Nhỏ Bình thường Lớn

Việc làm – chìa khóa giải quyết vấn đề người tị nạn

Tạo công ăn việc làm không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của những người tị nạn mà còn góp phần vào sự phát triển của những nước tiếp nhận họ.
TIN LIÊN QUAN
viec lam chia khoa giai quyet van de nguoi ti nan Hòa bình cho Syria: Khi niềm tin đã nhạt
viec lam chia khoa giai quyet van de nguoi ti nan Mỹ, Nga nỗ lực chấm dứt giao tranh tại Aleppo

Fawzi Hamama nhìn tờ hóa đơn điện trong 4 tháng qua, băn khoăn tự hỏi làm sao anh có thể trả số tiền này. Kể từ khi rời Syria đến Jordan cách đây 3 năm, anh đã phải bán đi tất cả số vàng mà anh tặng vợ làm của hồi môn. Gia đình 4 người của Fawzi giờ đây đang sống dựa vào trợ cấp của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, khoản tiền ít ỏi này không đủ trả tiền thuê nhà, đó là chưa kể đến hóa đơn điện, nước. “Chúng tôi có thể bị đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào”, Fawzi chia sẻ.

viec lam chia khoa giai quyet van de nguoi ti nan
Anh Fawzi Hamama cùng con gái. (Nguồn: Reuters)

Thỏa thuận EU - Jordan

Miền Bắc Syria, quê hương của Fawzi, rơi vào tình trạng đói nghèo và hỗn loạn kể từ khi quân đội Chính phủ Syria tiến hành không kích các nhóm phiến quân nổi dậy. Trong bối cảnh đó, anh đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và công việc giảng dạy lái xe ở quê nhà, rồi cùng vợ con lên đường chạy loạn. Ở Jordan, đầu tiên gia đình anh sống trong một trại tị nạn, sau đó họ được một người họ hàng bảo lãnh và chuyển đến một căn hộ bình dân ở thủ đô Amman.

Mấy tháng qua, Fawzi đi học nghề sửa chữa điện lạnh theo một chương trình được Chính phủ Anh tài trợ. Hiện anh đang đợi giấy phép từ các cơ quan chức năng Jordan để có thể hành nghề hợp pháp tại đây. “Người Syria không trông chờ sự cảm thông hay hỗ trợ tiền bạc. Hãy cho chúng tôi công việc”, Fawzi nói.

Khát vọng nói trên cũng chính là động lực đưa đến một sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) và Jordan nhằm giúp đỡ những người tị nạn tại các quốc gia tiếp nhận. “Hiệp định Jordan”, được ký kết tại London (Anh) hồi tháng 2 năm nay, khẳng định các nước nhỏ như Jordan đang phải gánh vác một lượng người tị nạn vượt quá sức mình và Chính quyền Amman không đủ nguồn lực để giúp đỡ những người này. Để giải quyết thực trạng đó, EU sẽ nhập khẩu các sản phẩm chủ lực của Jordan nếu quốc gia Trung Đông này cho phép những người nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp trọng điểm (SEZs), vốn chủ yếu tuyển lao động bản địa.

Trên thực tế, các SEZs của Jordan hiện đang tuyển những người nhập cư từ Bangladesh, Sri Lanka và một số quốc gia khác ở Nam Á. Hầu hết những người này là thợ may trong các nhà máy dệt, chẳng hạn như nhà máy Ad-Dulayl ở ngoại ô Amman. Chính những người nhập cư này đã làm nên những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ như Under Armour hay LL Bean.

Mới đây, các lãnh đạo của nhà máy Needle Craft cho biết, họ sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn Syria vào làm việc, đồng thời đánh giá cao những người đến từ khu vực Aleppo vốn có nghề dệt lụa truyền thống rất tinh xảo. Nhà máy này cũng khẳng định sẽ cung cấp thực phẩm và chỗ ở cho người tị nạn Syria.

viec lam chia khoa giai quyet van de nguoi ti nan
Những người tị nạn làm việc tại một nhà máy ở Jordan. (Nguồn: Sputnik)

Hy vọng trong tầm với

Giới chức châu Âu cho rằng, để những người Syria làm việc ở những nơi như trên có thể giúp họ nâng cao kỹ năng trình độ nhằm giúp tái thiết quê hương khi chiến tranh kết thúc. Đồng thời, những người tị nạn này cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế của Jordan, vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Syria.

Thực chất, sáng kiến của EU cũng tính đến những lợi ích cho chính bản thân châu Âu, bởi khuyến khích việc làm ở Jordan sẽ giúp làm giảm dòng người tị nạn tràn vào “lục địa già”. Ông Justine Greening, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh, nói: “Cho những người nhập cư một niềm hy vọng nằm trong tầm với là cách tốt nhất để những người này không đánh cuộc mạng sống để đến châu Âu”.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Wana của Jordan cho rằng, việc giải quyết vấn đề người tị nạn của quốc gia này đang có một “lỗ hổng nghiêm trọng”. Theo luật quốc tế, các quốc gia tiếp nhận như Jordan không được trục xuất những người đang trong tình trạng bị đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó, các nước giàu có không nhất thiết phải có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho Jordan. Chính vì vậy, trong nhiều thập kỷ qua, Chính quyền Amman bất đắc dĩ phải ngửa tay xin hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Điều này đã gây tác động xấu đến nền kinh tế Jordan và khiến quốc gia Trung Đông nhỏ bé này bị phụ thuộc vào viện trợ.

Giới chức Anh dự đoán, những người tị nạn Syria sẽ ở lại Jordan từ 5-10 năm tới. Vì vậy, việc cung cấp việc làm cho những người này là vấn đề khá nhạy cảm, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Jordan đang ở mức 14%. Vì vậy, nhiều người đang quan ngại rằng, chính những người tị nạn đang đặt gánh nặng lên vai Chính quyền và nhân dân của nước tiếp nhận. Một doanh nhân địa phương chua chát nói rằng: “Ở Jordan bây giờ, người Ai Cập, người Syria hay người Iraq thì làm việc, trong khi người Jordan chỉ đứng xem mà thôi”.

Nhằm trấn an dư luận về vấn đề này, Chính phủ Jordan đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tranh thủ ưu đãi của châu Âu. Về phần mình, giới chức EU cho rằng cần phải nhanh chóng kết thúc đàm phán với Jordan trong vòng vài tháng tới, sau đó nhanh chóng triển khai kế hoạch. Khi biết tin này, Fawzi cảm thấy rất hào hứng. Anh nói: “Nếu tôi có thể kiếm được một công việc ổn định và có mức lương thỏa đáng, tôi sẽ không nghĩ đến chuyện tới châu Âu nữa”.

viec lam chia khoa giai quyet van de nguoi ti nan Cùng cực như người dân Syria

Đói nghèo và chiến tranh đã cướp đi cơ hội được sống và có cuộc sống đúng nghĩa của người dân quốc gia Trung Đông ...

Quang Chinh (theo The Economist)