TIN LIÊN QUAN | |
Philippines đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN | |
Tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa ASEAN và ECOWAS |
Hướng tới sự cân bằng
Với thể chế chính trị khác nhau, trình độ phát triển kinh tế-xã hội khác nhau và mức độ quan hệ với Mỹ và Trung Quốc khác nhau, mỗi nước thành viên ASEAN đều có lựa chọn riêng trong chính sách đối ngoại.
Malaysia, Philippines và Thái Lan có quan hệ khăng khít với Mỹ nhưng vì những biến động chính trị trong nước cũng như cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc, đã có những điều chỉnh nhất định theo hướng cân bằng hơn. Việc Mỹ chỉ trích scandal tài chính của Thủ tướng Razak đã làm cho quan hệ Malaysia-Mỹ suy giảm. Ngược lại, giai đoạn đặc biệt trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc bắt đầu khi nguồn đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh giúp Thủ tướng Razak ứng phó với nguy cơ khủng hoảng kinh tế từ nợ công tăng quá cao cùng những căng thẳng chính trị trong nước.
Quan hệ Thái Lan-Mỹ giảm sút đáng kể từ sau khi quân đội đảo chính và nắm quyền điều hành Thái Lan năm 2014 . Với cách tiếp cận dựa trên các giá trị dân chủ và nhân quyền, Mỹ đã đẩy đồng minh Thái Lan ra xa thêm khi giới quân sự và cả giới tinh hoa Thái Lan đang cảm thấy bị đồng minh Mỹ bỏ rơi. Ngược lại, các dự án đầu tư lớn không kèm theo các điều kiện từ Trung Quốc đã giúp chính quyền quân sự Thái Lan phần nào tránh được những chỉ trích từ trong nước và quốc tế.
Kể từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền, Philippines đang thực thi chính sách đối ngoại cân bằng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự chỉ trích từ Mỹ đối với vấn đề nhân quyền và những lợi ích kinh tế từ những dự án đầu tư của Trung Quốc đã góp phần lớn vào sự điều chỉnh này.
Mặc dù nhiều lần lên tiếng ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và ủng hộ sự can dự của Mỹ vào khu vực, nhưng Indonesia, Myanmar và Singapore cũng đang hướng tới sự cân bằng hơn với Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế. Indonesia một mặt tiếp tục củng cố hợp tác với Mỹ trong nhiều lĩnh vực chiến lược, mặt khác phải dựa vào nguồn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc để biến tham vọng trở thành trung tâm hàng hải toàn cầu thành hiện thực.
Với Myanmar, kể từ khi chính quyền quân sự chuyển quyền điều hành đất nước cho phe dân sự (3/2011), nước này phải dựa nhiều vào Mỹ và phương Tây cho những nỗ lực dân chủ hóa trong nước, nhưng vẫn có các lợi ích kinh tế và an ninh gắn trực tiếp với Trung Quốc.
Trong khi đó, Singapore - đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á - ủng hộ sự can dự của Mỹ vào các vấn đề khu vực, nhưng đồng thời thúc giục Mỹ quan tâm hơn đến vấn đề kinh tế. Bản thân Singapore cũng rất cần Trung Quốc để đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hàng đầu của nước này và Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc.
Vốn chịu áp lực về dân chủ, nhân quyền từ Mỹ và phương Tây, hiện chính sách đối ngoại của Brunei, Campuchia và Lào có phần gần gũi hơn với Trung Quốc để tận dụng những lợi ích kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn hàng đầu và nhà đầu tư lớn nhất ở Brunei, trong khi đó các khoản đầu tư, viện trợ lớn từ Trung Quốc góp phần đảm bảo sự ổn định cho chính phủ cầm quyền ở Campuchia. Những dự án đầu tư lớn của Trung Quốc tại Lào và liên quốc gia ở Đông Nam Á lục địa cũng đang giúp Lào thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vai trò địa - chiến lược.
Những điều chỉnh mới
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể sẽ có những điều chỉnh nhất định trong chính sách đối ngoại đối với châu Á nhưng có lẽ, Đông Nam Á vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ với khu vực. Còn Trung Quốc, dù có tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng kinh tế của nước này đối với các nước trong khu vực cũng sẽ không giảm sút.
Nói cách khác, chính sách đối ngoại của các nước ASEAN năm 2017 sẽ tiếp tục chịu tác động sâu sắc của cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc trong vài năm qua tăng trưởng chậm lại, nhưng tích lũy tư bản của vẫn rất lớn. Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng kinh tế là công cụ chủ chốt để phát huy ảnh hưởng ở các nước thành viên ASEAN.
Cũng như giai đoạn trước, Trung Quốc không đặt điều kiện chính trị trong hoạt động viện trợ, đầu tư và thương mại. Song song với kinh tế, Trung Quốc tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước, trước hết là các hợp đồng mua bán trang thiết bị quân sự, sau đó là tiến tới hiện diện hải quân tại một số căn cứ quân sự chiến lược ở khu vực.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể hành động mà không dựa trên cam kết. Không những vậy, cách tiếp cận hướng về giá trị dân chủ, nhân quyền đối với khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung của chính quyền mới ở Mỹ xem ra sẽ có những điều chỉnh. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không buông bỏ vấn đề dân chủ, nhân quyền trong tiếp cận với khu vực. Chính sách bảo hộ thương mại được Mỹ thực thi sẽ tác động không nhỏ tới các nước châu Á.
Ở Đông Nam Á, khả năng bầu cử ở Thái Lan diễn ra trong năm 2017 là khó xảy ra. Ngay cả khi bầu cử được tiến hành, theo quy định mới của Hiến pháp, quân đội sẽ tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng trong nền chính trị nước này. Dễ chịu hơn với Mỹ không có nghĩa là Thái Lan sẽ không bị Mỹ và phương Tây chỉ trích về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Để tranh thủ sự ủng hộ trong nước, giới lãnh đạo Thái Lan tiếp tục tận dụng các cơ hội kinh tế mà Trung Quốc mang lại.
Cuộc bầu cử ở Malaysia có thể diễn ra vào năm 2017 nếu vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng nước này đi quá xa. Để cứu vãn tình thế, Malaysia sẽ tiếp tục dựa vào nguồn đầu tư từ Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế. Nhưng Malaysia vẫn sẽ tiếp tục hứng chịu chỉ trích liên quan đến vấn đề dân chủ, đặc biệt là tự do báo chí.
Ở Philippines, chính quyền của ông Duterte sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy mạnh mẽ và sẽ tiếp tục bị Mỹ chỉ trích ở mức độ nhất định. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy thêm các dự án đầu tư để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở Philipines. Ông Duterte, dù hạ giọng, cũng sẽ yêu cầu bình đẳng hơn trong quan hệ với Mỹ, trong khi tiếp tục hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Dù bận rộn với bầu cử năm 2017, Singapore sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết với Mỹ và thúc giục Mỹ chú trọng hơn cách tiếp cận với khu vực thiên về đến lợi ích kinh tế thay vì giá trị dân chủ, nhân quyền như hiện nay để có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Đương nhiên, Singapore cũng sẽ không bỏ qua những lợi ích kinh tế do Trung Quốc mang lại. Nước này vẫn tiếp tục là quốc gia giữ vững nguyên tắc luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Indonesia dưới thời Tổng thống Jokowi sẽ tiếp tục chú trọng tìm kiếm nguồn lực để xây dựng quốc gia thành trung tâm hàng hải ở khu vực, trong đó Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác lớn. Tuy nhiên, vốn là nước có vai trò lớn nhất trong ASEAN, Indonesia tiếp tục giữ vững nguyên tắc luật pháp trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Myanmar sẽ tiếp tục thực hiện cải cách trong nước, đồng thời với thuận lợi hóa môi trường đầu tư. Về đối ngoại, quốc gia này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng giữa Mỹ-phương Tây với Trung Quốc.
Những lợi ích kinh tế lớn từ đầu tư, thương mại và quốc phòng mà Trung Quốc mang lại tiếp tục làm cho Brunei, Campuchia và Lào tránh việc đưa ra quan điểm về vấn đề lớn của khu vực như tranh chấp ở Biển Đông. Nếu Mỹ vẫn tiếp tục chú trọng tiếp cận giá trị với các quốc gia này, chắc chắn, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ có sự gia tăng đáng kể.
Bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Mexico Ngày 6/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã tổ chức buổi họp tổng kết nhiệm kỳ Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ... |
ASEAN ưu tiên đẩy nhanh tiến trình thành lập COC trên Biển Đông Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh vừa cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin ... |
Liên đoàn các nhà báo ASEAN đẩy mạnh chia sẻ thông tin Ngày 6/1, hội nghị Ban Giám đốc Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia. |