Theo Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi mất tích từ hôm 2/10/2018 sau khi vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn với vị hôn thê người bản địa. Video từ camera an ninh cho thấy ông bước vào Lãnh sự quán, nhưng không trở ra… trong khi Riyadh một mực phủ nhận liên quan đến sự mất tích của ông.
Sau hơn ba tuần tranh cãi với những thuyết âm mưu về số phận nhà báo mất tích Jamal Khashoggi, chính quyền Saudi Arabia hôm 20/10 thừa nhận nhà báo đã chết trong Lãnh sự quán nước này ở Istanbul. Tuy nhiên, lời giải thích của Riyadh về hoàn cảnh dẫn đến cái chết nhà báo này vẫn “ngây ngô” và đầy bí ẩn.
Biểu tình trước Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về vụ nhà báo Jamal Khashoggi. (Nguồn: Getty Images) |
“Sự che đậy kém nhất lịch sử”
Theo AFP, trong tuyên bố đăng tải trên truyền thông nhà nước, Cơ quan công tố Saudi Arabia khẳng định: “Tranh cãi giữa Jamal và những người ông ấy gặp trong Lãnh sự quán đã biến thành một cuộc ẩu đả, dẫn tới cái chết của ông”. Các nhà chức trách Riyadh cũng cho hay cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và ít nhất 18 công dân Saudi Arabia có liên quan đã bị bắt. Cơ quan này cũng xác nhận Trợ lý Hoàng gia Saud Al Qahtani và Phó Giám đốc Tình báo Saudi Ahmed Asiri đã bị cách chức trong ngày 20/10. Tuy nhiên, lời giải thích này của Riyadh không thỏa đáng và các thông tin liên quan khác như diễn biến vụ ẩu đả và thi thể của ông Jamal ở đâu chưa được tiết lộ.
Sự thừa nhận của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo diễn ra khoảng 3 tuần sau khi các đồng minh phương Tây gia tăng sức ép, yêu cầu nước này đưa ra lời giải thích chính thức.
Một ngày sau, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Saudi Arabia giấu tên cho biết những chi tiết khác với lời giải thích trước đó. Vị quan chức này nói rằng Saudi Arabia muốn thuyết phục Jamal về nước. Nhà báo này đã sang Mỹ một năm trước vì sợ bị trả thù do thường xuyên chỉ trích chính quyền. Để thực hiện kế hoạch, Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Saudi Arabia Ahmed al-Asiri đã điều nhóm 15 người đều xuất thân từ lực lượng an ninh và tình báo tới Istanbul gặp Jamal tại Lãnh sự quán. Kế hoạch ban đầu là nhóm này sẽ đưa Jamal tới một ngôi nhà ở ngoại ô Istanbul và sẽ để ông đi nếu ông vẫn từ chối về nước.
Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như kế hoạch khi nhóm này hành xử vượt quá mệnh lệnh và sử dụng vũ lực. Ông được đưa tới văn phòng của Tổng Lãnh sự. Tại đây, một đặc vụ tên Maher Mutreb đã thuyết phục Jamal về nước song bị ông từ chối và còn dọa rằng có người đang chờ ông bên ngoài, và rằng người đó sẽ gọi điện cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông không trở ra. Hatice Cengiz, vị hôn thê của Jamal, từng cho hay ông đã đưa cho bà hai điện thoại di động, nói bà chờ ở ngoài và dặn nếu không thấy ông ra thì liên lạc với một trợ lý của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong lúc đôi co, do Jamal to tiếng, nên cả nhóm hoảng sợ, lao vào khống chế, kẹp cổ và bịt miệng ông. Vị quan chức nói: “Họ cố ngăn ông ấy gào to nhưng ông ấy đã chết. Mục đích ban đầu không phải là giết hại Jamal”.
Nguồn tin cũng cho hay, để phi tang, họ đã cuộn thi thể Jamal bằng tấm thảm và đưa ra ngoài bằng xe của Lãnh sự quán, rồi giao thi thể cho một tòng phạm người địa phương xử lý. Trong khi chuyên gia pháp y Salah Tubaigy, một trong 15 người, tìm cách xóa dấu vết thì đặc vụ Mustafa Madani mặc đồ của Jamal và rời Lãnh sự quán bằng cửa sau, tạo chứng cứ nhà báo đã ra về. Sau đó, họ viết báo cáo giả, khẳng định họ đã để Jamal về khi ông dọa rằng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ có thể liên quan tới sự việc.
Tuy nhiên, “lời giải thích” mới này vẫn không logic. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Saudi Arabia cần cử nhiều đặc vụ và chuyên gia pháp y như vậy tới Thổ Nhĩ Kỳ nếu mục đích chỉ là thuyết phục Jamal về nước? Thậm chí, theo Sky News, Tổng thống Mỹ Trump hôm 23/10 còn nói rằng vụ sát hại nhà báo Jamal là hành vi “che đậy kém nhất trong lịch sử”. Trả lời phóng viên tại Phòng Bầu dục về vụ sát hại nhà báo, ông Trump nói: “Họ có ý tưởng ban đầu rất dở. Vụ việc được triển khai rất tệ và… là một trong những sự che đậy kém nhất trong lịch sử các vụ che giấu”.
Nhà báo Saudi Arabia mất tích Jamal Khashoggi. (Nguồn: ABC News) |
Những hệ lụy khôn lường
Thực tế cho thấy, Saudi Arabia càng gỡ, càng rối hơn. Ban đầu Riyadh khăng khăng nhà báo Jamal đã rời Lãnh sự quán, song sau đó nói đang điều tra sự mất tích của ông, rồi giờ lại thừa nhận nhà báo này đã chết trong một vụ “ẩu đả” với các quan chức trong Lãnh sự quán… Phản ứng chậm và thiếu logic, cộng với những thông tin rò rỉ về chi tiết ghê rợn liên quan đến cáo buộc ông Jamal bị tra tấn dã man đã làm mất uy tín của Saudi Arabia ở Trung Đông và làm hoen ố danh tiếng của Thái tử Mohammed bin Salman vốn được coi là một người cải tổ và hiện đại hóa nước này. Vụ án nhanh chóng gây ra sự hoài nghi và làm dấy lên sự phẫn nộ trên khắp thế giới, khiến vương quốc vùng Vịnh này rơi vào cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.
Ở Trung Đông, phát biểu trước Quốc hội ngày 23/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã mô tả cái chết của nhà báo Jamal là một vụ giết người man rợ được lên kế hoạch kỹ càng. Nhà lãnh đạo này đồng thời tuyên bố không chấp nhận lời giải thích ban đầu của Saudi Arabia nói rằng cái chết của nhà báo Jamal bắt nguồn từ “một vụ ẩu đả”. Ông cũng nhấn mạnh, quyền miễn trừ ngoại giao không phải là “lá chắn” cho tội giết người, đồng thời cho rằng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao không cho phép làm điều đó. Ông cũng yêu cầu 18 đối tượng tình nghi mà Saudi Arabia đã bắt giữ cần bị đưa ra xét xử tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi tội ác diễn ra.
Mặc dù tuyên bố sẽ tiết lộ “sự thật trần trụi” vụ sát hại nhà báo, nhưng đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang thực hiện chiến lược đưa tin nhỏ giọt để thu hút sự chú ý của thế giới. Mối quan hệ giữa Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hiện ở trong tình huống rất đặc biệt. Mỹ và Saudi Arabia là đồng minh chiến lược của nhau. Tổng thống Trump thậm chí còn coi Saudi Arabia là đồng minh quan trọng nhất và chiến lược nhất của Mỹ. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng mắc mớ xảy ra trên đất Thổ Nhĩ Kỳ làm cơ hội hóa giải mối bất hòa với Mỹ trước kia, đồng thời gia tăng thế của mình trước Saudi Arabia.
Rộng ra quốc tế, theo Reuters, Mỹ và phương Tây đang lưỡng lự trong cách ứng phó vụ việc trên vì những mối quan hệ kinh doanh béo bở với Saudi Arabia, mặc dù về mặt đạo lý, họ phải lên án hành động sát hại nhà báo bất đồng chính kiến của Riyadh. Nguồn tin của CNN tiết lộ Tổng thống Trump sẽ phải có biện pháp, có thể là trừng phạt Saudi Arabia trước sức ép của cộng đồng quốc tế, mặc dù vẫn cân nhắc vai trò của Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, hay là một đồng minh của Mỹ nhằm đối đầu với Iran và các chiến binh Hồi giáo cũng như là khách hàng vũ khí lớn của Mỹ.
Các nhà bình luận chính trị cho rằng, nước Mỹ sẽ lợi đơn, lợi kép. Ông Trump sẽ đặc biệt khai thác tác dụng của nó trên 2 phương diện: Thứ nhất là phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Hoạt động đối ngoại như thế có tác dụng rất to lớn đối với việc thực hiện những mưu tính về đối nội. Thứ hai là cảnh báo và răn đe tất cả đồng minh, đối tác cũng như địch thủ khác của Mỹ trên thế giới. Thông điệp của ông Trump chỉ có thể là khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, là công cụ và phương cách của ông để định nghĩa, cũng như thực hiện lợi ích cho nước Mỹ và nhất quán tuyệt đối chứ không tuỳ vào đối tượng là đồng minh, đối tác hay địch thủ.
EU cũng lên tiếng rất gay gắt. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini kêu gọi mở cuộc điều tra sâu rộng về cái chết đầy bất ngờ của nhà báo Jamal và yêu cầu sự giải trình đầy đủ của những người có trách nhiệm. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng cần có thêm các cuộc điều tra. Trong khi đó, Đức cân nhắc ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Berlin không nên phê chuẩn các thương vụ bán vũ khí cho Riyadh cho đến khi hoàn tất điều tra. Đây là sự đảo ngược quyết định hồi tháng trước của Berlin cho phép bán các hệ thống pháo cho Riyadh... Ngay cả Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) diễn ra tại Riyadh từ 23-25/10 cũng được cho là sẽ kém thành công hơn năm ngoái do Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong-kim từ chối tham dự và một loạt công ty tuyên bố rút lui trong lúc đợi kết quả điều tra vụ nhà báo Jamal mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ, Guardian đưa tin...
Trước mắt, để làm dịu căng thẳng, phát biểu sau cuộc họp do Quốc vương Saudi Arabia Salman chủ trì ngày 23/10, Nội các nước này cam kết sẽ mạnh tay với những kẻ đứng sau vụ giết hại nhà báo Jamal. Song giới quan sát nhận định, những diễn biến gần đây của vụ nhà báo bị sát hại đang đẩy Saudi Arabia vào tình thế khó khăn và chịu nhiều áp lực không chỉ từ sự quay lưng cộng đồng quốc tế mà còn tiềm tàng những sứt mẻ trong mối thân tình đồng minh bấy lâu với Mỹ, thậm chí có thể phải hứng chịu những lệnh cấm vận “không phải dạng vừa” nếu những cáo buộc là có căn cứ.
Ông Jamal Khashoggi, 59 tuổi, nhà báo người Saudi Arabia cộng tác với tờ WP, đã sang Mỹ từ năm ngoái do sợ bị trả thù vì bất đồng quan điểm với chính quyền. Ngày 2/10, ông vào Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul để làm thủ tục đăng ký kết hôn với vị hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không thấy trở ra. Ngày 20/10, chính quyền Saudi Arabia thừa nhận nhà báo Jamal đã thiệt mạng sau một vụ ẩu đả với một số người ngay trong tòa nhà Tổng lãnh sự. Nhóm người này được cho là thân tín của Thái tử Saudi Arabia. Hiện có thông tin đã tìm thấy thi thể của nhà báo bị sát hại. Đài Sky News hôm 23/10 dẫn nguồn tin cho biết thi thể bị cắt lìa và khuôn mặt bị biến dạng của nhà báo bị sát hại đã được tìm thấy trong vườn của tư dinh Tổng Lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul. Trước đó, hôm 22/10, lãnh đạo đảng Yêu nước Dân tộc cánh tả của Thổ Nhĩ Kỳ Dogu Perincek cũng nói rằng thi thể của ông Jamal được tìm thấy trong một cái giếng ở tư dinh Tổng lãnh sự Saudi Arabia. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 23/10 nói với các nhà lập pháp ở Ankara rằng thi thể của nhà báo Jamal vẫn chưa được tìm thấy, đồng thời ông yêu cầu giới chức Saudi Arabia tiết lộ địa điểm. |