Ngoài ra, chiếc xe tăng “gây sốt” của Nga còn được trang bị máy bay không người lái để có thể giành lợi thế về mặt chiến thuật trong mọi cuộc chiến.
Xe tăng Armata của Nga. Ảnh RT |
“Những chiếc xe tăng Armata không người lái sẽ là cỗ máy của tương lai. Chúng ta không cần phải nghi ngờ về điều đó”, ông Oleg Sienko – Giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod – nhà chế tạo xe tăng hàng đầu của Nga ngày 18/4 nói với hãng tin RIA Novosti.
Những đặc tính ưu việt
Armata là loại xe tăng tác chiến chủ lực mới mang đặc tính kỹ-chiến thuật ưu việt như hệ thống tự động lên đạn, biên chế kíp lái và đầu đạn tác chiến mới. Đặc điểm chính của xe tăng Armata là tháp pháo được điều khiển từ xa với kíp lái gồm 3 thành viên được bố trí ngồi ở một khoang bọc thép riêng biệt ở phía trước của thân xe tăng, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế để chịu đựng được những đòn hỏa lực trực diện của kẻ thù. Theo nhà sản xuất xe tăng Armata, hệ thống bảo vệ hiện đại như trên sẽ giúp tăng độ an toàn cho kíp lái, đồng thời tăng hiệu quả bắn phá và có được sự linh hoạt trong khi chiến đấu.
Không chỉ có khả năng tự động lên đạn, xe tăng Armata còn có thể sử dụng đồng thời 32 loại đầu đạn tác chiến khác nhau và có thể tấn công đối phương ngay cả khi xe đang di chuyển. Xe tăng Armata được trang bị súng đại bác nòng trơn với cỡ nòng 125mm. Loại vũ khí này có thể bắn những loại đạn dược có hỏa lực cao, trong đó có đạn xuyên bọc thép, tên lửa dẫn đường, các loại đạn hình thù khác nhau….
Người ta dự đoán, xe tăng Armata còn có thể sử dụng loại súng đại bác cỡ nòng 152mm. Nếu điều này là đúng thì đây là loại xe tăng được trang bị súng đại bác mạnh nhất từ trước đến nay trong số các loại xe tăng chiến đấu. Armata còn được trang bị súng cỡ nòng nhỏ 30mm để bắn hạ những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp, trong đó có máy bay và trực thăng. Để bảo vệ mình trước các tên lửa chống tăng, Armata sẽ có một súng máy hạng nặng được đặt trên tháp pháo với cỡ nòng là 12,5mm.
Những đặc tính công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế của xe tăng Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây, hãng tin AP của Mỹ từng nhận định. Tạp chí Stern của Đức thì ca ngợi siêu xe tăng T-14 Armata là một ví dụ điển hình cho thấy tốc độ hiện đại hóa quân đội vượt bậc của quân đội Nga chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tạp chí của Đức tin rằng, phương Tây chắc chắn phải thán phục trước xe tăng T-14 Armata bởi nó là loại vũ khí được thiết kế và phát triển hoàn toàn mới, dựa trên sự kết hợp các nền tảng công nghệ chế tạo xe tăng tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Nhiều chuyên gia, hãng tin quốc tế đánh giá xe tăng Armata vượt xa mọi đối thủ cùng loại của phương Tây và rằng phương Tây còn phải mất nhiều năm nữa mới đuổi kịp Nga trong lĩnh vực chế tạo xe tăng loại này.
Công nghệ không người lái
Đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn quốc phòng của Nga tìm cách phát triển những chiếc xe bọc thép không người lái. Năm 2013, tập đoàn này từng giới thiệu một chiếc xe cứu hỏa tối tân có thể được điều khiển từ xa nhờ vào những chiếc máy camera được lắp đặt trên xe. Những chiếc xe cứu hỏa tinh vi này sẽ vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ tiến hành các chiến dịch ở môi trường có độ nguy hiểm cao với nguy cơ lớn về khả năng phát nổ, ví dụ như tại các căn cứ quân sự chứa nhiều vũ khí.
“Chúng tôi đang tiếp tục phát triển công nghệ không người lái và chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế một chiếc xe cứu hỏa được tự động hóa dựa trên nền tảng là xe tăng T-72 …Ngay cả những phương tiện được phô diễn tại Quảng trường Đỏ cũng có thể biến thành những phương tiện không người lái hay robot”, ông Sienko nói thêm, ám chỉ đến sự xuất hiện đầy ấn tượng của những chiếc siêu xe tăng Armata tại lễ diễu binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng hồi năm ngoái của Nga.
Tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) còn có ý định lắp đặt một chiếc máy bay không người lái lên xe tăng hạng nặng Armata-15. Đây là một phần trong chiến lược của tập đoàn này nhằm “tiến dần tới mục tiêu từ bỏ việc sản xuất những phương tiện có người lái”.
Chưa rõ Uralvagonzavod sẽ chọn loại máy bay không người lái nào để trang bị cho xe tăng Armata của họ nhưng chắc chắn đó sẽ là một loại máy bay không người lái do Nga chế tạo, ông Sienko cho biết đồng thời nói thêm rằng Bộ Quốc phòng Nga sẽ có tiếng nói quyết định trong vấn đề này.
Không chỉ là một mẫu xe tăng mới, Armata còn là một mô hình mẫu có thể được dùng để chế tạo nhiều loại phương tiện quân sự khác nhau như bệ phóng tên lửa, xe bọc thép và hơn 20 loại phương tiện khác, ông Sienko cho hay. “Chúng tôi sẽ phát triển các phương tiện quân sự dựa trên mô hình xe tăng Armata. Sẽ có 28 kiểu vũ khí trong tương lai. Những vũ khí này phải tích hợp trong cùng một mô hình dù là hệ thống phòng thủ tên lửa hay là phương tiện bọc thép hạng nặng”, Giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod nhấn mạnh. Khái niệm về việc phát triển nhiều loại vũ khí trên một nền tảng chung có nhiều lợi ích, trong đó có việc dễ bảo trì, bảo dưỡng hơn.
Tháng trước, Nga thông báo, lô 20 chiếc xe tăng Armata đầu tiên đang trong quá trình thử nghiệm và dự kiến sẽ được bàn giao cho Lực lượng Vũ trang Nga vào năm nay hoặc năm sau.