📞

7 xu hướng của phương tiện truyền thông (Kỳ 1)

06:00 | 22/02/2016
Vận mệnh của báo in, truyền hình và phát thanh trong cuộc cách mạng Internet với sự lên ngôi của mạng xã hội sẽ ra sao?  

Elaine C. Kamarck, nghiên cứu viên cao cấp và Ashley Gabrielse, trợ lý nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings (Mỹ) đã viết một bài nghiên cứu đăng tải trên trang web của Viện Brookings nhằm phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Báo Thế giới & Việt Nam lược dịch bài nghiên cứu:

Twitter; Tumblr; Facebook; Digg; MySpace và BuzzFeed. Từng đó cái tên cũng đủ làm cho đầu óc của chúng ta quay cuồng.

Giống như mọi cuộc cách mạng công nghệ thông tin, tác động của cuộc cách mạng Internet đối với xã hội đã được một số người đón nhận bằng thái độ bi quan, trong khi một số khác lại tỏ ra lạc quan. Điều này được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực báo chí và truyền thông đa phương tiện.

Ví dụ, Thông điệp Liên bang năm 2015 của Tổng thống Mỹ Obama có lượng khán giả truyền hình xem ít nhất so với những năm trước đó. Tuy nhiên, số lượng bình luận trực tiếp về sự kiện này trên Facebook và Twitter tương đối lớn. Việc truyền tin trực tuyến từ Nhà Trắng, bao gồm các đồ thị, biểu đồ và những dữ liệu được thiết kế tỉ mỉ đã giúp người xem dễ dàng chia sẻ Thông điệp qua mạng xã hội.

Liệu có phải người dân ít quan tâm tới Thông điệp và có ít người xem bài phát biểu của Tổng thống Obama qua tivi? Hay họ đang quan tâm tới Thông điệp nhiều hơn bằng cách tương tác với người khác về bài phát biểu trên mạng xã hội?

Có bảy xu hướng của các loại hình truyền thông đa phương tiện truyền thống và hiện đại, bao gồm: Báo in đã lỗi thời; tin thời sự “gặp khó”; truyền hình và phát thanh vẫn giữ vị trí quan trọng; thông tin mang tính kỹ thuật số; phương tiện truyền thông xã hội tạo điều kiện cho thông tin lan truyền rộng rãi; đối với thế hệ trẻ, thông tin được truyền tải qua hài kịch.

Lượng báo phát hành báo in đang sụt giảm. (Nguồn: Washington Examiner)

Báo in đã lỗi thời

Việc báo in dần trở nên lỗi thời không phải quá bất ngờ. Lượng báo in phát hành đang sụt giảm. Số người đọc báo in ít hơn so với những năm trước mặc dù dân số tăng lên trong 70 năm qua. Theo Hiệp hội báo chí Mỹ, trong những năm 1940, hơn một phần ba dân số Mỹ đặt báo hàng ngày. Cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, lượng độc giả báo in đã giảm một nửa - xuống dưới 15%.

Phát hành giảm mạnh dẫn tới số lượng các tờ báo cũng giảm. Năm 1945, Mỹ có 1.749 tờ báo, thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 1.331 tờ. Nếu tính theo bình quân đầu người, xu hướng giảm này còn rõ ràng hơn. Số lượng tờ báo ít, song phải đáp ứng dân số lớn hơn nhiều.

Sự giảm sút lượng báo in và phát hành không hẳn đồng nghĩa với sự suy giảm số người đọc báo, vì nhiều người lựa chọn đọc báo trên máy tính hoặc các thiết bị di động thay vì đọc báo in. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ một dự án của Trung tâm nghiên cứu ​​Pew (Mỹ), việc đọc báo chủ yếu vẫn là đối với báo in.

Các số liệu từ dự án của Trung tâm Pew cho thấy, đối với các tờ báo hàng đầu, lượng độc giả đọc phiên bản online giúp cải thiện đáng kể số lượng phát hành báo in. Các nhà nghiên cứu giải thích nguyên nhân của thực tế này nằm ở vấn đề thời gian. Trung bình một lần truy cập trang web của tờ The New York Times và các ứng dụng liên quan trong tháng 1/2015 chỉ kéo dài 4,6 phút, và đây là mức cao nhất trong số 25 tờ báo hàng đầu thế giới. Hầu hết độc giả ghé thăm trang báo trực tuyến chỉ đọc lướt, hoặc họ truy cập thông qua một đường dẫn trên một trang mạng xã hội hoặc được gửi qua email. Khi được hỏi về việc này, nhiều người Mỹ không xem đây là hình thức "đọc báo" mà chỉ đơn giản là lướt qua một bài báo trực tuyến.

Xu hướng này đang diễn ra trên diện rộng. Người Mỹ ngày nay có học thức ngày càng cao, nhưng sự suy giảm đọc báo diễn ra ở tất cả các trình độ văn hóa bao gồm cả những người có học thức cao nhất. Ở một mức độ nhất định, thông tin chỉ đơn giản là chuyển từ dạng thức này sang dạng thức khác, song có thể nói tất cả người Mỹ tiêu thụ ít thông tin hơn họ đã từng làm trước đây. Điều này có tác động đến việc kinh doanh thông tin và khía cạnh việc làm.

Sự giảm sút lượng tờ báo in và phát hành không hẳn đồng nghĩa với sự suy giảm số người đọc báo vì nhiều người lựa chọn đọc báo trên máy tính hoặc các thiết bị di động thay vì đọc báo in.
Mạng xã hội trở nên phổ biến. (Nguồn: Reuters)

Tin thời sự “gặp khó”

Trong khi tác động của sự sụt giảm phát hành báo in tới việc tiếp nhận thông tin của người dân là một đề tài gây tranh cãi, thì ảnh hưởng của việc giảm phát hành tới doanh thu và lực lượng trực tiếp sản xuất tin bài lại là điều không cần bàn luận.

Trước tiên là xu hướng giảm đáng kể của doanh thu quảng cáo. Doanh thu từ kênh kỹ thuật số chưa bù đắp được khoản thiệt hại doanh thu do suy giảm phát hành báo in.

Sự sụt giảm doanh thu quảng cáo làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu truyền thông đa phương tiện trong thời đại thông tin có thể tìm thấy một mô hình kinh doanh hiệu quả cho mình hay không. Ngoài lượng quảng cáo ít ỏi, nhiều tờ báo đã cố gắng thiết lập mô hình thu phí truy cập (paywall) để có thêm chút thu nhập từ độc giả trực tuyến.

Nhưng hoạt động này không phải lúc nào cũng mang lại thành công. Một số tờ báo sau khi thử áp dụng hình thức này một vài tuần đã nhận ra lượng độc giả của mình giảm xuống và sau đó chủ tờ báo phải gỡ bỏ paywall. Song có một số chứng cứ cho thấy phần lớn báo chí chính thống đang “sống tốt” chính nhờ những paywall. Trong một bài báo trên nguyệt san The Washington, tác giả John Heltman chia sẻ rằng báo chí trả tiền cung cấp những thông tin quan trọng về Chính phủ. Độc giả của các ấn phẩm này là những nhà vận động hành lang, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhân viên Quốc hội Mỹ, thương nhân phố Wall, các nhà nghiên cứu, cố vấn, nhà thầu, nhà quản lý, các nhóm vận động chính sách và những người chuyên theo dõi chính sách... Họ là những người quan tâm đặc biệt đối với thông tin cập nhật từng giây về các vấn đề chính sách. Tổ chức của họ có đủ khả năng chi trả tiền đặt báo lên đến hàng ngàn USD mỗi năm.

Thứ hai, nhiều nhà báo từng làm việc cho các tờ báo đại chúng đang có xu hướng chuyển sang làm việc cho các chuyên san. Lý do là bởi sự sụt giảm mạnh mẽ doanh thu quảng cáo của các tờ báo phổ thông tác động trực tiếp tới cuộc sống của những người làm báo. Theo Hội Biên tập viên báo chí Mỹ, nhân lực trong các tòa soạn năm 1978 là 43.000 người, đến năm 2015 con số này giảm còn 32.900 người.

Thực tế này càng rõ ràng nếu đặt trong tương quan dân số. Lượng người được tuyển vào vị trí phóng viên giảm theo bình quân đầu người. Hiện nay, nước Mỹ chỉ còn một nửa số phóng viên so với gần bốn thập kỷ trước.

Từ thực tế trên, nhiều người băn khoăn ai sẽ là người thu thập thông tin thời sự để truyền tải tới công chúng. Trong khi đó, Internet một phần giúp cho mọi người có thể bày tỏ ý kiến ​​của mình một cách rộng rãi nhưng đồng thời nó cũng khiến độc giả bối rối. Việc thiếu những người trung gian mang tính trung lập như các phóng viên, kiểm duyệt viên và biên tập viên khiến độc giả gặp phải khó khăn trong việc suy xét độ tin cậy của tin tức.

Năm 2009, Howard Schneider, cựu biên tập viên của tờ Newsday xây dựng một chương trình "xóa mù thông tin" tại Đại học Stony Brook ở Long Island, New York. Mục đích của chương trình là dạy cho thế hệ trẻ cách đọc và hiểu tin tức trong thời đại mà những "người gác cổng" của truyền thông truyền thống đang mai một nhanh chóng. Giáo sư James Klurfeld viết: "Theo thời gian, những ‘người gác cổng’ đã được thay thế đôi khi bằng các thuật toán hay sự sáng suốt của công chúng khi họ thống kê số lượt 'thích' (like). Lượt ‘thích’ không ngừng tăng rất dễ bị đánh đồng với độ phổ biến và độ tin cậy của thông tin". 

(Còn nữa)

(theo Brookings)