Cuộc tấn công bất ngờ
Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii, Mỹ. Hải cảng nước sâu này nằm ở phía Tây thành phố Honolulu trên đảo O'ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương. Do nằm ở vị trí đắc địa, Trân Châu Cảng sớm được người Mỹ sử dụng làm căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương.
Trân Châu Cảng những năm 40 của thế kỷ XX. (Nguồn: European Security) |
Từ căn cứ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ có thể khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bằng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân của hạm đội. Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm.
Nhưng 7h55 phút ngày 7/12/1941, một buổi sáng yên tĩnh, khi lính Mỹ trong cảng đang ngủ say sau một tối thứ Bảy vui vẻ, nơi đây bất ngờ bị 374 chiếc máy bay Nhật tấn công.
Cuộc tấn công kéo dài 90 phút đã để lại hậu quả là gần 2.400 binh sỹ và thủy thủ Mỹ thiệt mạng, hơn 1.000 người khác bị thương, 18 tàu chiến lớn bị đánh chìm và thiệt hại nặng, 232 máy bay chiến đấu của Mỹ đỗ tại sân bay bị phá hủy.
Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ hơn, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm nhỏ, cộng thêm 65 người thiệt mạng.
Các máy bay của Mỹ tại Trân Châu Cảng bị phá hủy. (Nguồn: Business Insider) |
Với thắng lợi tại Trân Châu Cảng, hải quân Nhật đã loại ra khỏi vòng chiến đấu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Nhật đánh chiếm nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và làm chủ vùng biển châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Còn với Mỹ, ngày này bị Tổng thống đương thời Franklin D. Roosevelt gọi là “ngày ô nhục”. Giới quân sự nước ngoài cho rằng, trận Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác, không sẵn sàng chiến đấu và chủ quan khinh địch của Mỹ. Về mặt công tác tình báo, Nhật Bản đã chuẩn bị cho trận đánh trong nhiều năm và chuẩn bị tác chiến mọi mặt trong hơn 11 tháng để giành chiến thắng cho một trận đánh có ý nghĩa chiến lược lớn.
Ngay sau sự kiện Trân Châu Cảng, Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật Bản và cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Á - Thái Bình Dương bùng nổ. Trong khi đó, về phía Nhật, đến năm 1945, vào thời điểm nước Nhật đã sức tàn lực kiệt, bại trận là không tránh khỏ. Sau đó, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để tàn phá nước Nhật. Đó được xem là sự phục thù của Mỹ cho trận Trân Châu Cảng. Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc khi Nhật Bản chính thức đầu hàng vào ngày 2/9/1945.
Chấm dứt bóng ma chiến tranh
75 năm sau thời khắc kinh hoàng đó, Trân Châu Cảng ngày nay vẫn hoạt động bình thường. Những chiếc tàu chiến, hàng không mẫu hạm vẫn ra vào cảng. Nhưng ở những vị trí các chiến hạm bị đánh chìm trước đây, người ta dựng lên những bia tưởng niệm là những khối bê-tông trắng. Nơi chiến hạm USS Arizona bị đánh chìm là một tòa nhà bê-tông, phần trang trọng nhất trên đó đặt tấm bia cẩm thạch khổng lồ ghi danh 1.177 thủy thủ đã chìm theo con tàu xuống đáy vịnh.
Nhà tưởng niệm các thủy thủ thiệt mạng trên chiến hạm USS Arizona. (Nguồn: Robertshawaii) |
75 năm sau, quan hệ Mỹ và Nhật Bản cũng dần thay đổi. Sau khi quân đồng minh rút khỏi Nhật Bản tháng 4/1952, mối quan hệ Mỹ - Nhật được đánh giá là bình đẳng hơn. Ngày 19/1/1960, hai nước Mỹ - Nhật đã ký hiệp ước đồng minh thân thiện và từ đó đến nay, Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Đông Á.
Bước sang thế kỷ XXI, chính quyền Mỹ đã có sự điều chỉnh chiến lược theo hướng coi trọng và ưu tiên hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, muốn tăng cường hiện diện để chủ động can dự nhiều hơn vào diễn biến ở khu vực này. Chiến lược này được các nhà phân tích đánh giá là nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với chiến lược này của Mỹ, Nhật Bản trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng.
Trong khi đó, đối với Nhật Bản, khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ đồng nghĩa với việc tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ siêu cường số một thế giới. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề an ninh và duy trì cân bằng chiến lược của Nhật Bản mà còn để nước này nuôi dưỡng một mục tiêu lớn hơn. Đó là việc sau bao nhiêu năm khẳng định vị trí của một cường quốc kinh tế, Nhật Bản đang nỗ lực trở thành cường quốc chính trị. Là một trong những quốc gia kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc (LHQ) mạnh mẽ nhất, Nhật Bản muốn có tiếng nói trọng lượng hơn trong cuộc chơi toàn cầu bằng chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Đa số người Mỹ đều ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Mới đây, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật tiếp tục được củng cố và thắt chặt thông qua chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Barack Obama (vào tháng 5/2016). Đáng chú ý trong chuyến thăm này là việc ông Obama đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản trong vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki cách đây 71 năm. Sự hiện diện của ông chủ Nhà Trắng tại Hiroshima trong chuyến thăm này chính là một bước đi mang tính biểu tượng quan trọng mà nhiều người Nhật Bản mong đợi từ lâu. Chuyến viếng thăm không chỉ là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với người dân Nhật Bản mà quan trọng hơn là góp phần củng cố hơn nữa liên minh Mỹ - Nhật.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử Hiroshima. (Nguồn: Reuters) |
Nhân kỷ niệm 75 năm trận Trân Châu Cảng, theo dự kiến, ngày 26 và 27/12 tới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Trân Châu Cảng cùng Tổng thống Barack Obama để “an ủi linh hồn” những người đã mất trong cuộc tập kích bất ngờ của Nhật cách đây 75 năm.
Phát biểu trước các phóng viên, Thủ tướng Abe nhấn mạnh quyết tâm chấm dứt bóng ma khủng khiếp của chiến tranh giữa hai quốc gia từng đối đầu trong Chiến tranh thế giới thứ Hai nhưng giờ là đồng minh thân cận. Ông Abe khẳng định: “Tôi muốn cho thế giới thấy những nỗ lực giải quyết vấn đề, để những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến khi xưa không còn bao giờ được lặp lại một lần nào nữa”.
Đáp lại, Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo sẽ chứng minh sức mạnh của tinh thần hòa giải, thứ đã biến những quốc gia cựu thù của nhau thành những đồng minh gần gũi, gắn bó với nhau bởi những lợi ích và giá trị chung”.