Cả hai vụ trên đều liên quan đến cáo buộc sử dụng khí sarin, loại chất độc thần kinh bị cấm sử dụng theo Công ước về Vũ khí Hóa học năm 1993.
Mối nghi ngờ mang tên “Sarin”
Năm 2013, vụ sử dụng khí độc bị các điều tra viên Liên hợp quốc tố cáo đã vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama, song đã không có hành động quân sự nào diễn ra. Thay vào đó, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã tới Syria để giám sát việc tiêu hủy chương trình vũ khí hóa học của nước này.
Đến tháng 10/2013, OPCW xác nhận “chính phủ Cộng hòa Arab Syria đã hoàn tất việc tiêu hủy thực sự các trang thiết bị quan trọng phục vụ các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học công khai và các nhà máy pha chế/tiếp nhiên liệu, khiến chúng không thể sử dụng được. Tuy nhiên, một số kho dự trữ khí sarin vẫn tồn tại.
Những nạn nhân của vụ tấn công được cho là "tấn công bằng khí sarin", ngày 4/4/2017, tại Khan Sheikhoun. (Nguồn: AP) |
Một quan chức phương Tây nói với CNN rằng, Chính phủ Syria không thể từ bỏ loại khí sarin đã sử dụng trong vụ tấn công năm 2013 ở Ghouta, bởi điều đó đồng nghĩa với việc nhận trách nhiệm về vụ việc. Có lẽ điều này đã dẫn đến vụ tấn công ngày 4/4/2017 tại Khan Sheikhoun. Đoạn băng gây chấn động với hình ảnh nhiều trẻ em và dân thường sùi bọt mép và nghẹt thở đến chết dường như là lý do để Mỹ đưa ra khẳng định khí sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công.
Chỉ hai ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk nhằm đáp trả vụ tấn công - một sự thay đổi quyết định nhanh chóng trước thực tế là không có mẫu khí nào được tìm thấy ở vùng bị tấn công. Về phần mình, đến ngày 19/4, tức 13 ngày sau vụ tấn công tên lửa của Mỹ, OPCW mới đưa ra tuyên bố rằng khí sarin đã được sử dụng.
Chưa có bằng chứng cụ thể
Hiện chưa có mẫu khí độc nào được phát hiện tại khu vực mà các nhà hoạt động xã hội nói đã có hai vụ tấn công hóa học xảy ra hôm 7/4, phần là bởi Douma là thị trấn cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát, hay nói cách khác là vây hãm. Khí độc có vẻ đã được giấu xuống các tầng hầm - tương tự như vụ tấn công năm 2013 - nơi các gia đình và trẻ em trú ẩn. Vụ tấn công lần này đã sát hại hầu hết trong số họ.
Theo Hiệp hội Y tế Mỹ ở Syria (SAMS), các nhân viên cấp cứu ở hiện trường cho biết các bệnh nhân “rơi vào tình trạng khó thở, tím tái miệng, sùi bọt mép, bỏng giác mạc, và thở ra khí có mùi clo. Họ nói thêm: “Các triệu chứng này cho thấy rõ ràng các nạn nhân đã bị nghẹt thở do tiếp xúc với các chất độc hóa học; khả năng cao là một thành phần chất hữu cơ có chứa gốc phosphate”.
Những nạn nhân là trẻ em đang được cấp cứu tại một bệnh viện sau vụ tấn công hôm 8/4 vừa qua. (Nguồn: AFP) |
Omar Ibrahim, một bác sĩ thuộc SAMS, người từng chữa trị cho các nạn nhân ở Khan Sheikhoun, nói với CNN: “Tôi tin rằng đó chính là loại khí đã được sử dụng hồi năm ngoái ở Idlib – khí sarin. Tôi đã thấy các bức ảnh và đoạn phim từ Douma… các nạn nhân có những dấu hiệu và triệu chứng rất giống”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các đối tác của họ đã thông tin rằng có 500 người bị nhiễm độc và “có những dấu hiệu nghiêm trọng của sự dị ứng niêm mạc, khó thở và hệ thống thần kinh trung ương bị phá hủy ở những người bị nhiễm độc”. Họ cho biết hơn 70 người đã thiệt mạng trong các hầm trú ẩn, 43 trong số đó có “các triệu chứng giống như đã tiếp xúc với các chất kịch độc hóa học”.
Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia về vũ khí hóa học, từng dẫn đầu nhóm phản ứng của NATO, cho biết các triệu chứng mà ông chứng kiến cho thấy đây có thể là một chất độc thần kinh, nhưng rất khó để khẳng định chính xác nếu không lấy được các mẫu khí ở hiện trường. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng số lượng thương vong – theo WHO là 500 người nhiễm độc và 43 người chết vì khí độc – là quá lớn để có thể quy kết cho loại khí thường được sử dụng mà không phải là clo. “Điều này để ngỏ nhận định cho rằng đó có thể là một hỗn hợp các loại chất”, ông nói.
"Bóng ma" vũ khí hóa học
Có rất nhiều ví dụ về việc sử dụng loại khí giống như clo hay các loại khí độc khác trong quá khứ. Năm 2016, OPCW kết luận rằng hai phụ nữ thiệt mạng “trong vụ Um-Housh, Aleppo ngày 16/9/2016 là do đã bị nhiễm khí độc lưu huỳnh mù tạt. Tương tự hồi tháng 8/2015, các mẫu y sinh lấy từ Marea, miền Bắc Aleppo, cho thấy “ít nhất hai người đã nhiễm lưu huỳnh mù tạt và đang trong quá trình hồi phục sau nhiễm độc. Ngoài ra, khả năng cao là các tác động từ lưu huỳnh mù tạt cũng gây ra cái chết của một em bé”.
Bầu trời Damascus gầm vang tiếng pháo phòng không Syria chống lại cuộc tấn công từ phía Mỹ nhắm vào thủ phủ Damascus sáng sớm ngày thứ Bảy, 14/4. Thủ đô của Syria đã bị rung chuyển bởi những vụ nổ lớn, thắp sáng bầu trời cùng nhiều đụn khói lớn, ngay khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tiến hành không kích trả đũa về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. (Nguồn: AP) |
OPCW cũng kết luận rằng trong giai đoạn 16/3-20/3/2015 tại tỉnh Idlib, rất nhiều vụ tấn công “có liên quan đến việc dùng một hay nhiều chất độc hóa học – có thể là chứa thành phần clo – để làm thành vũ khí”.
Khi có những dấu hiệu cho thấy có khả năng các chất độc thần kinh đã được sử dụng, sự đáp trả của phương Tây rất khác biệt và Mỹ đã không đơn phương trong cuộc tấn công này. Nhiều quốc gia đã đồng lòng phản đối sử dụng vũ khí hoá học từ bối cảnh người ta cho rằng cựu gián điệp hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị sát hại bởi chất độc thần kinh Novichok.