📞

APEC không chỉ có hợp tác kinh tế

17:30 | 20/11/2016
Brexit và khủng hoảng di cư mà EU phải đối mặt làm dấy lên không ít lo ngại về hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những cam kết của các thành viên APEC có thể sẽ là động lực đáng kể cho nền kinh tế thế giới.

Mặc dù ban đầu, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chỉ được xem là dịp để các nhà lãnh đạo khu vực gặp gỡ nhau và có những trao đổi mang tính ngoại giao, song các thành tựu của APEC, dựa trên nền tảng hợp tác sâu rộng giữa các chính phủ và doanh nghiệp, đã cho phép diễn đàn kinh tế này mở rộng hơn nữa vai trò của mình và thúc đẩy sự ổn định của toàn khu vực.

Chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu

APEC được thành lập năm 1989 với hàng loạt cuộc gặp giữa Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại trưởng các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi Thị trường chung châu Âu được thành lập năm 1992, và Vòng đàm phán Uruguay (vòng đàm phán thứ 8) của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) hoàn tất năm 1993, Mỹ - với tư cách là Chủ tịch APEC 1993 - đã tổ chức một cuộc họp giữa lãnh đạo các nước để thảo luận về việc thành lập một khu vực thương mại tự do bao trùm châu Á và Thái Bình Dương. Tuyên bố Bogor năm 1994 đã vạch ra lộ trình để hướng tới các biện pháp tự do hóa thương mại vào năm 2020.

Lãnh đạo các nước thành viên APEC gặp nhau tại Bogor, Indonesia năm 1994. (Nguồn: Straits Times)

Tuy nhiên, khía cạnh hội nhập kinh tế của APEC chưa thực sự có những tiến triển đáng chú ý dù kỳ vọng ban đầu là rất cao. Chương trình Hành động Osaka 1995, trong đó chỉ rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa tự do hóa thương mại với thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, đã tạo tiền đề vững chắc cho Mục tiêu Bogor. Tuy nhiên, Kế hoạch Hành động Manila năm 1996 lại chỉ xây dựng được một thỏa thuận tự do hóa thương mại quy mô nhỏ. Các nỗ lực nhằm thúc đẩy tự do hóa trong nhiều lĩnh vực tiên phong cũng thất bại vào năm 1998.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, những kỳ vọng về hội nhập kinh tế của APEC nhanh chóng tiêu tan. Sự quan tâm người ta dành cho APEC càng phai nhạt vào những năm 2000, khi vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu, và các thỏa thuận thương mại tự do nở rộ ở châu Á.

Kể từ đó, APEC đã triển khai một chiến lược ở mức độ vừa phải, tập trung vào các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác kỹ thuật. Giới chuyên gia kinh tế và truyền thông khi đó dường như mất dần sự quan tâm đối với các thông điệp về hội nhập kinh tế. Một số nền kinh tế thành viên không hài lòng với các biện pháp tự do hóa nói trên đã quyết định thành lập nhóm P4, đặt những nền móng đầu tiên dẫn tới việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, các cam kết ràng buộc về tự do hóa thương mại không đạt nhiều tiến triển trong giai đoạn những năm đầu thế kỷ XXI. Vòng đàm phán Doha kết thúc vào năm 2015 song việc thông qua thỏa thuận đã bị trì hoãn và hiện vẫn chưa rõ số phận của nó sẽ thế nào. Trong khi đó tại EU, dù mức độ hội nhập kinh tế được đánh giá cao song liên minh này đang đối mặt với nhiều thách thức từ làn sóng phản đối rầm rộ đối với các quyết sách của chính quyền và dòng người lao động di cư từ các nước thành viên kém phát triển hơn.

Thành công trong nhiều lĩnh vực

Đối lập với bối cảnh u ám ấy, cách tiếp cận thực dụng và linh hoạt của APEC trong vấn đề tự do hóa thương mại đã thành công trong nhiều lĩnh vực như thủ tục thuế quan, hoạt động kinh doanh linh hoạt, cùng nhiều tiêu chuẩn hợp lý và có tính thống nhất cao. APEC đã đạt nhiều thành công đáng chú ý như đạt mục tiêu cắt giảm 5% chi phí giao dịch thương mại, vốn được đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC Thượng Hải năm 2001, và thêm 5% khác sau Hội nghị thượng đỉnh APEC Busan năm 2005.

21 nền kinh tế thành viên APEC. (Nguồn: MunPlanet)

APEC đã xây dựng một chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự phát triển trong các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, tạo nền tảng cho các biện pháp tái cơ cấu, giúp đảm bảo an ninh lương thực - những điều mà các thể chế kinh tế khác chưa đạt được. APEC cũng đóng góp rất nhiều cho tiến trình toàn cầu hóa của châu Á, bắt đầu từ những năm 1980, tiền đề cho “điều kỳ diệu kinh tế Đông Á” trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam cũng là một minh chứng cho sự thành công của APEC.

Không chỉ vậy, APEC cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của khu vực. Thịnh vượng là một trong những nền tảng của hòa bình. Bởi vậy, trong quá trình thúc đẩy hoạt động kinh tế ngày càng mạnh mẽ, APEC đã góp phần củng cố hòa bình và ổn định khu vực thông qua thịnh vượng và kết nối kinh tế, dù họ không trực tiếp giải quyết các vấn đề về an ninh.

Cơ chế mở về thành viên của APEC cho phép diễn đàn này đóng vai trò trong việc hàn gắn những mâu thuẫn về tư tưởng và chính trị của nhiều nước tại châu Á - Thái Bình Dương sau giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Việc các nước như Trung Quốc (năm 1990), hay Nga và Việt Nam (năm 1998) gia nhập APEC đã giúp các thị trường này phát triển theo hướng tự do và mở cánh cửa dẫn họ tới WTO. Sự hiện diện của cả Trung Quốc và Đài Loan (Trung Hoa) trong APEC cho thấy diễn đàn này là nơi đề cao mục tiêu và lợi ích chung hơn các mâu thuẫn và đối đầu chính trị.

Không chỉ vậy, các khuôn khổ đối thoại trên nhiều lĩnh vực của APEC cùng sự linh hoạt trong vấn đề thị trường tự do đã giúp diễn đàn này tạo dựng một nền tảng chính trị cho hợp tác khu vực sâu rộng hơn. Các kinh nghiệm của APEC cho thấy các bất đồng về kinh tế hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua đối thoại, thay vì bác bỏ lẫn nhau, và điều này cần được áp dụng với cả những vấn đề khác ngoài kinh tế.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đang đứng trước nhiều thách thức về mặt an ninh, như nguy cơ chạy đua vũ trang và quân sự hóa, những xung đột chưa có hồi kết trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông. Có thể nói, cách APEC giải quyết những bất đồng có thể là nền tảng để tìm lời giải cho các mâu thuẫn về an ninh và chính trị trong khu vực.

Rõ ràng, dù là một thể chế kinh tế song tác động APEC có thể có trong các vấn đề chính trị - kết quả của lịch sử 28 năm hình thành và xây dựng - là điều cần được lưu tâm và phát huy, với mục tiêu phát triển một khu vực cùng đồng thuận về việc xây dựng hòa bình qua đối thoại.

(theo East Asia Forum)