Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Vanity Fair, lãnh đạo Hamas - Khalid Meshal - cho biết, hệ thống địa đạo của Hamas là một cấu trúc đặc biệt để phòng thủ, đối đầu với các loại vũ khí quân sự hùng mạnh của Israel. Đồng thời, các đường hầm này giúp Hamas xâm nhập lãnh thổ Israel trong trường hợp Tel Aviv tiến hành chiến dịch nhắm vào Gaza. Lãnh đạo Hamas nhấn mạnh, các đường hầm dưới lòng đất chính là biểu tượng cho quyền tự vệ của người Palestine ở Dải Gaza.
Bản đồ IDF hiển thị hệ thống đường hầm ngầm Hamas nằm dưới nhiều khu vực khác nhau của Dải Gaza, được chia theo khu vực. (Nguồn: IDF) |
Lợi thế trong lòng đất
Hệ thống địa đạo bắt đầu được Hamas xây dựng từ giữa những năm 1990, khi Israel bắt đầu trao quyền quản lý Gaza cho người Palestine theo Hiệp định Oslo. Mục đích ban đầu của những địa đạo này là vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào Dải Gaza mà không bị hệ thống giám sát hiện đại của Tel Aviv phát hiện trong bối cảnh Dải Gaza bị Israel phong tỏa. Hệ thống đường hầm, đặc biệt là các địa đạo cho mục đích quân sự bắt đầu được phát triển mạnh kể từ khi Phong trào giải phóng Hamas nắm quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza từ năm 2007.
Israel gọi hệ thống đường hầm của Hamas là “Metro của Gaza”. Theo tính toán của Israel, kể từ 2007, Hamas đã xây dựng hơn 1.300 đường hầm với chi phí khoảng 1,25 tỷ USD chuyển đổi từ nguồn quỹ được phân bổ cho cơ sở hạ tầng công cộng ở Gaza và các nguồn khác không thể xác định.
Gần đây, Hamas chi khoảng 30-90 triệu USD/năm, đổ 600.000 tấn bê tông và có thể đã sở hữu 32 hệ thống các đường hầm với tổng chiều dài lên tới 480 km. Hamas đã sử dụng búa khoan điện và máy nén khí để đào đường hầm với tốc độ 4-5 mét/ngày.
Các đường hầm được đào sâu từ 18-25m, thậm chí có chỗ còn sâu trên 35 m dưới lòng đất. Trước khi chiến sự bùng phát, Hamas thuê gần 900 thợ đào hầm làm việc suốt ngày đêm, 2 hoặc 3 ca/ngày với mức lương từ 150-300 USD/tháng...
Theo tờ Sunday Telegraph, một số đường hầm của Hamas có chi phí xây dựng ước tính lên tới 3 triệu USD. Nguồn tài chính để Hamas xây dựng hệ thống địa đạo được lấy từ nhiều nguồn, trong đó, chủ yếu là hỗ trợ từ các nước láng giềng, phần lớn đến từ Iran.
Theo ông Eado Hecht, nhà phân tích quốc phòng Israel chuyên về chiến tranh trong lòng đất, “có các loại đường hầm khác nhau tồn tại bên dưới Gaza cho các mục đích khác nhau. Có đường hầm dùng để trao đổi các loại hàng hóa giữa Gaza và Ai Cập, từ thuốc lá, vũ khí đến nhiên liệu, vật nuôi, và thậm chí cả ô tô... Đường hầm cũng là hệ thống phòng thủ bên trong của Gaza, đặt các trung tâm chỉ huy, xưởng sản xuất, kho chứa vũ khí, đồng thời phát động các cuộc tấn công xuyên biên giới, bắt và giam giữ các con tin...
Ông Eado Hecht tiết lộ, hình ảnh bên trong đường hầm mới được Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) phát hiện cho thấy, có những chỗ rất nhỏ hẹp, không đủ rộng để một tay súng có thể đứng thẳng. Nhưng có những đường hầm rộng, thoáng, được chiếu sáng và thông gió rất tốt, các chiến binh Hamas có thể mang theo vũ khí, thiết bị quân sự và có thể di chuyển một cách dễ dàng.
Một trong những đường hầm “hoành tráng” như thế là đường hầm gần Kibbutz Ein Hashlosha, Hamas đã mất hai năm để xây dựng với 800 tấn bê tông đúc thành 25.000 tấm bê tông. Đường hầm này được trang bị hệ thống điện, kho chứa thực phẩm, nước uống, bánh quy, sữa chua và các vật dụng khác để có thể duy trì sinh hoạt cho hàng trăm người sống trong đó tới vài tháng.
Theo Foreign Policy, Chánh văn phòng lực lượng Hamas Ismail Haniyeh từ năm 2021 đã “khoe” rằng, mạng lưới đường hầm của Hamas ở Gaza đã lên tới 500 km và vẫn tiếp tục được phát triển. Chi phí xây dựng đường hầm tương đối rẻ. Theo một báo cáo năm 2014 về kết quả của chiến dịch “Dải phòng vệ” của Israel, ước tính chi phí trung bình làm một đường hầm dài khoảng hơn 100 m ở Gaza vào khoảng 100.000 USD trong khoảng ba tháng. Chi phí này chỉ bằng giá một quả tên lửa đánh chặn Tamir trong hệ thống “Vòm sắt” của Israel.
Metro của Gaza
Kỹ thuật xây dựng đường hầm quân sự ở Gaza được Hamas phát triển trong cuộc xung đột Israel - Gaza năm 2014 để bí mật kết nối với Ai Cập. Các đường hầm từ Ai Cập vào Israel được xây dựng dựa theo kinh nghiệm của Rafah, chuyên gia đào đường hầm để vận chuyển hàng cấm trong nhiều năm vào Gaza. Ông Rafah đã được lãnh đạo phong trào Hamas Ismail Haniya mô tả là “đại diện cho một chiến lược mới” của lực lượng này.
Theo Foreign Policy, về kỹ thuật xây dựng, Hamas đồng thời cũng nhận được sự huấn luyện từ lực lượng Hezbollah của Lebanon. Mạng lưới đường hầm của Hezbollah được coi là một trong những hệ thống tiên tiến và rộng lớn nhất trên thế giới, được mô phỏng theo hệ thống địa đạo của Triều Tiên chạy bên dưới khu phi quân sự với Hàn Quốc.
Hệ thống đường hầm ở Gaza thường được đào xuyên qua lớp đất cát, do đó, đòi hỏi mái phải được nâng đỡ bởi một loại đất sét bền hơn hoặc các tấm bê tông được sản xuất ngay tại các xưởng liền kề với đường hầm. Việc xây dựng và sử dụng các đường hầm khá nguy hiểm, theo nguồn tin từ Israel, 22 thành viên Hamas đã thiệt mạng trong các vụ thi công đường hầm vào năm 2017.
Theo cơ quan tình báo Israel, nhiều đường hầm được xây dựng cách đây hơn 30 năm với mục đích ban đầu là vượt qua các chốt kiểm soát của quân đội Israel và Ai Cập để đưa hàng hóa từ bên ngoài vào Dải Gaza. Khi xung đột Hamas và Israel nổ ra, các đường hầm này được sử dụng để đặt chất nổ bên dưới các vị trí đồn trú của lực lượng IDF đóng quân ở Dải Gaza.
Tháng 6/2006, các chiến binh Hamas đã sử dụng đường hầm tấn công một chốt quân sự của Israel, giết chết hai và bắt sống một binh sĩ Israel. Chiến dịch diễn ra chỉ trong sáu phút, nhưng hệ lụy dai dẳng mãi về sau. Sau khi bị giam giữ 5 năm, người lính Israel bị bắt giữ năm 2006 đã được đưa ra trao đổi lấy 1.000 tù nhân Palestine. Cuộc tấn công ngày 7/10 vào lãnh thổ Israel của Hamas khiến hàng trăm người thiệt mạng đã châm ngòi xung đột mới giữa hai bên.
Hệ thống đường hầm ở Gaza như những mê cung dưới lòng đất. Ảnh minh họa. (Nguồn: Anadolu Agency) |
Bài toán hóc búa cho Israel
Để đối phó với hệ thống “Metro của Gaza”, từ năm 2017, Israel đã chi hơn 1 tỷ USD xây dựng một phát triển hệ thống rào chắn ngầm dọc theo biên giới dài 60km ngăn lãnh thổ Israel với Dải Gaza. Israel cũng đổ hàng trăm triệu USD vào hệ thống cảm biến hiện đại nhằm phát hiện hoạt động xây dựng các công trình ngầm mới. Những biện pháp này đã được Israel đặt cho cái tên là Iron Wall (Tường sắt) và Iron Spade (Xẻng sắt), nhằm biến lãnh thổ nước này trở thành khu vực “bất khả xâm phạm”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quốc gia có trụ sở tại Tel Aviv, các cảm biến trong hệ thống không thể hoạt động hoàn hảo, vì chúng không thể phát hiện các đường hầm nhánh, nhiều khúc ngoặt. Ngoài ra, thiết bị còn nhầm lẫn tại các giao lộ, điểm giao cắt rất phức tạp và được ngụy trang khéo léo. Quân đội Israel cũng sử dụng robot để kiểm tra và phát hiện các đường hầm để giảm thiểu rủi ro và nguy hiểm nhưng không mấy phát huy tác dụng.
Bởi thế, mặc dù Israel có mạng lưới tình báo hàng đầu thế giới, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện và đánh sập đường hầm của Hamas. Những đợt không kích kéo dài hàng tuần qua đều không tỏ ra hiệu quả. Đó là lý do quân đội Israel phải trực tiếp đổ bộ vào Dải Gaza nhằm phá hủy hệ thống các đường hầm bí mật này của Hamas. Tuy nhiên, lối vào các đường hầm này cũng được bố trí để rất khó phát hiện, ẩn náu trong các tòa nhà dân sự hoặc nhiều cơ sở công cộng khác.
Trong khi đó, quân đội Israel sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Hamas đồn trú trong các đường hầm bởi họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ví dụ như kính nhìn đêm, vốn phụ thuộc vào nguồn sáng xung quanh, cũng như các thiết bị định vị và liên lạc sẽ không hoạt động trong môi trường sâu dưới lòng đất.
Theo Reuters, trong chiến dịch năm 2014, IDF cho biết đã phát hiện và vô hiệu hóa một số đường hầm ở Gaza, trong đó có 14 đường hầm xuyên sang lãnh thổ Israel. Năm 2021, Israel tuyên bố đã phá hủy 100km đường hầm bên dưới Gaza... Song Hamas cho rằng, nếu đúng như vậy, thì cũng chỉ là 20% trong hệ thống địa đạo dài 500km của họ.
Để khắc phục, quân đội Israel thiết lập các đơn vị chuyên biệt tìm kiếm và phá hủy các đường hầm, chó nghiệp vụ đặc biệt cũng như các robot đặc chủng... Tuy nhiên, theo nhà phân tích John Spencer từ Viện Chiến tranh hiện đại West Point (Mỹ), sẽ không có giải pháp hoàn hảo nào cho vấn đề mà lực lượng Israel phải đối mặt nếu họ quyết định phát động cuộc tấn công trên bộ vào Gaza. Độ sâu và quy mô của các đường hầm ở Gaza đã vượt quá khả năng chuyên môn của IDF và đó chính là “cơn ác mộng” của Israel.