📞

“Trung Đông Nam Mỹ” về dầu mỏ

14:27 | 22/03/2010
Trong một thế giới mà nguồn năng lượng phụ thuộc tới 80% vào dầu mỏ, khí đốt cho tới năm 2030, thì việc ai là người có, ai là người cần nguồn nhiên liệu này sẽ tác động không nhỏ tới cục diện thế giới và chiến lược an ninh năng lượng của nhiều quốc gia, đặc biệt là các siêu cường, trong đó có nước Mỹ.
Trong một thế giới mà nguồn năng lượng phụ thuộc tới 80% vào dầu mỏ, khí đốt cho tới năm 2030, thì việc ai là người có, ai là người cần nguồn nhiên liệu này sẽ tác động không nhỏ tới cục diện thế giới và chiến lược an ninh năng lượng của nhiều  quốc gia, đặc biệt là các siêu cường, trong đó có nước Mỹ.

Siêu cường - “siêu tiêu thụ”

 

Mỹ là nước tiêu thụ dầu thô và các thành phẩm từ dầu lớn nhất trên thế giới, chiếm 22,5% lượng tiêu thụ toàn cầu, vượt trên Liên minh châu Âu (EU) – 17,9% và Trung Quốc – 10%. Tương tự, siêu cường này cũng đứng đầu về tiêu thụ khí thiên nhiên: họ chiếm 22%, tiếp đó là EU 16,2% và Nga 13,9%. Thế nhưng, Mỹ chỉ sở hữu lần lượt 2,4% và 3,6% trữ lượng toàn cầu về dầu mỏ và khí đốt. Với tốc độ khai thác như năm 2008, trữ lượng của Mỹ sẽ cạn kiệt trong khoảng 2020 và 2022. Theo BP, Mỹ hiện tại nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10,9 triệu thùng dầu thô, 68,3 triệu m³ khí đốt, tương đương 56% và 12% lượng tiêu thụ toàn quốc, chiếm tới 65% nhu cầu năng lượng cơ bản của Mỹ và đến năm 2030, Mỹ phải nhập khẩu khoảng 22-23 % năng lượng mà họ tiêu thụ.

 

Thị trường cũ - khó khăn mới

 

Trong năm 2008, sản lượng khai thác dầu mỏ nội địa của Mỹ chỉ đạt 4,95 triệu thùng/ngày (thấp nhất kể từ năm 1947). Trong năm 2009, chỉ số này có một số dấu hiệu phục hồi chủ yếu là nhờ việc đẩy mạnh khai thác ngoài khơi tại Vịnh Mexico và áp dụng các kỹ thuật tận thu dầu tại các mỏ trong đất liền. Như vậy, với tỷ trọng khai thác ngoài khơi vào năm 2010 tương đương 35,7% tổng sản lượng khai thác nội địa của Mỹ, nguồn cung cấp dầu khí của Mỹ phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu. Năm 2008, 12 quốc gia cung cấp tới 90,74% tổng lượng dầu thô cho Mỹ, đứng đầu là Canada (20%), tiếp theo là Arab Saudi, Mexico và Venezuela. Cùng với dầu mỏ, nhu cầu về khí đốt nhập khẩu của Mỹ cũng rất lớn, chiếm khoảng 13 tới 16% lượng khí đốt họ tiêu thụ. Các nhà cung cấp khí đốt chính của Mỹ lần lượt là: Canada (90%), Trinidad và Tobago 6,6%, và tiếp theo với khoảng cách khá xa là Ai Cập và Mexico. Theo báo cáo của EIA, từ năm 2020 tới năm 2025, Mỹ sẽ phải nhập khẩu khí đốt từ 74,2 tới 88,8%.

 

Tuy nhiên, các nguồn cung cấp chủ chốt cho nền kinh tế Mỹ nói trên cũng sẽ đến lúc cạn kiệt hoặc đang gặp phải những khó khăn. Trước hết là Canada, với tổng sản lượng 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2008 thì nước này xuất sang Mỹ 1,9 triệu thùng/ngày. Thế nhưng, 44% trong tổng số 2,7 triệu thùng/ngày được khai thác từ các vỉa cát chứa dầu, do đó dầu thô của Canada thuộc loại dầu thô có giá thành đắt nhất (50 USD/thùng), khai thác phức tạp và ô nhiễm nhất thế giới. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô truyền thống của Canada đã giảm dần từ thập kỷ 1990 và giảm từ mức 1,5 triệu thùng/ngày hiện tại xuống mức 589.000 thùng/ngày vào năm 2025.

 

Trong khi đó, nguồn cung cấp quan trong khác cho Mỹ là Mexico cũng  giảm dần do không phát hiện được trữ lượng mới trong khi Cantarell – mỏ cung cấp tới 50% sản lượng dầu thô của Mexico đang cạn kiệt. Công ty dầu khí quốc gia Mexico cho biết sản lượng dầu thô của nước này trong các năm tới sẽ giảm 14% mỗi năm và đến năm 2020, lượng tiêu thụ dầu thô của Mexico sẽ vượt quá sức khai thác của nước này khoảng 200.000 thùng/ngày, và sẽ tăng lên 300.000 thùng/ngày vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, Mexico từ một nhà cung cấp dầu thô cho người hàng xóm phương Bắc của mình sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh để thu mua dầu thô từ các nước xuất khẩu chính trên thế giới với Mỹ.

 

Hướng tới “Trung Đông” ở châu Mỹ

 

Theo báo cáo của OPEC, trữ lượng dầu thô đã thẩm định của Venezuela là 172,323 tỷ thùng, gấp 7 lần tổng trữ lượng đã kiểm chứng của Mexico (12,187 tỷ thùng) và Brazin (12,6424 tỷ thùng) cộng lại. Venezuela là nước đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng, sau Arab Saudi, thứ 7 về xuất khẩu với 1,735 triệu thùng/ngày và đứng thứ 3 về sản lượng. Caracas dự định nâng sản lượng hiện tại lên mức 5,837 triệu thùng/ngày vào năm 2012.  Khi các trữ lượng được phát hiện tại dải Orinoco năm 2009 được kiểm chứng, Venezuela sẽ trở thành nước giàu tiềm năng dầu mỏ nhất thế giới với khoảng 313 tỷ thùng (Arab Saudi là 264 tỷ thùng). Về mặt khí đốt, Venezuela sở hữu 62% trữ lượng của Mỹ Latinh, hay 7,8% tổng trữ lượng toàn cầu. Quốc gia Nam Mỹ này sẽ leo từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 4 trong số các nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Và như vậy, Venezuela hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Mỹ nhờ hội tụ được các yếu tố mà cả Mexico và Canada đều thiếu. Rõ ràng, không có gì tuyệt vời cho nền an ninh năng lượng của Mỹ bằng một một thỏa thuận lâu dài với Caracas.

 

Những trở ngại

 

Để đạt được một thỏa thuận lâu dài với Caracas về năng lượng, nước Mỹ phải vượt qua những trở ngại lớn. Trước hết là việc Venezuela đang bắt đầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thực hiện công nghiệp hóa, tự chủ về công nghệ để phát triển kinh tế xã hội trong nước và khu vực. Nhưng để thực hiện kế hoạch của mình, Venezuela lại chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên đang dần khan hiếm này. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Boliva tại Venezuela cũng đang là trở ngại lớn của Mỹ trong việc biến khu vực Vịnh Mexico, phía Nam Mexico, Trung Mỹ, Caribê và phần Bắc của Nam Mỹ thành một “Trung Đông ở châu Mỹ”. Dưới góc nhìn địa chính trị và an ninh năng lượng, không khó để hiểu vì sao 3 chuỗi sự kiện, xung đột nổi bật nhất trong những năm qua tại Mỹ Latinh là cuộc đảo chính tại Honduras, việc Colombia tấn công vào lãnh thổ Ecuador tháng 3/2008, và căng thẳng ngoại giao giữa Caracas và Bogota (đã lan sang lĩnh vực kinh tế và thương mại), đều nằm trong khu vực “Trung Đông châu Mỹ”.

 

Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố, thời điểm Tổng thống cánh tả Hugo Chávez lên cầm quyền tại Venezuela (2/1999), trùng hợp với một sự kiện đáng buồn với giới quân sự Mỹ: việc đóng cửa căn cứ quân sự chính của họ tại Mỹ Latinh – căn cứ Howard, nằm tại Panama, nhưng các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ tại đây buộc Lầu Năm Góc phải lùi bước và chuyển lực lượng của họ về Texas và Florida. Năm 2006, khi “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” bắt đầu được nói tới tại Caracas và ông Hugo Chávez tái đắc cử tổng thống, Washington đã phản ứng bằng việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Venezuela, với lý do Caracas “không hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống khủng bố”. Trong khi đó, Venezuela và cuộc Cách mạng Boliva đã bị bao vây bởi 13 căn cứ quân sự của Mỹ rải rác tại Columbia, Panama, Aruba và Curazao, chưa kể đến các tàu sân bay và tàu chiến của Hạm đội IV….Nói tóm lại, để chuyển hướng cho chiến lược an ninh năng lượng, Lầu Năm Góc vẫn đang tìm cách kiểm soát một trong các nguồn dầu mỏ lớn nhất hành tinh - một “Trung Đông” khác ở Nam Mỹ. Thế nhưng, nước Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát được mặc dù đã nỗ lực rất nhiều.  

 

Đức Trí (Lược dịch từ bài viết của TS. Federico Bernal, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Mỹ Latinh, đăng trên tạp chí Le Monde Diplomatique)