📞

Viễn cảnh chính trị "xuôi dòng" tại Nhật Bản

21:21 | 07/01/2018
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa bước sang năm thứ 6 cầm quyền kể từ khi trở lại vị trí đứng đầu chính phủ vào cuối năm 2012. Tâm điểm chú ý trên chính trường Nhật Bản năm 2018 sẽ là liệu ông Abe có tái đắc cử nhiệm kỳ Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) lần thứ 3 vào mùa Thu này hay không.

Nếu mọi việc diễn ra như vậy, ông có thể ở lại nhiệm sở đến năm 2021, khiến ông trở thành thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất trong lịch sử nghị viện Nhật Bản. Câu hỏi tiếp theo là ông sẽ theo đuổi chương trình nghị sự nào một khi quyền lực của ông được gia hạn.

Ông Abe sẽ có nhiều đối thủ

Nước cờ giải tán Hạ viện để tiến hành tổng tuyển sớm vào tháng 10/2017 của ông Abe đã thành công. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, người đứng đầu đảng Công dân Tokyo trước tiên (TCF) - đảng đánh bại LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo hồi tháng 7/2017, đã thách thức liên minh cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử bằng cách lập ra một chính đảng mới. Tuy nhiên, nỗ lực đó đã thất bại thảm hại, để lại sau lưng một phe đối lập bị chia tách hơn nữa và liên minh cầm quyền LDP-Komeito vẫn giành đa số 2/3 trong Hạ Viện.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Nikkei)

Tỷ lệ tín nhiệm dành cho nội các của ông Abe, vốn đã tụt xuống mức thấp hồi đầu mùa Hè 2017 sau một loạt vụ bê bối liên quan đến chính phủ và các nghị sĩ LDP, đã trở lại ổn định đủ để chính quyền bước sang năm thứ 6 cầm quyền.

Sự thay đổi trong điều lệ đảng LDP được thông qua năm 2017 cho phép chủ tịch đảng này được theo đuổi nhiệm kỳ thứ 3, thay vì tối đa 2 nhiệm kỳ như trước đây. Ông Abe có thể sẽ đối mặt với một số đối thủ trong cuộc chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng vào tháng 9 tới, không giống như cuộc chạy đua hồi năm 2015 khi ông Abe đắc cử nhiệm kỳ 2 mà không có đối thủ nào. Tuy nhiên, trừ phi có bước thụt lùi lớn nào, cơ hội để ông Abe đắc cử Chủ tịch LDP nhiệm kỳ 3 gần như là điều chắc chắn, nếu xét tới những thành tích của ông trong việc lãnh đạo đảng này giành chiến thắng lớn trong tất cả 5 cuộc bầu cử tại Quốc hội kể từ năm 2012.

Mục tiêu sửa đổi Hiến pháp

Trong lúc sự bám trụ quyền lực của ông được củng cố, Chính quyền Abe đang đối mặt với nhiều thách thức phía trước, từ việc lãnh đạo nền kinh tế lên mức tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa, đến việc đối phó với mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên - quốc gia đạt được tiến triển nhanh chóng trong năm qua trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, ông Abe đang thúc đẩy mục tiêu chính trị của ông, đó là sửa đổi Hiến pháp, với việc đảng LDP có kế hoạch đệ trình bản dự thảo sửa đổi lên Ủy ban Quốc hội sớm nhất trong năm nay với hy vọng Quốc hội sẽ thông qua bản sửa đổi vào năm 2019. Tuy nhiên, cho dù liên minh cầm quyền của ông và các đảng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp khác có được 2/3 ghế tại lưỡng viện, đủ để đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc, nhưng hiện vẫn chưa có sự nhất trí giữa các đảng, hay thậm chí trong LDP, về nội dung cụ thể của bản sửa đổi này, bao gồm sửa đổi Điều 9.

Hải quân Mỹ - Hàn trong một cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải, tháng 3/2017.

Hạt nhân - mối quan ngại lớn nhất

Trong chính sách đối ngoại, việc đối phó với mối đe dọa Triều Tiên vẫn là quan ngại lớn nhất. Ông Abe vẫn kiên định kêu gọi tăng cường sức ép với chế độ Kim Jong-un để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa. Ông cũng dành sự ủng hộ hoàn toàn cho Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump - vốn đang cân nhắc mọi lựa chọn - bao gồm giải pháp quân sự - trong việc đối phó với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy chiến lược này thuyết phục được chế độ Kim thay đổi chính sách của họ. Căng thẳng về Triều Tiên không được phép leo thang thành đụng độ quân sự trên Bán đảo Triều Tiên. Các bên nên theo đuổi các nỗ lực để đạt được giải pháp ngoại giao, và Nhật Bản phải làm bất kỳ điều gì có thể để khiến Trung Quốc và Nga đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trong nước, các lực lượng trong phe đối lập đang đứng trước thách thức phải xây dựng lại sau kết quả thất vọng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Sự chia rẽ của đảng Dân chủ - đảng đối lập hàng đầu vào thời điểm đó, khi một vài trong số nghị sĩ của đảng tại Hạ viện chuyển sang chính đảng mới của bà Koike, một số khác thành lập đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDP) và một số khác tranh cử độc lập, khiến phe đối lập phân rã hơn bao giờ hết.

Đảng CDP, vốn nổi lên trở thành chính đảng thứ 2 trong Hạ viện sau đảng LDP trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, nắm giữ chưa đầy 1/5 ghế so với đảng LDP trong Hạ viện. Việc sắp xếp lại lực lượng sẽ là điều cần thiết nếu phe đối lập thể hiện với các cử tri rằng họ là sự lựa chọn thay thế tiềm năng cho liên minh cầm quyền.

Đến nay, hiện vẫn chưa rõ phe đối lập bị chia rẽ sẽ đi theo hướng nào. Tuy nhiên, mùa bầu cử đang tới gần với các cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào mùa Xuân 2019 và bầu cử Thượng viện vào mùa Hè năm đó.

(theo Japan Times)