Theo tờ The Global Times, chuyến đi “phá băng” của Tổng thống Philippines Duterte tới Trung Quốc vào cuối tháng này đang thu hút quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, không chỉ bởi đây là chỉ dấu quan hệ Trung Quốc - Philippines đang dần trở lại bình thường mà còn có thể khiến quan hệ đồng minh Washington - Manila xa cách, thậm chí rạn nứt.
Tuy vậy, chuyến đi này không hề dễ dàng bởi hai bên còn một loạt vấn đề cần phải trao đổi, trong đó có ít nhất 3 vấn đề không thể né tránh.
Tổng thống Philippines Duterte. (Nguồn: Rappler) |
Vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài - được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Là bên thắng kiện, muốn Philippines từ bỏ hoàn toàn phán quyết là điều không hề dễ dàng. Đến nay, tuy Tổng thống Duterte chưa kiên quyết lấy phán quyết Tòa trọng tài làm tiền đề bắt buộc để cải thiện quan hệ Trung Quốc - Philippines nhưng cũng không hề bày tỏ sẽ từ bỏ phán quyết.
Phân tích các nhân tố chính trị trong nước và bên ngoài đằng sau lập trường này, không khó để thấy ông Duterte bị bó buộc từ nhiều đồng minh, trong đó bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản. Thêm vào đó, ảnh hưởng của các lực lượng chính trị thân Mỹ tại Philippines, trước hết là cựu Tổng thống Aquino và cựu Ngoại trưởng Rosario.
Phán quyết của Tòa trọng tài là “di sản chính trị” quan trọng trong thời gian họ cầm quyền. Do vậy, các nhà lãnh đạo này sẽ không để yên nếu ông Duterte gác phán quyết sang một bên. Có thể thấy, Tổng thống Philippines đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý vấn đề phán quyết Tòa trọng tài.
Vai trò của quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Philippines với Trung Quốc
Lâu nay, Philippines luôn là đồng minh châu Á quan trọng của Mỹ. Vị trí địa lý đặc biệt khiến Philippines được coi là bàn đạp đi vào châu Á và là trụ cột trong việc hiện thực hóa chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong thời kỳ cựu Tổng thống Aquino cầm quyền, Philippines gần như “gắn liền” với Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền của ông Duterte dường như đang có chiều hướng phủ định đường lối thân Mỹ của chính quyền trước đây, đồng thời chủ trương thực hiện “ngoại giao độc lập tự chủ” và “ngoại giao cân bằng”, giữ khoảng cách với Mỹ. Nếu các phát biểu liên tiếp gần đây của ông Duterte trở thành hiện thực, Philippines có thể sẽ theo hướng thân hơn với Trung Quốc.
Nhưng trong vấn đề này, có lẽ điều Trung Quốc thật sự quan tâm không phải là liệu quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines có vấn đề hay rạn nứt không, mà là quan hệ này có ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của Trung Quốc đến đâu. Nhiều phân tích chỉ rõ, quan hệ đồng minh an ninh Mỹ - Philippines hơn nửa thế kỷ qua sẽ không đổ vỡ, cùng lắm chỉ là không có thêm nhiều tiến triển. Chừng nào mối quan hệ này còn tồn tại và Mỹ còn sử dụng căn cứ quân sự tại Philippines thì mối quan ngại của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông là không thể tránh khỏi. Từ ý nghĩa này, chuyến thăm của ông Duterte rất khó để không đề cập đến “nhân tố Biển Đông” trong quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ và “quan ngại an ninh” của Trung Quốc.
Vấn đề đánh cá tại bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham
Từ góc độ của phía Trung Quốc, nếu Tổng thống Philippines đề xuất vấn đề “quyền đánh cá tại Scaborough/Hoàng Nham”, sẽ không khỏi khiến phía Trung Quốc cho là Manila có ý lợi dụng kết quả phán quyết trọng tài gây sức ép với Trung Quốc. Điều đó rõ ràng sẽ phá vỡ giới hạn “không chấp nhận bất kỳ yêu sách và hành động nào dựa trên cơ sở phán quyết” của Trung Quốc.
Nhưng từ góc độ của Philippines, có được “đột phá” hay “tiến triển” trong vấn đề quyền đánh cá tại Scaborough sẽ quyết định thành bại của chuyến đi Bắc Kinh của ông Duterte. Để tránh cho vấn đề này ảnh hưởng đại cục cải thiện quan hệ hai nước, tránh đàm phán giữa hai bên đi vào bế tắc, với tiền đề yêu cầu Philippines tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham, hai bên sẽ thảo luận tìm kiếm một thỏa thuận Trung Quốc - Philippines về hợp tác nghề cá ở vùng biển rộng lớn bao gồm các vùng biển xung quanh Scaborough/Hoàng Nham cũng có thể là một lựa chọn khả thi.
Từ đầu năm đến nay, quan hệ Trung Quốc - Philippines được đánh giá đã xuống gần đáy do tác động của vụ kiện Tòa trọng tài. Có lý do để tin rằng chuyến thăm của Tổng thống Duterte sẽ đưa quan hệ hai bên thoát khỏi tình trạng này, từng bước đi lên, càng mong đợi chính phủ hai nước tìm ra cách thức giải quyết tranh chấp, đưa Biển Đông trở lại yên ả.