bởi lẽ ông là người đại diện cho quan điểm bảo thủ, trọng thương, đề cao vị thế của nước Mỹ và cho rằng các nước đồng minh phải san sẻ gánh nặng với nước Mỹ.
Nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Biển Đông
Biểu hiện thứ tư chính là vấn đề ở khu vực châu Á, cụ thể là cuộc cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng giữa các nước lớn như Trung Quốc và Nhật Bản để xác định xem ai sẽ dẫn dắt quá trình hội nhập khu vực. Phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 liên quan tới vụ Philippines kiện Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông rõ ràng đã tác động tới vị thế của các quốc gia. Thái độ và hành động từ chối chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài đã khiến hình ảnh quốc gia của Trung Quốc bị xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Điều này có thể sẽ củng cố vị thế của Nhật Bản và một số quốc gia khác trong khu vực.
Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện chiều ngày 12/7. (Nguồn: Rappler) |
Có thể khẳng định rằng, Phán quyết trên đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam và ảnh hưởng tới Việt Nam một cách tích cực. Chủ trương của chúng ta là giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, ngoại giao và pháp lý. Tất cả các biện pháp đó đang được thực hiện và gặt hái được thành quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng học tập được một số kinh nghiệm từ vụ kiện và sẵn sàng trước những tình huống có thể xảy ra, kể cả sử dụng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc khác với quan hệ của Manila với Bắc Kinh. Hướng tích cực là phán quyết của Tòa Trọng tài được đại đa số các bên tôn trọng, chấp nhận và thực thi.
Chung sức gìn giữ đoàn kết ASEAN
Bức tranh thế giới và khu vực phức tạp tạo ra nhiều thách thức với Việt Nam. Trước hết là việc giữ được một khối ASEAN đoàn kết. Vấn đề của ASEAN chính là sự đồng thuận. Đây là điểm yếu nhất của Hiệp hội. Kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã trải qua chặng đường hơn 49 năm với nhiều thời điểm sóng gió. Trong những năm đầu thành lập, đó là mâu thuẫn giữa Malaysia và Indonesia, Philippines và Indonesia, nhưng ASEAN đều vượt qua được.
Gần đây, những thách thức tiềm tàng và hiển hiện đang đe dọa tính ổn định và thống nhất của ASEAN. Một trong những thách thức này là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rằng các nước ASEAN bao gồm những nước vừa và nhỏ, có nền kinh tế kém phát triển và rất cần nguồn lực. Trung Quốc đã tìm mọi cách để tạo ảnh hưởng đối với các nước ASEAN bằng cách cung cấp nguồn vốn, tạo ra mối quan hệ đặc biệt thân thiện với một số nước, qua đó, tạo ra ảnh hưởng theo cách “chia để trị”. Kết quả như chúng ta đã thấy, năm 2012, ASEAN đã không đạt được tuyên bố chung chỉ vì Campuchia không muốn đưa vào văn kiện đó những nhận định, đánh giá về tình hình Biển Đông.
Bài học của EU cho thấy rằng lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực phải được hài hòa. Các nước thành viên không những bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, nhưng cũng phải chú ý tới nghĩa vụ và trách nhiệm với các tổ chức khu vực mà mình tham gia nhằm đảm bảo sự thống nhất và đoàn kết. Việt Nam và các thành viên Hiệp hội phải nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thông qua hai dự án lớn của Hiệp hội là kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong cộng đồng.
Đối tác và đối tượng
Ngoài ra, việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Trung Quốc là nước láng giềng có quan hệ Đối tác chiến lược và Mỹ là cường quốc toàn cầu có quan hệ Đối tác toàn diện.
Về vấn đề này, có hai nghị quyết quan trọng nhất đối với đất nước ta từ khi đổi mới và vẫn có giá trị cho tới ngày nay. Thứ nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) năm 2003 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo đó nhấn mạnh tới đối tác và đối tượng, lưu ý đến tính biện chứng của vấn đề là trong đối tác có những mặt phải đấu tranh và trong đối tượng vẫn có những mặt phải hợp tác. Chúng ta cần luôn nhớ rằng: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Thứ hai là Nghị quyết 13 năm 1988 của Bộ Chính trị về chuyển hướng chiến lược nhấn mạnh: Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở thì ta có thể đảm bảo được an ninh, độc lập và chủ quyền.
Có thể nói, những thách thức trên cũng đồng thời là cơ hội để Việt Nam nắm bắt, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và hội nhập. So với các khu vực khác như Trung Đông, Bắc Phi… châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực tương đối ổn định, tập trung những nền kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, vì vậy, Việt Nam có điều kiện để thể hiện sự chủ động, tích cực cũng như vị thế của mình.