Bà Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (bìa trái). |
Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh, là người góp phần kết thúc Chiến tranh Lạnh và là nhà cải cách kinh tế của đất nước. Quan điểm cứng rắn, thể hiện trên cả mặt đối ngoại, đã khiến nhật báo Pravda của Liên Xô là nơi đầu tiên đặt cho bà Thatcher biệt danh "Bà đầm thép" và biệt danh này về sau đã gắn chặt với hình ảnh của bà.
Sự nghiệp lẫy lừng
Hay tin “Bà đầm thép” của chính trường Anh qua đời, tờ báo Mỹ New York Times đã chạy dòng tít lớn: "Margaret Thatcher, người tái tạo nước Anh, vừa tạ thế". Thậm chí, Thủ tướng Anh đương nhiệm David Cameron còn gọi bà là "người phụ nữ vĩ đại không chỉ dẫn dắt mà còn cứu đất nước".
Quả thực, bước lên ngôi vị Thủ tướng nước Anh từ năm 1979, bà Margaret Thatcher đã thực hiện những chính sách kinh tế, xã hội, ngoại giao táo bạo và kiên quyết, giành được sự ủng hộ của cử tri Anh cho đảng Bảo thủ trong ba nhiệm kỳ Thủ tướng liên tiếp kéo dài 12 năm. Bà cũng chiến thắng các lãnh đạo bảo thủ và kỳ thị phụ nữ của đảng Bảo thủ, chiếm chức vụ lãnh đạo đảng này và 4 năm sau lên làm Thủ tướng. Đó là lúc mọi chính trị gia và các nhà nghiên cứu của nước Anh đều cho rằng vai trò duy nhất mà các chính phủ Anh có thể hoàn thành là làm sao quản lý đất nước và xã hội để cho nước Anh xuống dốc từ từ.
Nhưng không, nắm quyền Thủ tướng, bà Thatcher quyết tâm sửa đổi chính sách tài chính của Anh bằng cách giảm bớt vai trò của nhà nước và thúc đẩy thị trường tự do. Bà bắt tay vào cắt giảm chi tiêu công, tham gia vào tái phân phối phúc lợi xã hội và áp dụng đường lối cứng rắn để giảm lạm phát, kiềm chế tăng giá. Bà từng nói khi trả lời phỏng vấn của U.S.News: "Một thực tế cơ bản của nền kinh tế là chúng ta không thể tự chi trả nhiều hơn chúng ta kiếm. Một thời gian dài ở Anh, người ta cứ giữ khư khư quan niệm không thể để thâm hụt tài chính vì điều đó sẽ không mang lại sự thịnh vượng lâu dài".
Với một chính sách nhất quán và thái độ cứng rắn không thể lay chuyển trên chính trường, bà đã biến tính chất bảo thủ của đảng Bảo thủ thành đường lối cải tổ. Không những thay đổi triết lý chính trị của đảng Bảo Thủ, mà bà còn thúc ép các đảng chính trị cốt yếu của nước Anh thay đổi quan niệm làm chính trị. Và kể từ "thời đại Thatcher" với "chủ nghĩa Thatcher", các đảng phái chính trị của nước Anh đều quay lại đặt lòng tin vào học thuyết và chính sách kinh tế thị trường của bà. Kết quả là hàng triệu người từng có ít hoặc không có vốn nay có thể sở hữu ngôi nhà mình đang ở và mua cổ phần của các doanh nghiệp trước đây hoàn toàn thuộc nhà nước. Chính sách tài chính mới khiến London trở thành một trong những trung tâm tài chính sôi động và thành công nhất trên thế giới.
Nhưng cũng giống như mọi cuộc cách mạng, mặt trái cuộc cải tổ là nước Anh rơi vào tình trạng thất nghiệp tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và sự bất mãn, rối loạn chưa từng có kể từ thời kỳ Victoria. Đến nay, người Anh vẫn tranh cãi về việc liệu những lợi ích của chủ nghĩa Thatcher có cao hơn cái giá phải trả của toàn xã hội hay không.
Có thể nói, nhiệm kỳ thứ ba của "Bà đầm thép" vướng phải những khó khăn, một phần cũng do cá tính của bà cùng chính sách thuế khóa tiền tệ cứng nhắc, đường lối quá cứng rắn đòi nước Anh tách hẳn khỏi Cộng đồng Châu Âu. Những chính sách ngoại giao khác của bà cũng đầy tranh cãi. Mặc dù nước Anh đã thắng trong cuộc chiến với Argentina về quần đảo Falklands năm 1982, song quyết định của bà Thatcher tiến hành chiến tranh giành lại một quần đảo xa xôi ở phía Nam Đại Tây Dương và không có vai trò quan trọng chiến lược được một số người coi là thiếu thận trọng…
Nói chung, sự tự tin và mạnh mẽ là sức mạnh chính trị lớn nhất của bà, nhưng cũng là điểm yếu lớn nhất của bà. Những người cánh hữu ca ngợi bà Thacher đã đưa đất nước ra khỏi những khó khăn kinh tế, nhưng những người theo cánh tả lại cáo buộc bà đi ngược lại truyền thống, cho rằng những cải cách của bà khiến kết cấu xã hội bị thay đổi. Vào cuối thời kỳ nắm quyền, bà tỏ ra ngày càng xa rời thực tế. Và mặc dù nhận được sự ủng hộ khá lớn của dư luận, song bà vẫn bị chính đảng của mình "từ chối". Bà rời ghế Thủ tướng năm 1990 sau 12 năm cầm quyền. Nước Anh và thế giới ghi nhớ "Nữ Nam tước Margaret Thatcher", danh hiệu do Hoàng gia Anh phong tặng, như vị nữ Thủ tướng đầu tiên đã vực dậy nước Anh suy thoái nặng nề, góp phần dẫn lối cho thế giới đi đến chấm dứt chiến tranh lạnh.
Đời tư giản dị
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, tên khai sinh là Margaret Hilda Roberts, chào đời ngày 13/10/1925 trong gia đình bán tạp hóa tại TP. Grantham, miền Đông nước Anh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Đại học Oxford, bà kết hôn với doanh nhân Denis Thatcher năm 1951 và sinh đôi hai người con Carol và Mark hai năm sau đó.
Bà được bầu vào Hạ viện Anh lần đầu tiên năm 1959 và kế nhiệm Thủ tướng Edward Heath trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ năm 1975 trước khi trở thành Thủ tướng 4 năm sau đó. Di sản lớn nhất của cuộc đời bà có thể được tóm gọn thành "chủ nghĩa Thatcher", học thuyết mà những người ủng hộ ca ngợi là thúc đẩy tự do cá nhân và phá vỡ sự phân chia giai tầng trong xã hội Anh hàng thế kỷ qua. Thậm chí, hơn chục năm sau khi từ giã chính trường, năm 2002, bà Thatcher vẫn vinh dự được độc giả BBC xếp thứ 16 trong 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại.
Không chỉ ở Anh, mà tại Mỹ, bà Thatcher còn được yêu mến hơn cả chính đồng nhiệm người Mỹ của mình. Lúc bà từ chức, tháng 11/1990, kết quả thăm dò của Viện Gallup cho biết 76% người Mỹ ngưỡng mộ bà với tư cách một Thủ tướng, trong khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rời Nhà Trắng tháng 1/1989 với tỉ lệ ủng hộ chỉ ở mức 64%.
Mạnh mẽ, cứng rắn, nhưng những năm cuối đời, sức khỏe "Bà đầm thép" lại khá yếu. Bà bị nhiều cơn đột quỵ nhẹ và được bác sĩ khuyên nên xa rời đời sống chính trị từ năm 2002. Sau khi chồng qua đời năm 2003, bà chỉ sống một mình. Các con bà, người thì ở Tây Ban Nha, người ở Thụy Sĩ. Ngay cả hai đứa cháu, con của Mark, cũng hiếm khi thăm bà vì cả hai đang sống ở Mỹ.
Ngày 8/4/2013, bà Thatcher đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thủ tướng Cameron đã cắt ngắn chuyến công tác châu Âu để về nước lập tức. Ông chia sẻ nỗi buồn trên mạng xã hội Twitter: "Chúng ta đã mất đi một nhà lãnh đạo xuất sắc, một Thủ tướng và một người Anh vĩ đại". Điện Buckingham cũng cho hay Nữ hoàng Elizabeth II rất đau buồn về sự ra đi của bà Thatcher. Một tang lễ chính thức cấp quốc gia dành cho cựu Thủ tướng Anh sẽ được tổ chức tuần tới tại Nhà thờ St. Paul. Nghi lễ này tương tự với lễ tang dành cho Thái hậu.
Theo quy định của Anh, tang lễ chính thức phải có sự chấp thuận của Nữ hoàng. Cố Thủ tướng Winston Churchill là thường dân gần đây nhất được Anh tổ chức quốc tang vào 30/1/1965. Lễ tang của ông được truyền hình, thu hút 350 triệu khán giả và có sự tham dự của 110 lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, theo Telegraph, ông Lord Bell, phát ngôn viên và là bạn của bà Thatcher, tiết lộ trước khi qua đời, bà đã quả quyết rằng mình không "thích hợp" với một tang lễ kiểu này và một phi đội máy bay trình diễn sẽ chỉ gây lãng phí tiền thuế của dân.
Vì vậy, tang lễ cựu Thủ tướng Margaret Thatcher sẽ diễn ra giản đơn, không có trình diễn máy bay và không tốn kém nhiều tiền bạc, đúng như nguyện vọng của "Bà đầm thép". Thay vì hoa, gia đình của bà Thatcher cũng đề nghị quan khách đóng góp tiền cho quỹ từ thiện giúp đỡ các cựu binh. Ngoài ra, một buổi lễ riêng cũng sẽ được tổ chức trước khi bà được hỏa táng ở Mortlake (Tây Nam London) và an nghỉ bên chồng tại nghĩa trang bệnh viện Hoàng gia ở Chelsea.
Hoàng Minh
Lãnh đạo thế giới thương tiếc Margaret Thatcher Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ tiếc thương trước sự qua đời của cựu Thủ tướng Thatcher: "Trong kí ức của chúng tôi, bà Thatcher là một nhân vật kiệt xuất, tài năng xuất chúng với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh. Trong chính trường Anh hay trên vũ đài quốc tế, bà là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cống hiến cả cuộc đời cho sự phát triển của Anh và thế giới". Phát biểu với báo chí về việc cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời, Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 8/4, nhấn mạnh: "Thế giới đã mất đi một chiến sĩ đấu tranh vì tự do vĩ đại. Nước Mỹ cũng mất đi một người bạn đích thực". Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi bà Thatcher là "một người bạn trung thành của Israel và người dân Do Thái. Bà đã truyền cảm hứng cho một thế hệ lãnh đạo chính trị". Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev dành những lời ca ngợi người đàn bà quyền lực nước Anh một thời: "Margaret Thatcher là một nhà chính trị lớn và một cá nhân xuất sắc. Bà sẽ đi vào ký ức và lịch sử của chúng ta". |