📞

5 nhà lãnh đạo có thể hưởng lợi từ Tổng thống đắc cử Donald Trump

03:03 | 13/11/2016
Việc ông trùm bất động sản Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng không hẳn là thảm họa cho quan hệ quốc tế của nước Mỹ như nhiều lời đồn thổi.

Trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, những dự báo về chính sách đối ngoại của Mỹ dường như đã trải qua một cuộc khủng hoảng thực sự vì lo ngại về khả năng ông Donald Trump đắc cử. Hầu hết các chuyên gia đều cảnh báo rằng sẽ là một thảm họa với các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ nếu vị tỷ phú bất động sản đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Thậm chí, các nhà ngoại giao từ Mexico đến Hàn Quốc đều đồng loạt bày tỏ “báo động” trước viễn cảnh ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Giờ đây, khi điều đó đã trở thành hiện thực, không phải tất cả các nước đều đang chuẩn bị đối đầu với ông Trump. Vì nhiều lý do từ thực dụng đến hoài nghi, không loại trừ khả năng nhiều nhà lãnh đạo sẽ hợp tác và thậm chí là chào đón Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Tạp chí The Atlantic đã đánh giá và dự báo 5 nhà lãnh đạo dưới đây có thể hưởng lợi từ việc ông Trump đắc cử.

Nhiều nhà lãnh đạo sẽ hợp tác và chào đón Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Nguồn: Getty)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Trong một chuyến đi đến Mumbai (Ấn Độ) không lâu sau khi cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2014 diễn ra, ông Trump khi đó với tư cách là đại diện một tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ đã từng diện kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tại cuộc gặp, ông Trump từng ca ngợi tài lãnh đạo của Thủ tướng Modi và dự đoán rằng “tiền sẽ đổ vào Ấn Độ”. “Ấn Độ đang làm rất tuyệt”, ông Trump bày tỏ.

Gạt yếu tố xã giao sang một bên, xét về mặt thực tế, quan hệ thương mại hiện tại giữa Ấn Độ và Mỹ nếu có được sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Trump sẽ là một “món hời”. Những tuyên bố chống Hồi giáo của ông Trump có thể sẽ cản trở các hợp đồng của nhiều nhà sản xuất vũ khí của Mỹ trong khi Ấn Độ đang là một thị trường giàu tiềm năng. Mặt khác, nhằm đối phó với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh, ông Trump cũng sẽ cần ủng hộ New Delhi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại California, Mỹ. (Nguồn: The Atlantic)

Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Donald Trump chắc chắn sẽ có một cách tiếp cận khác với Pakistan, một đồng minh lâu năm của Mỹ nhưng lại là một cựu thù với Ấn Độ. Ông Trump từng tuyên bố rằng Pakistan là “quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới sau Iran”. Ngược lại hoàn toàn, đối thủ của ông Trump - bà Clinton - thì từng nhiều lần tới Pakistan khi còn là Ngoại trưởng Mỹ nhằm giữ một mối quan hệ tốt đẹp với Pakistan dưới thời Tổng thống Obama.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi

Hầu hết các nhà lãnh đạo của các quốc gia Hồi giáo có khả năng sẽ xa lánh ông Trump vì những phát ngôn chỉ trích người Hồi giáo của ông, nhưng có lẽ Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi không nằm trong số này. Một nhà lãnh đạo đang tìm cách tái khẳng định quyền kiểm soát quân sự sau cuộc cách mạng Ai Cập có thể là một đối tác sẵn sàng bắt tay với Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. (Nguồn: Indexoncensorship).

Trong khi bà Clinton từng tuyên bố không đồng ý với quyết định của ông Obama nhằm quay lưng với đồng minh lâu năm của Mỹ là cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, người bị lật đổ trong cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011, thì ông Trump lại bày tỏ sự ủng hộ của mình cho chính phủ mới ở Ai Cập.

Ông Trump từng nhận định cuộc cách mạng mùa xuân Arab là một thất bại và cuộc biểu tình chống lại sự hợp nhất quân đội Ai Cập sau cuộc cách mạng là một "cuộc đảo chính". Rõ ràng, Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi có thể tìm thấy điểm chung với ông Trump trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Ai Cập.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Trong quan hệ giữa Mỹ với Israel thì vấn đề phụ thuộc nhiều vào phía Israel hơn. Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng có xích mích với phe Dân chủ hồi đầu năm 2015 (thời điểm bà Clinton đang đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ) do Tổng thống Obama từ chối gặp ông Netanyahu dẫn tới việc Thủ tướng Israel phải hủy chuyến thăm tới Mỹ. Đây cũng là một trong những lý do khiến ông Trump từng công kích Tổng thống Obama.

Ông Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp hồi tháng 9. (Nguồn: CNN)

Về phần ông Trump, rõ ràng ông đứng về phe với cộng đồng người Do Thái Mỹ trong suốt quá trình tranh cử. Ngoài việc dùng những lời có cánh như “nhà lãnh đạo tuyệt vời” để khen Thủ tướng Netanyahu hay hứa sẽ di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến "thủ đô vĩnh viễn của người Do Thái" là Jerusalem, ông Trump từng tuyên bố ủng hộ nhà nước Do Thái Israel và cam kết trung lập trong các cuộc hòa đàm.

Trong bối cảnh hiện nay, khi ông Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ, quan hệ tốt đẹp với ông Trump sẽ là một con bài có lợi cho vị Thủ tướng Israel trong việc đối phó Iran. Một câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra là: Liệu ông Netanyahu có thể có  mối quan hệ tốt với Tổng thống đắc cử Trump? Ít nhất nó cũng không thể tồi tệ hơn mối quan hệ của ông Netanyahu với Tổng thống Obama.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa

Tổng thống Ecuador Rafael Correa. (Nguồn: PanAm Post)

Mặc dù các quốc gia Mỹ Latinh có vẻ không mấy “mặn mà” trong việc ủng hộ cho một ông trùm cánh hữu Mỹ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay khi mà cả Cuba cũng đã “mở cửa” với Mỹ, có thể thấy các nước Mỹ Latinh đang cần sự hỗ trợ “càng nhiều càng tốt” từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Tổng thống Ecuador Rafael Correa bày tỏ tin tưởng rằng ông Trump có thể làm bùng lại ngọn lửa ý thức hệ tại Ecuador.

"Chúng tôi thậm chí có thể thấy xu hướng tiến bộ đang ngày một gia tăng ở đây", ông Rafael Correa nhấn mạnh. Theo vị Tổng thống Ecuador, chiến thắng của tỷ phú Trump sẽ có ảnh hưởng tích cực đến đất nước Nam Mỹ này.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Như ông Trump từng nói, thế hệ quyền lực thứ ba của Triều Tiên “có thể là một gã điên nhưng có tài lãnh đạo giỏi”. Nếu có thể nhìn xa hơn những lời lẽ có phần khiếm nhã của ông Trump, có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thấy sự xem xét nghiêm túc các cam kết an ninh mới của Mỹ ở châu Á.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Nguồn: Skynews)

Thêm vào đó, ông Trump còn từng nhiều lần phàn nàn về việc bảo lãnh quân sự của Mỹ với đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc là không công bằng và mang tính một chiều.

“Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản chưa chắc đã có thể giúp chúng ta", ông Trump nhấn mạnh. Tương tự với Hàn Quốc, theo quan điểm của Trump, Seoul phải trả tiền cho sự hiện diện quân sự của Washington.

"Công bằng mà nói, họ giàu có nhờ chúng ta. Chúng ta đang bảo vệ họ chống lại Triều Tiên, chúng ta đang làm không công cho họ", ông Trump từng lập luận.

Với quan điểm mới mẻ này của ông Trump, có thể Bình Nhưỡng cũng nên xem xét lại việc chào đón một vị tổng thống Mỹ, người có thể gây dựng một hệ thống đồng minh mới của Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới của mình.

 

(theo The Atlantic)