Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm ngoái, Thủ tướng Anh Theresa May là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến thăm Nhà Trắng và gặp Tổng thống Donald Trump hôm 27/1. Trước đó một ngày, phát biểu tại cuộc họp với các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ ở Philadelphia, bà May nhấn mạnh: “Khi chúng ta cùng khám phá lại niềm tin giữa hai bên, chúng ta có cơ hội, thực chất là trách nhiệm, để làm mới “mối quan hệ đặc biệt” này”.
Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại Hội nghị Thượng đỉnh Ottawa (Canada), ngày 21/7/1981. (Nguồn: AP) |
Cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” được Thủ tướng Anh Winston Churchill đề cập lần đầu tiên trong bài diễn văn lịch sử “Nguồn tiếp sức cho hòa bình” (Sinews of Peace) tại Đại học Westminster ở Missouri năm 1946. Trong đó, ông Churchill nhấn mạnh hai nước Anh và Mỹ có một “mối liên kết anh em của các dân tộc nói tiếng Anh”.
Theo nhà sử học Anthony Seldon, hai nước gắn bó với nhau trong nhiều thập kỷ qua bởi cùng chia sẻ lịch sử, cơ cấu chính phủ, lý tưởng và hợp tác quốc phòng. Ông nói, “nó (mối quan hệ đặc biệt) được tạo ra do sự đan xen của ba yếu tố: kẻ thù chung, quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo và quan điểm ý thức hệ chung”.
Gần đây, chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama - được nhiều người cho là bằng chứng về sự thay đổi các ưu tiên của Mỹ, và quan hệ với Anh là một trong những “quan hệ đặc biệt” mà Washington đã có với nhiều nước.
Franklin D. Roosevelt - Winston Churchill
Hai nhà lãnh đạo trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã duy trì mối quan hệ cá nhân thân thiết. Có cùng sở thích với thuốc lá và rượu mạnh, hai ông đã trao đổi 1.700 thư và điện tín từ năm 1939 - 1945. Trong một bức điện tín gửi Thủ tướng Anh Churchill năm 1942, Tổng thống Mỹ Roosevelt viết: “Thật tuyệt vời khi ở cùng thập kỷ với ông”.
Mặc dù không trực tiếp tham chiến nhưng bằng việc thông qua Đạo luật Lend-Lease, Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Thủ tướng Churchill, có mẹ là người Mỹ, quan tâm tới việc “đưa người Mỹ vào cuộc chiến” hoặc ít nhất là tăng viện trợ quân sự cần thiết cho nước Anh. Vì vậy, tháng 8/1941, ông đã gặp Tổng thống Roosevelt trên một chiến hạm ngoài khơi Newfoundland, nơi cả hai đặt ra các mục tiêu cho thế giới hậu chiến tranh khi ký Hiến chương Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Hiến chương này không giúp Tổng thống Roosevelt thành công trong việc kêu gọi công chúng Mỹ ủng hộ nước này tham chiến. Nhưng điều đó đã thay đổi sau vụ Nhật Bản tấn công vào Trân Châu Cảng tháng 12/1941.
Khoảng hai tuần sau vụ Trân Châu Cảng, Thủ tướng Churchill đã ở Nhà Trắng ba tuần nhằm phối hợp với chính quyền Mỹ đánh bại kẻ thù chung của họ. Tại đây, hai nhà lãnh đạo được mô tả là đã chia sẻ những giây phút thân tình nhất. Patrick Kinna - người viết tốc ký cho ông Churchill kể lại: một hôm, Thủ tướng vừa tắm xong, ông đi lại trong phòng mà chưa mặc đồ gì. Tổng thống Roosevelt gõ cửa, bước vào phòng và nhìn thấy người bạn Anh trong tình trạng như vậy, ông Churchill bình tĩnh nói: “Ông thấy đấy, Ngài Tổng thống, tôi không có gì phải che giấu ông”.
Dwight D. Eisenhower - Anthony Eden
Quan hệ Anh - Mỹ giảm xuống mức thấp trong những năm 1950 dưới thời hai nhà lãnh đạo này. Anthony Eden, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao trong ba thập kỷ, đã trở thành Thủ tướng Anh vào năm 1955. Nhưng sự nghiệp Thủ tướng của ông sớm kết thúc do Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa con kênh nối liền Biển Đỏ và Địa Trung Hải vốn thuộc sở hữu của Anh và Pháp. Đối với Anh, kênh đào Suez là huyết mạch đến các mỏ dầu ở Vịnh Ba Tư. Anh, Pháp và Israel đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận bí mật để thực hiện cuộc tấn công vào Ai Cập nhằm chiếm lại kênh Suez.
Tức giận vì không được thông báo trước về cuộc tấn công và lo sợ chiến tranh lan rộng hơn ở Trung Đông, Tổng thống Eisenhower đe dọa đồng minh Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nếu nước này không rút lực lượng của mình. Ông buộc Thủ tướng Eden tìm ra một giải pháp hòa bình, đồng thời ngăn cản Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho Anh. Trước sức ép của Mỹ, Thủ tướng Eden buộc phải rút quân. Tháng 1/1957, ông từ chức sau 18 tháng cầm quyền và danh tiếng suy giảm nặng nề.
John F. Kennedy - Harold Macmillan
Hai nhà lãnh đạo, một người mới 40 tuổi, người kia 60, đã hồi sinh mối quan hệ Mỹ - Anh sau Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Năm 1943, Thủ tướng Macmillan nói rằng Anh với Mỹ giống như “người Hy Lạp với người La Mã”. Hàm ý là tuy người La Mã thế chỗ người Hy Lạp, nhưng họ vẫn dựa trên kiến thức và trí tuệ của người Hy Lạp.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo có quan hệ huyết thống theo nghĩa đen (cả hai phát hiện ra họ có quan hệ họ hàng xa), năm 1962, Tổng thống Kennedy đã hủy bỏ chương trình tên lửa Skybolt mà Mỹ hứa bán cho Anh nhằm giúp nước này xây dựng chương trình hạt nhân độc lập. Mỹ khi ấy lo lắng về việc tái diễn cuộc khủng hoảng Suez cũng như sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Dù sao, Mỹ vẫn bán cho đồng minh bên kia Đại Tây Dương các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Polaris.
Ronald Reagan - Margaret Thatcher
“Mối quan hệ đặc biệt” giữa hai cường quốc được thể hiện sâu sắc nhất dưới thời Thủ tướng Thatcher và Tổng thống Reagan ở giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh những năm 1980. Hai chính trị gia có cùng quan điểm về đường lối điều hành kinh tế như ủng hộ các chính sách tự do kinh doanh và cắt giảm chi tiêu công. Năm 1981, bà Thatcher là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm tân chủ nhân Nhà Trắng Reagan. “Người đàn bà thép đã tìm thấy chàng Romeo người Mỹ của mình”, tạp chí Time bình luận.
Tuy nhiên, tình bạn nổi tiếng không tránh khỏi những lúc căng thẳng. Bà Thatcher khiển trách ông Reagan vì cuộc xâm lược của Mỹ vào Grenada - thuộc địa cũ của Anh năm 1983. Nhưng một cuộc gọi xin lỗi của ông Reagan đã xoa dịu tất cả. Theo Reuters, bản ghi cuộc gọi đã được công bố năm 2014.
Trong điếu văn tại lễ tang cựu Tổng thống Reagan năm 2004, bà Thatcher gọi ông là một trong những người “gần gũi nhất về mặt chính trị và là người bạn thân thiết”. Mối quan hệ của bà với Reagan mật thiết đến nỗi bà gọi ông bằng tên thân mật là “Ronnie”. Trước đó, vào những năm đã nghỉ hưu, Reagan nói ông “rất may mắn” khi được biết Bà đầm thép.
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington DC, tháng 1/2017. (Nguồn: Time) |
George W. Bush - Tony Blair
Anh - Mỹ có thời gian dài “mặn nồng” dưới thời hai nhà lãnh đạo này. Nước Anh của ông Blair đã hỗ trợ mạnh mẽ cho nỗ lực quân sự của chính quyền Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Tác giả cuốn tiểu sử của Thủ tướng Blair - nhà sử học Anthony Seldon - cho rằng tuy hai ông Blair và Bush không chia sẻ nhiều quan điểm cá nhân như bà Thatcher và ông Reagan, nhưng cả hai đều có chung kẻ thù: sự đe dọa của phiến quân Hồi giáo.
Ngay sau vụ khủng bố 11/9, ông Blair đã đến Nhà Trắng nhằm bày tỏ sự đoàn kết với Tổng thống Bush. “Thủ tướng Anh đã vượt qua đại dương để cho thấy sự đoàn kết của mình với nước Mỹ”, ông Bush nói trong diễn văn tại Quốc hội ngày 20/9/2001. Theo một báo cáo, ông Blair đã nỗ lực duy trì quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ. Tháng 7/2002, ông Blair gửi thư cho ông Bush khẳng định: “Tôi sẽ đứng về phía ông, cho dù thế nào....”. Và năm 2003, hai nước cùng thực hiện kế hoạch tấn công Iraq.
Trong cuốn hồi ký có tựa đề “Tony Blair: Một cuộc hành trình”, cựu Thủ tướng Anh không tiếc lời ca ngợi cựu Tổng thống Bush. Điều này khiến dư luận Anh ví cuốn hồi ký như “thư tình” của ông Blair gửi ông Bush. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ cho biết ông Blair là người bạn gần gũi nhất trên trường quốc tế. Ông Bush nhấn mạnh: “Một số đồng minh của chúng tôi dao động, nhưng Tony Blair không bao giờ như vậy”, khi nói về sự ủng hộ của Anh với Mỹ trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
Hiện nay, khi phải đối mặt với tương lai không chắc chắn bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), Anh một lần nữa tìm kiếm liên minh đặc biệt với siêu cường thế giới dựa trên các nền tảng lịch sử. Theo nhà sử học Seldon, Tổng thống Trump, có mẹ là người Scotland (một vùng thuộc Vương quốc Anh), cần kinh nghiệm cũng như sự am hiểu về vấn đề tình báo và an ninh của nữ Thủ tướng May. “Những nhu cầu chung mạnh mẽ sẽ làm cho Anh - Mỹ trở thành mối quan hệ quan trọng dưới thời Tổng thống Trump”, ông Seldon nói. Có thể thấy, quan hệ giữa hai nước sẽ khởi sắc nhưng còn “đặc biệt” hay không thì vẫn có không ít hoài nghi.