📞

Vai trò trung tâm của ASEAN thời hậu Obama

10:46 | 01/10/2016
Dù chính sách đối ngoại của Mỹ có thay đổi thế nào dưới thời Tổng thống mới, điều then chốt là ASEAN cần giữ vững đoàn kết, vai trò trung tâm, khả năng quản lý và kiểm soát tốt mọi vấn đề xảy ra trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Vientiane (Lào) ngày 8/9. (Nguồn: BBC).

Tham dự Hội nghị Cấp cao của ASEAN tại Vientiane vừa qua, Tổng thống Obama tiếp tục tái khẳng định chính sách tái cân bằng với khu vực. Tuy nhiên, việc chính sách này sẽ được tiếp tục thế nào dưới thời Tổng thống Mỹ kế nhiệm vẫn còn là dấu hỏi.

Nếu chính quyền mới của Mỹ chuyển trọng tâm đối ngoại sang khu vực khác, kế hoạch tái cân bằng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này đang gây lo ngại cho nhiều nước ASEAN, vốn đang coi chính sách tái cân bằng của Mỹ như một chỗ dựa an ninh trước những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mặt khác, dù Tổng thống mới của Mỹ có là ai và chính sách đối ngoại thay đổi thế nào, điều then chốt là ASEAN cần giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, qua đó bảo đảm khả năng quản lý và kiểm soát tốt mọi vấn đề xảy ra trong khu vực.

Thủ tướng Malaysia đã từng nêu rõ, vai trò trung tâm được thể hiện ở chỗ ASEAN phải chứng tỏ mình là “một tổ chức hoạt động dựa trên luật lệ… có quan hệ thân thiện với các nước lớn trên cơ sở những nguyên tắc nhất định”. Thông qua việc nhấn mạnh vai trò của công tác ngoại giao dựa trên luật lệ, Malaysia đang cho thấy tranh chấp ở Biển Đông cũng như những vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế quan trọng khác cần phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao trên cơ sở đồng thuận. Điều này đồng nghĩa với việc ASEAN cần giữ vai trò cầm lái trong tiến trình này.

Những lời chỉ trích không công bằng

Tuy hầu hết các nước ASEAN đều hoan nghênh chính sách tái cân bằng của Mỹ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ASEAN hoàn toàn đứng về phía Mỹ mà quay lưng lại với Trung Quốc. Lý do thứ nhất, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, điều này sẽ gây phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc và điều này sẽ thực sự bất lợi với ASEAN. Thứ hai, nếu liên minh với Mỹ, ASEAN có nguy cơ đánh mất vai trò trung tâm trước sự chi phối của Mỹ.

Tại các Hội nghị vừa qua của ASEAN, đã xuất hiện những chỉ trích trước việc trong văn kiện không có những câu chữ về hoạt động tôn tạo, xây mới đảo đá hay phán quyết của Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, qua đó cho thấy một sự phản ứng yếu ớt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm này là không công bằng, hạ thấp vai trò của ASEAN trong những vấn đề quan trọng khác đã được thảo luận và nhất trí tại các hội nghị.  

Có thể thấy rằng nếu những văn kiện này đi quá sâu vào chi tiết và nêu đích danh các hành động của Trung Quốc hay phán quyết của Toà Trọng tài, điều này có thể gây nên phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc cũng như phương hại đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc, như vậy sẽ càng đẩy ASEAN gần về phía Mỹ và gây sức ép lên Trung Quốc.

Mặt khác, cũng không phải là một phương án hay nếu những diễn biến hoàn toàn bị bỏ ra khỏi các văn kiện hội nghị. Dù gì tất cả các nước ASEAN đều đã nhất trí vấn đề Biển Đông là quan tâm chung của cả khối. Nếu vấn đề bị đưa ra khỏi văn kiện hoàn toàn thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận để Trung Quốc can thiệp, phá hoại vai trò trung tâm và không để ASEAN giữ vai trò lèo lái trong việc giải quyết những tranh chấp hiện tại.

Đoàn kết là mấu chốt cho tương lai

Nếu tổng thống mới của Mỹ tiếp tục chính sách tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương, đây chắc chắn sẽ là tin vui với ASEAN. Dù vậy, tổ chức này cũng không thể xích lại quá gần với Mỹ để không làm ảnh hưởng tới vai trò trung tâm của mình. Dù Tổng thống Mỹ có là ai, điều quan trọng trước hết là ASEAN cần thể hiện mình là một tổ chức đoàn kết và mạnh mẽ mà Mỹ luôn cần đến khi muốn tham gia giải quyết vấn đề khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong bài phát biểu nhậm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN của Philippines vào năm 2017, từng nói rằng Manila sẽ tìm cách dẫn dắt ASEAN phấn đấu duy trì sự thống nhất và đoàn kết trong mối quan hệ hợp tác với các đối tác toàn cầu. Định hướng này sẽ là điều tốt cho ASEAN bởi tinh thần đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong những năm gần đây dường như đã bị xói mòn nghiêm trọng bởi sự khác biệt trong nội bộ tổ chức và các áp lực bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và Mỹ.

Rõ ràng, câu hỏi thích hợp cho ASEAN hiện giờ không phải là “liệu chiến lược tái cân bằng của Mỹ sẽ còn được tiếp tục trong thời kỳ hậu Obama hay không?” mà nên là “liệu nỗ lực tăng cường sự gắn kết của ASEAN có đủ để vượt qua những thách thức khu vực trong tương lai hay không?”.

(theo The Diplomat)