📞

Vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực

Đức Trí 10:00 | 10/07/2023
Giữ vững bản sắc và vai trò trung tâm luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ASEAN làm nên thương hiệu và sự thành công.
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 42 tại Labuan Bajo, Indonesia, ngày 9/5. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Vai trò trung tâm của ASEAN” bắt đầu được các nước thành viên nhắc đến nhiều từ các năm 2005, 2006. Với sự ra đời của Hiến chương ASEAN năm 2007 và có hiệu lực năm 2008, “vai trò trung tâm” đã được pháp điển hóa, vừa trở thành mục tiêu, vừa là nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN.

Theo Hiến chương, mục tiêu chính của ASEAN là “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và bao trùm”.

Quá trình gây dựng bền bỉ

Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển. Từ năm nước thành viên ban đầu, ASEAN đã từng bước mở rộng, biến một khu vực từ đối đầu, chia rẽ, nghi kị trong Chiến tranh Lạnh sang khu vực của hòa bình, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Không chỉ nội khối, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với chín nước, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu.

ASEAN đi đầu khởi xướng thành lập nhiều diễn đàn, cơ chế quan trọng, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tiến trình ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM), Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và các hội nghị AMM+, ADMM+… qua đó gắn kết các đối tác ngày càng sâu sắc hơn vào các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.

Từ đề xuất của ASEAN, hàng loạt chương trình hợp tác, liên kết khu vực đã được triển khai, hàng chục đối tác bên ngoài đã tự nguyện tham gia và cam kết tuân thủ các nguyên tắc, quy định nêu trong Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), vốn được coi là “bộ quy tắc” ứng xử của ASEAN. Tham gia các hội nghị, sự kiện lớn của ASEAN với bầu không khí thân thiện, đối thoại và hợp tác đã mang đến chất xúc tác cho lãnh đạo, bộ trưởng các nước lớn gặp gỡ, tiếp xúc song phương để tìm cách xây dựng lòng tin và hàn gắn bất đồng, thu hẹp khác biệt.

Trong bối cảnh các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, ASEAN đã và đang triển khai nhiều chính sách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, đồng thời nỗ lực phát huy bản sắc, vai trò trung tâm nhằm quản lý, cân bằng trong quan hệ với các đối tác, nhất là các cường quốc.

Không dừng lại ở đó, ASEAN còn nỗ lực tìm cách hạn chế những thách thức, mâu thuẫn nảy sinh trong việc thực hiện quy chế hợp tác. ASEAN kiên định các nguyên tắc cơ bản đã được thống nhất, phát huy hiệu quả các quy chế đối thoại, phù hợp với năng lực, điều kiện và nhu cầu của khối. Thông qua đối thoại, ASEAN cùng các đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, thay vì sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đây chính là dấu ấn riêng có của ASEAN mà chưa có tổ chức nào trên thế giới làm được.

Lễ thượng cờ ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao nhân kỷ niệm ngày thành lập ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cụ thể hóa vai trò trung tâm

Từ những thành quả và kinh nghiệm thu được, ASEAN cụ thể hóa vai trò trung tâm của mình theo năm khía cạnh, bao gồm vai trò trung tâm trong bản thân ASEAN, vai trò trung tâm trước các vấn đề nóng ở khu vực, trong quan hệ với nước lớn và đối tác đối thoại, vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và trong tham gia, xử lý những vấn đề, thách thức mang tính toàn cầu.

Theo Tuyên bố Bangkok năm 1967, Hiến chương ASEAN thể hiện rõ mục tiêu xây dựng vai trò trung tâm của ASEAN đối với khối, trong đó khẳng định việc nâng cao khả năng tự cường thông qua đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực trụ cột chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột gồm: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) định hình vai trò trung tâm của khối đối với hợp tác nội tại.

Trước các vấn đề nóng ở khu vực, ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các vấn đề cụ thể. Chẳng hạn như vấn đề Biển Đông, ASEAN đã thông qua tuyên bố chính thức từ năm 1992, nỗ lực cùng với Trung Quốc đi đến ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tích cực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Vấn đề Biển Đông luôn là một trong những chương trình nghị sự quan trọng tại các Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị AMM cũng như trong các hội nghị với các đối tác.

Trong quan hệ với nước lớn và các đối tác, ASEAN thể hiện vai trò này khá rõ ràng. Hiến chương ASEAN khẳng định “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chủ chốt trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc mở, minh bạch và bao trùm”.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù các nước lớn muốn thúc đẩy một cấu trúc khu vực theo cách riêng, nhưng vẫn ủng hộ một cấu trúc mang tính bao trùm với vai trò trung tâm của ASEAN dựa trên các cơ chế hợp tác do ASEAN đề xướng và dẫn dắt. Không chỉ ở khu vực, ASEAN thể hiện vai trò trung tâm thông qua tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó có các thách thức an ninh phi truyền thống, các vấn đề nóng như xung đột vũ trang ngoài ASEAN.

“Tinh thần đoàn kết, độc lập, tự cường và tự chủ chiến lược chính là sức mạnh, là động lực và cũng là phương châm để ASEAN giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. ASEAN sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Nhiều cơ hội củng cố

Trong thời gian tới, vai trò trung tâm của ASEAN có nhiều cơ hội được củng cố và phát triển do một số yếu tố. Trước hết là việc các cường quốc đều muốn gia tăng quan hệ với ASEAN dựa trên “phương cách ASEAN” bao trùm, cởi mở và không ràng buộc. Các cường quốc “có thể chấp nhận” các thể chế do ASEAN lãnh đạo như một “diễn đàn thảo luận” để gắn kết, xây dựng lòng tin và tạo ra sự hiểu biết chung về các vấn đề an ninh khu vực.

Với vai trò là động lực xây dựng thể chế, ASEAN có thể sẽ tận dụng tốt “đặc quyền” trong đề ra chương trình nghị sự và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, việc giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, như đại dịch, an ninh lương thực và hỗ trợ nhân đạo cũng mang lại cho ASEAN không gian và nền tảng để gia tăng vai trò trung tâm của mình.

Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho khối, mà còn đối với các quốc gia thành viên. Chính vì vậy, việc các quốc gia thành viên tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của mình. Khi vai trò trung tâm của ASEAN gặp phải những thách thức, cả bên trong cũng như bên ngoài, thì nỗ lực của các thành viên tích cực như Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy vai trò trung tâm của khối.

Tuy nhiên, đây không phải là một điều hiển nhiên mà có, mà đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài với những nỗ lực không ngừng nghỉ. Vai trò trung tâm cũng giống như quyền lực, nó có thể đạt được và cũng có thể bị mất đi. Thông qua việc gia tăng tính tự cường, gắn kết nội khối và đoàn kết nội bộ sẽ là nhân tố nền tảng để các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, song vai trò trung tâm của ASEAN trở thành yếu tố then chốt cho tương lai phát triển của ASEAN. Việc Việt Nam và nhiều quốc gia thành viên ASEAN tích cực và chủ động thúc đẩy việc này chính là tăng cường “sức đề kháng” cho ASEAN và cho chính mình trong một môi trường quốc tế nhiều bất ổn hiện nay.