📞

Yemen trượt sâu vào bất ổn

16:19 | 20/12/2016
Khủng hoảng chính trị đang biến Yemen trở thành "đất hứa" cho các tổ chức khủng bố trong khu vực, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại đây.

Liên tiếp các vụ đánh bom liều chết

Ngày 18/12, tại thành phố cảng Aden, miền Nam Yemen, đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết nhằm vào đám đông binh sĩ khiến 49 binh sĩ thiệt mạng và hơn 39 binh sĩ khác bị thương. Tất cả các binh sĩ thiệt mạng là tân binh thuộc lực lượng an ninh đặc nhiệm tại tỉnh Aden.

Theo giới chức quân sự Yemen, kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt thiết bị nổ giữa đám đông binh sĩ đang tập trung để chờ lĩnh lương bên ngoài một căn cứ ở phía Đông Bắc Aden. Lực lượng an ninh Yemen đã phong tỏa khu vực hiện trường, trong khi xe cứu thương và xe cảnh sát đưa các binh sĩ thiệt mạng và bị thương đến các bệnh viện trong thành phố.

Hiện trường vụ đánh bom ở căn cứ ở Aden, Yemen ngày 18/12. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/12, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom liều chết này. Vụ tấn công trên xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi một vụ đánh bom liều chết tương tự, do phiến quân IS ở Yemen tiến hành tại một căn cứ quân sự gần sân bay quốc tế Aden, khiến 50 binh sĩ thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.

Thành phố cảng Aden là nơi đặt trụ sở của chính phủ Yemen. Tại đây đã xảy ra nhiều vụ đánh bom khủng bố và tấn công vũ trang nhằm vào các quan chức và lực lượng an ninh.

Bất ổn triền miên

Yemen là một quốc gia nhỏ với diện tích 527.970 km2 và có khoảng hơn 26 triệu dân. Cộng đồng dân cư Yemen bao người hồi giáo dòng Sunni (chiếm 55%) và dòng Shiite (chiếm 42%) cùng một số cộng đồng tôn giáo khác như Thiên chúa, Hindu và Do Thái.

Yemen là quốc gia duy nhất có tỉ lệ người Shiite và Sunni gần ngang nhau. Điều này cũng phần nào lý giải về tình trạng bất ổn của Yemen kéo dài suốt thập kỉ qua giữa Chính phủ Trung ương Yemen và người dân dòng Shiite ở miền Bắc, tiêu biểu là cuộc chiến giữa hai miền Bắc - Nam giữa thập niên 1990 và từ năm 2004 là cuộc xung đột giữa quân chính phủ và phe vũ trang Houthi.

Các tay súng phiến quân Houthi ở Yemen. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, xét về vị trí địa lý, Yemen là một trong những vùng đất chiến lược nối liền các bờ biển liền kề của vịnh Persic và bán đảo Ả rập. Khu vực này nằm dọc bên sườn phía Nam của Saudi Arabia và Oman, vốn là những khu vực bảo hộ sống còn của Mỹ. Nơi đây có tầm nhìn trực tiếp ra biển Bab el-Mandab, chia cắt giữa châu Á với châu Phi.

Eo biển Bab el-Mandab là nút thắt cổ chai giữa vùng sừng châu Phi và Trung Đông, nối liền Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Đây là tuyến thương mại quốc tế huyết mạch và cũng là vùng biển luôn chịu nạn hành hoành của hải tặc. Việc kiểm soát eo biển này từ lâu là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ từ Saudi Arabia đến các nước nhập khẩu lớn trên thế giới. Ngoài vị thế địa chính trị quan trọng, Yemen còn là một trong những nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú. Vì vậy, Yemen cũng luôn là một miếng đất bị các thế lực nước ngoài liên tục nhòm ngó.

Tổng thống Ali Abdullah Saleh nắm quyền từ năm 1978 khi Yemen vẫn còn bị chia đôi. Năm 1990, khi hai miền Nam - Bắc thống nhất, ông Saleh tiếp tục được bầu làm Tổng thống qua các đợt tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, dù là một quốc gia thống nhất, Yemen vẫn phải giải quyết những phong trào đòi ly khai. Ở miền Nam có Phong trào Nam Yemen của những người muốn đòi quay trở lại tình trạng Bắc - Nam như trước năm 1990. Ở Tây Bắc là lực lượng Houthi (thuộc bộ tộc Shiite) phát triển mạnh mẽ từ năm 2004 với mục tiêu chống lại chính quyền Trung ương.

Trong hơn 30 năm cầm quyền của Tổng thống Saleh, với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, Yemen là một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình và là nước nghèo nhất trong 7 quốc gia nằm ở bán đảo Ả rập. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ở mức cao với hơn một nửa dân số có thu nhập dưới 2 USD/ngày. Tỷ lệ thất nghiệp nhiều năm ở mức trên 30%. Không tự chủ được lương thực, Yemen nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu thế giới phải nhập khẩu lúa mì. Đặc biệt là vấn nạn tham nhũng kéo dài nhiều năm nhưng không được khắc phục.

Những tồn tại này cùng với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, giá cả lương thực không ngừng tăng lên và biểu tình lan rộng trước khả năng hiến pháp sửa đổi nhằm cho phép Tổng thống được nắm quyền trọn đời, đã góp phần tạo ra phong trào biểu tình chống chính phủ, yêu cầu Tổng thống Saleh từ chức. Xung đột đã nổ ra.

Điểm nóng an ninh tại Trung Đông

Trong một nỗ lực làm dịu tình hình, cách đây 5 năm, ngày 8/11/2011, các quan chức đảng Đại hội nhân dân toàn quốc (GPC) cầm quyền tại Yemen cho biết Sáng kiến giải quyết khủng hoảng do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất sẽ được ký trong vài ngày sau đó.

Nhưng phải đến 3 tháng sau, ngày 27/2/2012, Tổng thống Saleh chấp nhận từ chức, chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi và thành lập một chính phủ do phe đối lập lãnh đạo, theo sáng kiến của GCC. Song sự ra đi của Tổng thống Saleh cũng không vãn hồi được hòa bình cho quốc gia nghèo nhất thế giới Ả rập này.

An ninh càng trở nên bất ổn sau khi lực lượng Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống Hadi đương nhiệm phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.

Thậm chí, ngày 14/8 năm nay, Quốc hội Yemen cho phép một hội đồng điều hành đất nước do lực lượng Houthi lãnh đạo tuyên thệ nhậm chức. Hội đồng này đóng vai trò như một chính phủ đối đầu với chính quyền được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi.

Trong khi đó, để bảo vệ chính phủ của Tổng thống Hadi, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành những cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.

Cảnh đổ nát ở thủ đô Sanaa sau một trận không kích của liên quân Ả rập do Saudi Arabia dẫn đầu. (Nguồn: The Guardian)

Cuộc xung đột kéo dài gần hai năm qua ở Yemen đã khiến 6.900 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hàng triệu người khác đang cần viện trợ khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.

Không chỉ có vậy, một số tổ chức khủng bố đã lợi dụng tình trạng bất ổn ở Yemen nói riêng và nhiều khu vực khác ở Trung Đông và Bắc Phi nói chung để tìm kiếm vũ khí, phát triển lực lượng, tiến hành các hoạt động khủng bố, tạo dựng hành lang an toàn cho mạng lưới của chúng.

Trong chuyến thăm Saudi Arabia tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận với lãnh đạo các nước vùng Vịnh nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Yemen. Ông Kerry cảnh báo, cuộc xung đột kéo dài gần hai năm qua, trong đó Saudi Arabia đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích để hỗ trợ chính phủ lưu vong của Yemen, đã đi quá xa và cần phải chấm dứt. Trong chuyến công du này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố sáng kiến hòa bình mới cho Yemen, theo đó, sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, rút các lực lượng khỏi thủ đô Sanaa và các khu vực khác, đồng thời chuyển tất cả vũ khí hạng nặng từ nhóm Houthi cùng các lực lượng đồng minh cho một bên thứ ba.

Với con số thương vong lên tới hàng nghìn người trong cuộc xung đột kéo dài gần hai năm qua, Yemen đang trở thành một điểm nóng đáng chú ý trên bản đồ an ninh khu vực. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường khi thực tế cuộc xung đột ở Yemen được cho là có sự can thiệp từ bên ngoài. Sự ủng hộ công khai của Saudi Arabia đối với chính phủ đương nhiệm Yemen và những cáo buộc về việc Iran hậu thuẫn lực lượng nổi dậy Houthi khiến tình hình trở nên phức tạp.

Các nhà phân tích cho rằng, chìa khóa an ninh ở Yemen thực sự nằm trong tay lực lượng nào vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Nếu không thể tìm ra được giải pháp hòa bình, cuộc xung đột có thể khiến quốc gia này chìm sâu vào bất ổn.

(theo Al-Monitor)