📞

Aleppo không phải là Rwanda thứ hai

11:01 | 23/12/2016
Đây là bài phân tích được đăng tải mới đây trên tạp chí National Interest (Mỹ) của tác giả Matt Purple, Phó Tổng biên tập tạp chí này, báo TG&VN xin được giới thiệu đến độc giả. 

Tuần trước, lực lượng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo của Syria. Tình trạng của thành phố này khá tiêu điều, giống như các nhà quan sát đã lo ngại, ngay cả khi các cuộc di tản đang diễn ra. Nỗi thống khổ mà dân thường ở đây phải chịu đựng đã khiến nhiều người gọi Syria là nạn diệt chủng Rwanda, như nhận xét hồi tháng 10/2016 của một đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ).

Giống mà cũng khác

Có thể thấy, nếu so sánh với nạn diệt chủng Rwanda thì số người thiệt mạng ở Syrua cũng không hề thua kém. Các vụ giết người hàng loạt đã tàn phá Rwanda vào năm 1994 và cướp đi sinh mạng của khoảng 800.000 người trong 3 tháng. Còn cuộc nội chiến Syria trong hơn 5 năm qua ước tính cũng lấy đi sinh mạng của khoảng 500.000 người.

Sự tiêu điều của Aleppo khiến nhiều người gọi Syria là nạn diệt chủng Rwanda. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, nạn diệt chủng ở Rwanda diễn ra trong bối cảnh một cuộc nội chiến và nó không phải là một cuộc xung đột do các phe phái hay tư tưởng mà ra. Rwanda đã trở thành nạn nhân vô căn cứ của nạn giết người giữa các nhóm sắc tộc, nạn thảm sát có hệ thống của những người Hutu theo chủ nghĩa cực đoan và người Hutu ôn hòa.

Lý do chính khiến hãng truyền hình PBS làm một bộ phim tài liệu mang tên "Những bóng ma ở Rwanda" và nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng của LHQ Roméo Dallaire đặt tên cho tác phẩm của mình “Bắt tay với tử thần” là những vụ thảm sát quá đột ngột, không thể giải thích và báo hiệu một tình trạng hỗn loạn lan rộng... Điều này khiến ở Rwanda xảy ra một cuộc nội chiến đặc biệt, không lối thoát.

So sánh với những “Rwanda khác”

Nếu lấy Rwanda làm tiêu chuẩn so sánh thì trên thế giới đã có nhiều "Rwanda khác". Trên thực tế, ở châu Phi có rất nhiều cuộc chiến tương tự như nạn diệt chủng này nhưng hầu hết đều bị bỏ qua.

Cuộc nội chiến Congo lần thứ nhất, bắt đầu sau cuộc di cư của người Rwanda, đã chứng kiến rất nhiều cuộc diệt chủng ở phía Đông của nước này, làm Congo bất ổn và gợi nhớ đến nạn diệt chủng Rwanda khi hàng trăm nghìn người bị giết hại chỉ trong vòng 7 tháng. Cuộc chiến tranh Congo lần thứ hai bắt đầu một năm sau đó vào năm 1998, số người chết được Ủy ban Cứu hộ Quốc tế ước tính khoảng từ 3-7,6 triệu người, khiến cuộc chiến này trở thành cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Quốc gia Trung Phi này hiện vẫn chìm trong một cuộc nội chiến giữa phiến quân Hồi giáo Seleka và lực lượng dân quân Kitô giáo, hậu quả là gần 1 triệu người phải di cư và một nửa đất nước cần viện trợ.

Nếu tìm kiếm một cuộc chiến tranh hiện nay ngang tầm với Rwanda thì cuộc nội chiến ở Nam Sudan sẽ làm người ta "ớn lạnh đến tận xương". Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, đã được thành lập nhằm bảo vệ người Kitô chống lại nạn diệt chủng do Chính phủ Sudan ở phía Bắc gây ra. Tuy nhiên, hiện Nam Sudan vẫn đang rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu. Do sự xung đột giữa dân tộc Dinka và Nuer, đất nước này hiện đang trên "bờ vực của một cuộc nội chiến dân tộc toàn diện" như LHQ đã cảnh báo và "đỉnh cao của sự diệt chủng quy mô lớn" với ước tính số người thiệt mạng có thể lên tới 300.000 người. Hậu quả của các cuộc xung đột trên không chỉ là vấn đề thương vong về người mà còn rất nhiều làng mạc bị đốt phá, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em bị giết hại và bị bắt lính. Chiến tranh ở châu Phi thường là các cuộc chiến tổng hợp, nghĩa là ít phân biệt giữa các tay súng và người dân vô tội, đó là lý do tại sao ranh giới giữa chiến đấu và diệt chủng thường bị lu mờ.

Trở lại nội chiến Syria, những người ủng hộ sự can thiệp của phương Tây chống lại chế độ của Tổng thống Assad cho rằng tiêu chuẩn phổ quát về nhân quyền ở đây đã bị vi phạm nghiêm trọng và nghĩa vụ của cộng đồng quốc tế là phải bảo vệ những người vô tội. Tuy nhiên, mặc dù lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và Syria rất ít nhưng Washington vẫn hiện diện ở đây, liên minh với các nước vùng Vịnh trong cuộc chiến chống khủng bố, giảm làn sóng người di cư tràn vào châu Âu. Trong khi đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria, Mesopotamia ở Mali... mới là chủ thể reo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Syria.

Có thể thấy, chiến thắng ở Aleppo giúp ông Assad trở thành một "siêu anh hùng" phản diện còn Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir vẫn là người vô danh. Có lẽ, việc cần làm đầu tiên để triển vọng hòa bình Syria trở thành hiện thực là không gọi Aleppo với cái tên "Rwanda thứ hai" nữa.

Nạn diệt chủng Rwanda xảy ra tại Rwanda, miền trung châu Phi năm 1994. (Nguồn: Canada Free Press)
(theo National Interest)