📞

ASEAN: Đến lúc tập trung vào ngoại giao phòng ngừa

23:47 | 20/04/2016
Trong tương lai gần, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) khó có thể thực hiện mục tiêu của ngoại giao phòng ngừa.
Diễn đàn ARF-21 năm 2014. (Nguồn: News.CN)

Mục tiêu tham vọng

Được thành lập từ hơn 20 năm trước, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ra đời để giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh mang tính nhạy cảm và gây tranh cãi ở châu Á. ARF có mục tiêu phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin và tiếp đến là ngoại giao phòng ngừa, hướng tới giải quyết xung đột trong khu vực.

Hội nghị ARF lần thứ 8 họp tại Hà Nội (tháng 7/2001) đã thông qua văn kiện về ngoại giao phòng ngừa. Theo đó, khái niệm này được hiểu là hành động ngoại giao, chính trị được các quốc gia có chủ quyền nhất trí với sự đồng ý của các bên liên quan nhằm giúp ngăn chặn các cuộc tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia, đe dọa tiềm tàng hòa bình và ổn định khu vực; ngăn chặn các cuộc tranh chấp và xung đột leo thang thành đối đầu vũ trang; hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của tranh chấp và xung đột khu vực. Ngoại giao phòng ngừa dựa theo các nguyên tắc: hoạt động ngoại giao, không ép buộc, phù hợp về thời gian, có lòng tin, tham khảo ý kiến và đồng thuận, tự nguyện, áp dụng trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật quốc tế, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á.

ARF lần thứ 18 năm 2011 (tại Bali, Indonesia) đánh dấu một cột mốc khi ARF bước vào giai đoạn mới, từ "Các biện pháp xây dựng lòng tin" sang giai đoạn "Ngoại giao phòng ngừa". Đây là một mục tiêu tham vọng trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang ngày một mong manh. Sự mong manh ấy được minh chứng bởi những vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng tranh chấp leo thang tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Do đó, có thể khẳng định rằng trong tương lai gần, ARF khó có thể hiện thực hóa mục tiêu.

ARF đang thất bại trong việc giải quyết thỏa đáng những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Thực tiễn này xuất phát từ hai lý do sau: Thứ nhất, nhiều người chỉ trích cơ cấu hoạt động của ARF đã làm mất đi tính hiệu quả của tổ chức này trong việc ban hành chính sách ngoại giao phòng ngừa. Thứ hai, ARF nghiêng theo “phương cách ASEAN”, nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và nguyên tắc đồng thuận. Những nguyên tắc này có thể hạn chế cơ hội để các nước thành viên thực hiện chính sách ngoại giao phòng ngừa của ARF.

Nỗ lực quản lý xung đột

Trước thực tiễn đó, có ba việc mà ARF phải nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu ngoại giao phòng ngừa, quản lý xung đột khu vực.

Thứ nhất là chú trọng tới các mối đe dọa an ninh. Kể từ năm 1946 đến nay, có tổng cộng có 26 cuộc xung đột làm rung chuyển châu Á. Những cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của 1,35 triệu người trong khu vực. Nhưng ngay cả khi cảm nhận được khả năng diễn ra một cuộc nội chiến tiềm tàng hay một cuộc xung đột nguy hiểm nhất trong khu vực, ARF vẫn tỏ ra im lặng, và cũng không triển khai bất cứ hành động ngoại giao nào để ngăn chặn những nguy cơ đó, ngay cả khi các chính phủ thành viên yêu cầu ARF hành động.

Có lẽ chính định nghĩa hẹp của ARF về ngoại giao phòng ngừa đã hạn chế khả năng của tổ chức này trong việc tham gia giải quyết các tình huống mâu thuẫn phát sinh trong khu vực. Theo ARF, ngoại giao phòng ngừa chỉ được áp dụng giới hạn đối với xung đột giữa hai hay nhiều quốc gia. Các cuộc xung đột phi nhà nước không phải là chủ thể mà chính sách ngoại giao phòng ngừa của ARF hướng đến.

Thứ hai, ARF cần tận dụng tốt hơn năng lực thể chế của mình bằng cách giao nhiệm vụ cho Hội đồng Hợp tác An ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) và Nhóm chuyên gia và nhân vật nổi tiếng (EEPs) với những hướng dẫn rõ ràng hơn để họ phát triển các cơ chế ngoại giao phòng ngừa cụ thể. ARF nên phát triển một xương sống thể chế hiệu quả hơn để bắt đầu thực hiện chính sách ngoại giao phòng ngừa.

Thứ ba, ARF nên tăng cường biện pháp xây dựng lòng tin và sự linh hoạt thông qua chuẩn bị chương trình hoạt động cho giai đoạn 2016-2017. Chương trình này nên được hỗ trợ bởi CSCAP và thực hiện bởi EEPs hoặc những quan chức có phẩm chất cá nhân tốt nhằm định ra kế hoạch hoạt động của ARF trước nhiều vấn đề thách thức trong khu vực.

Giải quyết xung đột giữa các quốc gia mà không xâm phạm chủ quyền của các nước thành viên là một thách thức đối với ARF. Việc đi theo chính sách ngoại giao phòng ngừa là đúng đắn song đây cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

(Asia Forum)