Tàu chiến HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến thăm các cảng tại Nhật Bản vào tháng 9 để tập trận chung. (Nguồn: AP) |
Cạnh tranh ảnh hưởng
Theo chuyên gia hải quân Li Jie đang làm việc tại Bắc Kinh, sự hiện diện của hai tàu chiến Anh mới được bổ sung tại vùng biển châu Á sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, bước đi này có thể khiến Trung Quốc phải chịu áp lực chính trị từ dư luận quốc tế.
Chuyên gia này nói: “Đây cũng là một động thái chính trị đầy mạo hiểm của Ngũ Nhãn, một liên minh từng chỉ tập trung vào việc chia sẻ thông tin tình báo nhưng hiện đang tìm cách lôi kéo thêm Nhật Bản và mở rộng hợp tác sang các hoạt động quân sự chung”.
Ngũ Nhãn là một nhóm các quốc gia do Mỹ dẫn đầu, gồm cả Anh, Canada, New Zealand và Australia.
Australia trước đó đã ủng hộ phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế (PCA) rằng, các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, mới đây, nhân kỷ niệm 5 năm ngày phán quyết nói trên được đưa ra, Canada đã kêu gọi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tin liên quan |
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel: Washington đã thay đổi cách tiếp cận với Bắc Kinh |
Chuyên gia hải quân Li Jie nói: “Anh là một trong năm cường quốc ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vì vậy, điều đó có nghĩa là hai thành viên của Hội đồng Bảo an đang cùng nhau chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy, và thực tế này có thể sẽ làm suy giảm nghiêm trọng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế”.
Kế hoạch triển khai hai tàu chiến tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được Anh và Nhật Bản tiết lộ trong một thông báo chung khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gặp người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi tại Tokyo ngày 20/7.
Thông báo này được đưa ra trong khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và các tàu hộ tống dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào tháng 9 sau khi đi qua Biển Hoa Đông và Biển Đông – nơi Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng với Nhật Bản và Mỹ.
Theo Đại sứ quán Anh tại Tokyo, tàu chiến của London sẽ không có một căn cứ thường trực, nhưng tàu sân bay này – vốn đang chở theo các tiêm kích tàng hình F-35B trong chuyến hải trình đầu tiên của mình – sẽ cập cảng Yokosuka, nơi có Bộ chỉ huy hạm đội Nhật Bản và tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Khẳng định sự hiện diện
Ngày 27/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do hàng hải của tất cả các nước trong các vùng biển xung quanh Trung Quốc theo quy định của luật pháp quốc tế, “tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực bằng chủ trương sử dụng vũ lực”.
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu của Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định rằng, khả năng tác chiến của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp trong khu vực đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Nhưng bất kỳ hoạt động hải quân chung nào giữa các lực lượng Mỹ, Anh và Nhật Bản có thể giúp Washington giảm bớt một số gánh nặng và chi phí cho những nỗ lực dài hạn nhằm chống lại quân đội Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu này nói: “Lời hứa của London về việc triển khai hai tàu chiến cho thấy quân đội Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu quân và tàu chiến trong khu vực”.
Ông Zhou Chenming giải thích thêm rằng, hải quân Mỹ có Nhóm sẵn sàng đổ bộ đồn trú ngay tại khu vực, nhưng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald đang được điều đến Trung Đông để hỗ trợ việc rút quân khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, Cheung Mong, Phó Giáo sư của Trường Nghiên cứu tự do quốc tế thuộc Đại học Waseda của Nhật Bản, nhận định rằng, cam kết quân sự của Anh cho thấy nước này muốn nhắc nhở các nước châu Á rằng, London có thể có một số ảnh hưởng trong khu vực.
Vị Phó giáo sư này phát biểu: “Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản đứng đầu, vì vậy việc triển khai các tàu chiến này sẽ gia tăng ảnh hưởng của Anh tại khu vực”.
| Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nga: Mỹ, EU như 'vô hình'; châu Á-Thái Bình Dương trở thành điểm nhấn Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nga, quan hệ hợp tác của Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hoàn ... |
| Trung Quốc 'rủ' Nga phản đối chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chống lại 'virus chính trị' Trong cuộc gặp ngày 15/7 với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho ... |