📞

Vì sao Mỹ điều “pháo đài bay” B-52 đi đánh IS?

09:08 | 11/04/2016
Giới chức Mỹ ngày 9/4 thông báo, nước này đã chính thức tung pháo đài bay B-52 đến Trung Đông để tham gia nhiệm vụ chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Ảnh: Reuters

Như vậy, đây là lần đầu tiên B-52 được triển khai đến Trung Đông kể từ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh cách đây hơn 25 năm.

Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ trong một tuyên bố cho biết, một “số lượng không xác định” máy bay ném bom B-52 sẽ được triển khai tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Chiến dịch Vũ trụ và Không quân Liên hợp của liên quân do Mỹ lãnh đạo. Trung tâm này chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch không kích chống IS ở Syria và Iraq.

Gia tăng áp lực

Thông báo về việc triển khai B-52 đến Qatar được đưa ra đúng một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa lên tiếng cam kết sẽ “gia tăng áp lực hơn nữa” lên tổ chức IS khi ông có chuyến thăm đến thủ đô Baghdad của Iraq hôm 8/4 và có cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng như lãnh đạo người Kurd và người Sunni ở Iraq.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là vì sao Mỹ lại quyết định đưa B-52 – một trong những loại máy bay già cỗi nhất trong lực lượng Không đến chiến trường Trung Đông?

“Quyết định đưa B-52 đến Trung Đông thể hiện quyết tâm kiên định của chúng tôi trong việc gây áp lực không ngừng nghỉ đối với IS và bảo vệ khu vực trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong tương lai”, ông Brown khẳng định.

B-52 được đưa đến Qatar để thay thế cho những chiếc máy bay ném bom B-1 mà Mỹ vừa rút về hồi tháng 2. Việc rút những chiếc B-1 đã khiến số vụ không kích nhằm vào IS của liên quân trong tháng 2 đã giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 8 tháng trở lại đây.

Dù chỉ đảm nhiệm 7% nhiệm vụ tấn công các mục tiêu IS ở Iraq và Syria nhưng những chiếc B-1 đã thực hiện ném gần 40% tổng số bom của liên quân xuống hai chiến trường này. Ngoài mang số lượng bom nhiều hơn bất kỳ chiến đấu cơ nào khác của lực lượng Mỹ đang tham chiến ở Iraq và Syria, B-1 còn có thể bao quát chiến trường liên tục trong 10 giờ đồng hồ mỗi lần. B-1 có thể bay ở tốc độ siêu thanh. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Iraq và Syria trong vài phút.

B-52 được xem là một sự thay thế tốt cho B-1 bởi chiếc máy bay này cũng có thể bao quát chiến trường trong thời gian lên tới 12 giờ liên tục.

Chưa thể “nghỉ hưu”

Ra đời từ những năm 1950 dưới thời chính quyền Tổng thống Eisenhower, B-52 trở thành biểu tượng sức mạnh thời Chiến tranh Lạnh vì những năng lực đặc biệt của nó. B-52 là chiếc máy bay đầu tiên ném bom nhiệt hạch (bom H) xuống đảo Bikini năm 1956.

Những chiếc B-52 đến Căn cứ Không quân Al Udeid của Qatar ngay 9/4. Ảnh: AP

Mặc dù được dự định cho “nghỉ hưu” cách đây vài năm nhưng máy bay B-52 vẫn tiếp tục được triển khai đến các vùng xung đột do thiết kế thiện chiến của loại máy bay này cho phép chúng có thể được triển khai ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới và có thể mang rất nhiều loại vũ khí.

“Đã có hàng loạt nỗ lực nhằm chế tạo một loại máy bay ném bom xuyên lục địa mạnh hơn nhưng các nỗ lực đó đều thất bại. Hóa ra là cứ khi nào chúng ta tìm cách nâng cấp máy bay B-52 thì chúng ta đều gặp vấn đề và vì thế giờ này chúng ta vẫn đang sử dụng B-52”, ông Owen Coté – một giáo sư chuyên nghiên cứu về an ninh ở Viện Công nghệ Massachusetts cho tờ New York Times biết hồi tháng 12 năm ngoái.

Trong những năm gần đây, B-52 đã được bổ sung thêm thiết bị ngắm mục tiêu bằng laser, cho phép chúng thả những quả bom “thông minh” được dẫn đường. Những chiếc B-52 được triển khai đến Qatar giờ đây mang theo những vũ khí tấn công chính xác và có thể tiến hành một loạt nhiệm vụ mà không gây nguy hiểm cho dân thường, giới chức Mỹ tự tin khẳng định.

"Tính chính xác là cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến này. Trải thảm bom sẽ không hiệu quả đối với chiến dịch mà chúng ta đang thực hiện bởi IS không tập hợp thành những nhóm lớn mà trà trộn vào trong các khu vực dân cư đông đúc. Chúng ta phải luôn hướng tới mục tiêu giảm thiểu thương vong cho dân thường”, ông Chris Karns – phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Trung tâm, cho biết.

Chính vì năng lực của B-52 không khác gì mấy so với B-1 nên từ lâu, giới chỉ huy không quân Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc đưa B-52 tới Syria để bắn phá các vị trí của IS.

B-52 cũng là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu.

Hai nguyên mẫu đầu tiên của dòng máy bay này được thử nghiệm lần đầu năm 1952. Sau đó, qua 8 lần cải tiến, Mỹ sản xuất tổng cộng 744 chiếc B-52 và đến nay, B-52 vẫn nằm trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 - 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng.

Máy bay B-52 được trang bị thiết bị tác chiến điện tử và 12-16 máy gây nhiễu tích cực. B-52 còn được trang bị tên lửa chống radar, 21 bộ thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, 12 bộ thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình, quan sát hồng ngoại, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, hệ thống quan sát quang điện tử, radar cảnh giới, máy tính điện tử...

Đặc điểm ưu việt của B-52 là có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu. Nếu được tiếp dầu, B-52 có thể bay xa hơn, có thể vượt chặng đường 18.000 - 20.000 km. Máy bay ném bom B-52 được miêu tả là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ: tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.