Kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Shutterstock) |
Tuy nhiên, những bước tiến “thần tốc” ban đầu của quân đội Nga đã sớm bị quân đội Ukraine - được tổ chức lại sau một số thất bại ban đầu - chặn lại. Tuy chưa giành được thắng lợi lớn nào trước quân đội Nga hay lấy lại được một phần lãnh thổ đã mất, nhưng việc “cầm cự” được tới thời điểm này được coi là một “thắng lợi” đối với quân đội Ukraine. Và xung đột giờ đây cũng khó đoán định như khi nó mới bắt đầu nổ ra.
Cục diện hiện nay
Trong khoảng ba tháng qua, diễn biến xung đột nhìn chung vẫn ở thế giằng co. Sau khi chiếm được Kherson và toàn tỉnh Luhansk, Nga đã dồn sức sang tỉnh Donetsk nhưng mới chỉ chiếm được khoảng 60% tỉnh này. Các hướng tiến công khác ở mặt trận miền Đông cũng không có nhiều tiến triển. Cùng lúc đó, Nga vẫn duy trì việc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu và hạ tầng quân sự trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Ngược lại, phía Ukraine, với sự hỗ trợ của vũ khí của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là các dàn phóng tên lửa tầm xa HIMARS, đã tấn công trả đũa vào một số kho đạn, căn cứ hậu cần và tuyến tiếp tế của Nga. Điều này đã làm giảm đáng kể khả năng đánh nhanh và mở rộng xung đột của Nga. Diễn biến hiện nay cho ta thấy một số khả năng sau:
Một là, cả Nga và Ukraine có thể đã chịu những tổn thất quân sự nặng nề. Nga gặp khó khăn về huy động binh lính, thiếu nguồn bổ sung đạn dược nên khó tiến hành chiến dịch quy mô lớn. Ngược lại, về phía Ukraine, mặc dù có sự trợ giúp vũ khí hiện đại của phương Tây, nhưng họ cũng chưa đủ sức để làm chủ các vũ khí này cũng như huy động đủ binh lực để giành chiến thắng trước quân Nga. Do đó, cả hai bên hiện đang tập trung vào xung đột tiêu hao sinh lực của nhau.
Hai là, có thể phía Nga vẫn còn lực, nhưng họ không muốn dồn hết sức, mà để dành binh sĩ, đạn dược chuẩn bị cho một xung đột dài hơi hơn. Trước mắt, Nga có thể chờ mùa đông đến khi Ukraine gặp khó khăn về thời tiết và hậu cần thì lúc đó Nga mới tiến hành phản công và ra đòn quyết định.
Nhìn xa hơn, Nga không chỉ tiến hành xung đột quân sự ở Ukraine, mà đang tiến hành một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ và phương Tây. Nga biết rằng họ đang nắm giữ lợi thế là con bài năng lượng trong tay. Nếu như họ có thể duy trì được xung đột qua suốt mùa Đông này, thì họ có thể kết hợp cùng con bài năng lượng để gây sức ép hoặc chia rẽ khối liên minh phương Tây chống Nga. Tuy mùa Đông chưa đến và lúc này Nga mới chỉ cung cấp khí đốt cầm chừng cho châu Âu, giá khí đốt ở châu lục đã cao hơn 10 lần cùng thời điểm năm ngoái. Chắc chắn giá khí đốt sẽ không dừng lại ở đó, mà tiếp tục tăng phi mã, tác động trực tiếp và làm đảo lộn nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân châu Âu.
Tác động của xung đột
Mỗi ngày qua đi, là một ngày các khó khăn và gánh nặng của xung đột lại đè nặng lên người dân Nga, Ukraine, Mỹ, phương Tây và cả thế giới.
Về mặt kinh tế, từ dự báo kinh tế thế giới hồi đầu năm nay về sự phục hồi khả quan sau đại dịch, nay IMF và WB liên tục đưa ra các điều chỉnh theo hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. GDP của Nga dự báo sẽ giảm từ 10% đến 12% trong năm nay, trong khi nền kinh tế Ukraine ở vào trạng thái rơi tự do. Kinh tế Mỹ thực tế đã rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Về mặt xã hội, ảnh hưởng kinh tế, đặc biệt là giá nguyên nhiên liệu, sinh hoạt phí tăng cùng hiện tượng lạm phát phi mã, đã gây ra các bất ổn tiềm tàng trong xã hội các nước. Hiện nay, sự ủng hộ đối với xung đột trong dân chúng Nga và Ukraine khá cao, như 82% dân chúng Nga ủng hộ Tổng thống Putin, còn 94% người Ukraine ủng hộ Tổng thống Zelensky.
Tuy nhiên, sự ủng hộ này sẽ khó có thể giữ được lâu dài nếu xung đột kéo dài và cuộc sống của người dân hai nước cũng ngày càng chật vật thêm. Ở bên ngoài, khó khăn kinh tế do tác động của xung đột và lạm phát là một trong những nguyên nhân chính khiến uy tín của Tổng thống Biden xuống thấp nhất so với các đời Tổng thống Mỹ kể từ sau Thế chiến II đến nay.
Sự ra đi của các Thủ tướng Anh và Italy gần đây đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là kinh tế. Và chắc chắn, đây chưa phải là những chính phủ phương Tây cuối cùng “rũ áo” ra đi vì xung đột Nga-Ukraine.
Về mặt ngoại giao, xung đột đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế quốc tế của Nga ở châu Âu và trên thế giới. Và cũng do xung đột này, nên cuộc đối đầu về ngoại giao giữa Nga với Mỹ và phương Tây diễn ra hết sức khốc liệt tại các diễn đàn quốc tế lớn, như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hợp quốc; tại Diễn đàn G20; WTO hay các cuộc đàm phán P5 + 1 về vấn đề hạt nhân của Iran.
Về mặt quân sự, thực tế trên chiến trường trong sáu tháng qua cho thấy, xung đột Nga-Ukraine còn là nơi thử nghiệm, trình diễn các loại vũ khí và công nghệ quốc phòng mới nhất của Mỹ, các nước phương Tây và Nga. Chắc chắn sau xung đột này sẽ có nhiều hệ thống vũ khí mới ra đời, nhiều bản hợp đồng buôn bán vũ khí tỷ USD được ký kết.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những bất ổn về an ninh xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine đã và đang bắt đầu tạo ra một làn sóng chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu với tổng chi cho ngân sách quốc phòng năm 2022 đạt mức kỷ lục mọi thời đại là 2.113 tỷ USD. Điều đáng buồn là, số tiền chi tiêu tăng thêm cho quốc phòng đáng ra có thể được sử dụng cho nhu cầu phục hồi kinh tế và cải thiện phúc lợi của người dân trên toàn thế giới sau đại dịch Covid-19.
Cơ hội cho hòa bình?
Ngay khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra ngày 24/2 năm nay, hai bên vẫn tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó có sự tác động của Mỹ và một số nước phương Tây đối với Ukraine, nên các cuộc đàm phán này thất bại. Từ đó đến nay, hai bên không tiến hành thêm các cuộc đàm phán ngoại giao nào nữa.
Nhưng điều này không có nghĩa là các cơ hội đàm phán hòa bình, chấm dứt xung đột đã hết. Ngày 22/7 vừa qua, Bộ trưởng của hai nước đã ký Thỏa thuận tại Ankara về việc Nga đồng ý và cùng Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an ninh cho các tàu chở hàng xuất khẩu lương thực xuất phát từ cảng Odessa của Ukraine. Thỏa thuận này được ký kết với sự chứng kiến của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Mặc dù không liên quan trực tiếp, nhưng thỏa thuận này mở ra tia hy vọng là tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán, thương lượng trong tương lai để chấm dứt xung đột.
Một cơ hội khác để các bên liên quan là Nga với Mỹ và các nước phương Tây có thể ngồi lại với nhau để bàn thảo các vấn đề liên quan đến xung đột, đó là việc Nga vừa mới đây khẳng định Tổng thống Putin sẽ đến Bali, Indonesia, dự Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 14-15/11.
Nếu Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác của phương Tây cũng đến dự thì đây là lần đầu tiên kể từ sau ngày 24/2 năm nay có một hội nghị cấp cao có sự tham dự của cả Tổng thống Nga với Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây. Biết đâu, cơ hội mới cho hòa bình cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)