📞

5 từ khóa định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc

21:48 | 06/01/2017
Bước vào năm 2017, Trung Quốc sẽ khởi động một hành trình ngoại giao mới của mình với phần còn lại của thế giới. 

Dưới đây là 5 từ khóa được dự đoán có thể định hình các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2017.

Chủ trì

Hai hội nghị nổi bật trong số hàng loạt hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong năm 2017, đó là Diễn đàn cấp cao về Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) lần thứ 9. Sau hội nghị APEC năm 2014, lễ diễu binh 2015 đánh dấu kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít thế giới và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2016, Trung Quốc tiếp tục trở thành một điểm đến vào năm 2017.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9/2016. (Nguồn: Xinhua)

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013 với mục đích xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng và thương mại kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi dọc theo các tuyến đường thương mại của Con đường Tơ lụa cũ. Sáng kiến này đã thu hút được sự ủng hộ từ hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế trên toàn thế giới. Ruan Zongze, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận xét: “Việc tổ chức một diễn đàn cấp cao sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về sáng kiến này và giúp nó được thực thi rộng rãi hơn”.

Trong khi đó, các lãnh đạo từ các nước BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ gặp gỡ vào tháng 9 tới tại Hạ Môn, thành phố biển ở Đông Nam Trung Quốc, để tập trung thảo luận về hợp tác kinh tế và cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong thập kỷ vừa qua, các nước BRICS đã đóng góp 50% vào tăng trưởng GDP toàn cầu. Giới phân tích cho biết Trung Quốc hướng tới mục tiêu tăng cường sự tin cậy của khối để tiếp tục dẫn đầu các nền kinh tế phát triển.

Donald Trump

Trong bối cảnh ông Donald Trump sắp chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, hiện vẫn chưa rõ mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ dưới thời chính quyền Washington mới. Chuyên gia Ruan nhận định: “Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc tới đây sẽ là nhân tố lớn nhất làm thay đổi mối quan hệ Trung-Mỹ”. Theo ông Ruan, mặc dù có thể loại bỏ các khả năng xảy ra đối đầu toàn diện, song sự xáo động tạm thời trong quan hệ song phương vào năm 2017 là điều khó tránh khỏi.

Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc tới đây sẽ là nhân tố lớn nhất làm thay đổi mối quan hệ Trung-Mỹ. (Nguồn: Hong Kong Free Press)

Quản trị

Dự báo năm nay Trung Quốc sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong công tác quản trị toàn cầu thông qua việc tham gia vào các Diễn đàn Kinh tế Thế giới, G20, APEC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải... Giới phân tích cho rằng sự đổi mới, cải cách cơ cấu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, những mục tiêu chính mà Trung Quốc đề ra trong chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2016, sẽ tiếp tục được định hình cho hội nghị vào năm 2017 tại Đức, thể hiện sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Sau sự kiện Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), chiến thắng của Donald Trump và tiếp đến là các cuộc tổng tuyển cử tại Đức, Pháp và Hà Lan, tình trạng chống toàn cầu hóa tới đây, chủ nghĩa bảo hộ và dân túy đang nổi lên, khiến tương lai của toàn cầu hóa trở nên khó đoán định. Là một nước kiên định ủng hộ sự toàn cầu hóa, Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực giành vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này. Thông qua Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa, Trung Quốc hy vọng có thể hợp tác được với nhiều quốc gia và cùng nhau chia sẻ các cơ hội để tăng trưởng.

Trung Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ dưới thời tân Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và củng cố vai trò trung tâm của LHQ trong hòa bình và an ninh thế giới. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cũng sẽ đóng một vai trò nhất định trong các vấn đề nóng của quốc tế.

Láng giềng

Liên quan đến mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, Hàn Quốc và tình hình hình trên Bán đảo Triều Tiên là hai vấn đề quan trọng đối với chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc và Philippines đã cải thiện quan hệ song phương sau phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về vấn đề Biển Đông và nhiều quốc gia khác cũng đã nhận thức được rằng đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết các tranh chấp.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên khó đoán định và những rối loạn chính trị đang tiếp diễn tại Hàn Quốc sau vụ bê bối của Tổng thống Park Geun-hye cũng đã khiến tình hình khu vực trở nên phức tạp hơn. Kiên định với chủ trương phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình ổn định tại khu vực này, Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa vấn đề trở lại bàn đàm phán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 24. (Nguồn: Xinhua)

CPC

Sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2017, Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), sẽ được diễn ra theo đúng lịch trình vào nửa cuối năm nay nhằm vạch ra tương lai phát triển của đất nước. Bất cứ điều gì được đưa ra tại hội nghị sẽ đều có tầm quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong 5 năm tới đây. 

(theo THX)