📞

6 cuộc bầu cử đáng trông đợi năm 2017

07:00 | 14/01/2017
Năm 2016 gây bất ngờ bởi kết quả của các cuộc bầu cử, bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Năm 2017 liệu có tương tự? Dưới đây là 6 cuộc bầu cử được dự báo sẽ có những tác động quan trọng đến tình hình thế giới trong năm nay.

Bầu cử Liên bang Đức (tháng 9 hoặc 10)

Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại châu Âu. Mặc dù bị chỉ trích gay gắt về chính sách nhập cư và sự suy yếu của Liên minh châu Âu (EU), bà Angela Merkel vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ 4.

Kể từ khi giữ chức Thủ tướng Đức năm 2005, bà Merkel đã ghi nhiều dấu ấn cá nhân trong nền chính trị và kinh tế châu Âu. Mười một năm qua, bà đã thúc đẩy các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng Euro, đón hơn 1 triệu người tị nạn đến Đức và dẫn đầu nỗ lực châu Âu nhằm đối phó với một nước Nga ngày càng quyết đoán.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Merkel vẫn dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ của người dân Đức. Dù vậy, bài học từ cuộc bầu cử Mỹ 2016 cho thấy trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy ngày một gia tăng, bà Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) có khả năng sẽ thua cuộc vì những hệ lụy từ chính sách mở cửa với người nhập cư. Đặc biệt, sự nổi lên của đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với tư tưởng chống người nhập cư, chống Hồi giáo, sẽ là mối đe dọa lớn đối với bà Merkel và đảng cầm quyền.

Bởi vậy, nếu muốn tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Merkel buộc phải thay đổi những chính sách hiện tại để lấy lại lòng tin từ cử tri nước này. Nếu bà Merkel để thua trong cuộc bầu cử năm nay, đây sẽ là đòn đánh nặng nề vào EU cũng như trật tự thế giới tự do ở phương Tây.

Bầu cử Tổng thống Pháp (vòng 1 vào ngày 23/4, vòng 2 vào ngày 7/5)

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Pháp, được Nhật báo Les Echos công bố mới đây, cựu Thủ tướng Francois Fillon, đại diện cho phe cánh hữu và trung hữu, vẫn là ứng cử viên số 1 cho vị trí Tổng thống Pháp, song khoảng cách giữa ông với lãnh đạo đảng cựu hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen đã thu hẹp, còn 2-4%, tùy theo kịch bản.

Bà Marine Le Pen tự tin tuyên bố sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp và: “Thời của nhà nước dân tộc đã trở lại”. Bà Le Pen từng cam kết nếu đắc cử Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017, bà sẽ lập tức tiến hành thảo luận với ban lãnh đạo EU ở Brussels về hàng loạt vấn đề chủ quyền quốc gia, kể cả vấn đề đồng tiền chung châu Âu. Trong trường hợp nỗ lực này thất bại, bà sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc bỏ phiếu ủng hộ Pháp rời khỏi EU.

Một người phụ nữ Iran đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Iran năm 2016. (Nguồn: Reuters)

Nếu điều này thực sự xảy ra, chiến thắng của bà Le Pen sẽ thay đổi hoàn toàn nền chính trị nước Pháp, tiếp thêm sinh lực cho các cánh hữu ở những nơi khác của châu Âu và đe dọa đến nền tảng thống nhất của EU.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 (tháng 10 hoặc 11)

Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2017, nhằm vạch ra tương lai phát triển của nước này. Bất cứ điều gì được đưa ra tại Đại hội sẽ đều có tầm quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong 5 năm tới.

Đại hội này sẽ bầu lại 24 thành viên thuộc Bộ Chính trị và 9 thành viên thuộc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Lần thay đổi nhân sự này dự kiến sẽ đáng kể vì nhiều thành viên đương nhiệm của hai cơ quan này đã đến tuổi nghỉ hưu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc sau ông Mao Trạch Đông. Theo các chuyên gia quốc tế, ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách củng cố quyền lực của mình tại Đại hội Đảng lần thứ 19 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến năm 2022.

Bầu cử Tổng thống của Hàn Quốc (20/12 hoặc có thể sớm hơn)

Vụ bê bối chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil đã khiến tương lai của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 trở nên hỗn loạn.

Hiện bà Park Geun-hye đang bị đình chỉ chức vụ và trong quá trình chờ luận tội. Nếu Tòa Hiến pháp Hàn Quốc đồng ý phế truất Tổng thống, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày sau đó. Thậm chí, nếu Tòa án khẳng định bà Park vô tội, Hiến pháp Hàn Quốc vẫn không cho phép bà tái tranh cử.

Hiện nay, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon được cho là ứng cử viên hàng đầu của đảng cầm quyền Saenuri trong cuộc đua vào Nhà Xanh. Tuy nhiên, kể từ khi vụ bê bối của bà Park Geun-hye nổ ra, uy tín của đảng Saenuri đã bị giảm sút. Trong khi đó, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ (DPK), đảng đối lập chính của Hàn Quốc, Moon Jae-in lại đang có xu thế vượt lên trong các cuộc thăm dò bầu cử Tổng thống. Ngoài ra, ông Lee Jae-myung, thị trưởng thành phố Seongnam đồng thời là người có biệt danh “Donald Trump của Hàn Quốc”, với quan điểm hướng về chủ nghĩa dân túy, cũng đang giành được nhiều sự ủng hộ (xếp thứ 3 sau ông Ban Ki-Moon và ông Moon Jae-in).

Mặc dù vẫn còn gần một năm nữa mới diễn ra nhưng cuộc đua làm chủ Nhà Xanh vẫn có thể nhìn trước nhiều thăng trầm.

Bầu cử Tổng thống Iran (19/5)

Kết quả bầu cử sẽ định hình chính sách ngoại giao của Iran trong tương lai và sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến Trung Đông cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Bốn năm qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã để lại nhiều dấu ấn đối với Iran, đặc biệt là thông qua thỏa thuận hạt nhân của nước này với Mỹ và năm cường quốc khác, giải phóng Iran khỏi nhiều biện pháp trừng phạt. Mặc dù vậy, ông Hassan Rouhani cũng đang phải chịu nhiều áp lực chỉ trích từ các chính trị gia có quan điểm đối lập. Và nếu thỏa thuận hạt nhân bị Tổng thống Mỹ Donald Trump loại bỏ như đã cam kết, việc tái đắc cử của Tổng thống Rouhani sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, nền kinh tế Iran vẫn đang bước đi chập chững do việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt chưa tạo ra kết quả hữu hình.

Dẫu vậy, cho đến nay, ông Hassan Rouhani vẫn chưa có những đối thủ thật sự “xứng tầm” và khả năng cao là ông có thể tiếp tục giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2.

Tổng tuyển cử Thái Lan (cuối năm 2017)

Năm 2014, chính quyền quân sự Thái Lan đã lật đổ chính phủ được bầu trong nỗ lực xoa dịu đất nước bị chia rẽ hơn một thập kỷ xung đột giữa phe bảo hoàng do quân đội hậu thuẫn và các lực lượng chính trị dân túy. Quân đội Thái Lan đã tiến hành 12 cuộc đảo chính thành công kể từ năm 1932.

Sự kiện Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 13/10 năm ngoái đã làm dấy lên câu hỏi liệu cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia này có bị trì hoãn hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền quân sự Thái Lan cho biết vẫn tiếp tục kế hoạch bầu cử vào cuối năm 2017.

Bước tiếp theo trong quá trình đưa Thái Lan quay lại chế độ điều hành dân chủ là Quốc vương mới lên ngôi Maha Vajiralongkorn sẽ phê chuẩn Hiến pháp đã được thông qua trong cuộc trưng cầu năm ngoái. 

Cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ giúp khôi phục dân chủ sau cuộc đảo chính năm 2014, đồng thời sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên được thực hiện dựa trên Hiến pháp mới. Mặc dù vậy, con đường đến với cuộc tổng tuyển cử còn khá xa xôi bởi theo quy định của Hiến pháp mới, 10 đạo luật phát sinh phải được hoàn tất trong vòng 8 tháng sau khi Hiến pháp được ban hành. Trong số các đạo luật này có 4 đạo luật quan trọng là luật về đảng chính trị, luật bầu cử hạ nghị sỹ, bổ nhiệm thượng nghị sỹ và lập Ủy ban Bầu cử. Khi các luật này được hoàn tất, chính phủ mới có thể thông báo về việc tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 5 tháng sau đó. Các nhà phân tích cho rằng các quy định trong Hiến pháp mới sẽ vẫn cho phép quân đội nắm giữ quyền lực ngay cả sau khi bầu cử.

(theo CFR)