Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama tại cuộc họp báo chung ngày 23/5. (Ảnh: Minh Châu) |
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) nhận định trong bài viết cho Báo Thế giới & Việt Nam về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Obama (từ 23-25/5). Xin trân trọng giới thiệu:
Tầm nhìn đạt được tại Washington trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) đã trở thành hiện thực thông qua những chương trình hành động cụ thể tại Thượng đỉnh Hà Nội tháng 5 này, bao hàm các lĩnh vực hợp tác quan trọng mà hai bên quan tâm.
Với những thỏa thuận tại Thượng đỉnh Hà Nội lần này, môi trường chiến lược làm sâu sắc và hiệu quả hơn Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã định hình.
Những tính toán chiến lược
Những mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam thể hiện qua hai chuyến thăm trước đây của Tổng thống Bill Clinton (năm 2000) và Tổng thống George Bush (năm 2006) ít gắn với một chiến lược đặc biệt nào đối với châu Á. Cục diện châu Á các năm đó vẫn còn khá ổn định, Trung Quốc chỉ đang trỗi dậy. Vai trò của Mỹ chưa bị thách thức rõ rệt.
Thế nhưng hiện nay, Hoa Kỳ đang tiến đến các tính toán chiến lược mang nội dung địa chính trị và kinh tế tại khu vực ngày càng phát triển năng động và có vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, trở thành trọng tâm trong chính sách và cọ xát chiến lược giữa các nước lớn.
Quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương – di sản còn lại của thời Chiến tranh Lạnh – đã đưa hai nước bước vào một “thời khắc mới”, bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ bang giao hảo thoại. Đó là sự phát triển về chất của quan hệ song phương, gia cố sự tin cậy chiến lược giữa hai quốc gia từng là cựu thù. Nó loại bỏ trở ngại để đưa sự hợp tác quân sự và an ninh đang ở giai đoạn thăm dò vào một lộ trình ngày càng chắc chắn.
Vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ cũng muốn khép lại một cách triệt để “hội chứng Việt Nam”, hàn gắn vĩnh viễn những tàn tích cuộc chiến tranh còn sót lại trong ký ức của người dân hai nước.
Bên cạnh những cam kết các chương trình hợp tác song phương cụ thể rất có lợi cho Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama đã chinh phục người Việt Nam bằng những những cử chỉ tượng trưng nổi bật, trong đó có việc ông tới thăm Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoa Kỳ muốn một “Việt Nam mạnh”
Các Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống George Bush từng bày tỏ mong muốn có một “Việt Nam mạnh”. Thượng nghị sĩ John McCain nói trong trả lời Thông tấn xã Việt Nam ngày 19/5/2016: “Điều tôi muốn nói đó là một nước Việt Nam vững mạnh và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Ted Osius khẳng định cũng đã khẳng định: “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, thịnh vượng và phát triển độc lập” và “Việt Nam phát triển thịnh vượng thì có lợi cho Mỹ” trong một Hội nghị quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) của Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ đồng tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi đầu năm nay.
Cũng chính ông Ted Osius ngày 5/4 khi phát biểu trong cuộc gặp mặt một số học giả Việt Nam đã đề cập đến cách thức mà nước Mỹ có thể làm phù hợp với tầm nhìn phát triển của Việt Nam: Nước Mỹ sẽ là một đối tác tin cậy của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế giai đoạn tới. Mỹ sẽ hợp tác để Việt Nam thu hoạch tốt nhất trong quá trình tham gia TPP; Việt Nam sẽ không chỉ là một nước gia công xuất khẩu hàng may mặc hay giày dép, mà sẽ tiến vào nấc thang cao hơn trong chuỗi sản xuất xuyên Thái Bình Dương.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama và những thỏa thuận Thượng đỉnh Hà Nội đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn tiếp theo. Mối quan hệ ấy đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai phía để hiện thực hóa nó. Nhưng về phía Mỹ, như Tổng thống Barack Obama cam kết trong buổi nói chuyện trưa 24/5 trước hàng ngàn nhân sĩ trí thức và bạn trẻ Việt Nam, “Mỹ luôn có mặt để làm đối tác và bạn của Việt Nam”.
Dường như để truyền cảm hứng cho cử tọa và về “lòng thành” của mình, người đứng đầu nước Mỹ lẩy hai câu Kiều:
“Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”.