📞

Australia cần phải đánh giá lại chiến lược ở Thái Bình Dương

11:37 | 23/09/2016
Đó là nhận định của Joanne Wallis, giảng viên cao cấp thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, về chiến lược của Australia tại Thái Bình Dương.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Nguồn: Telegraph)

Tận dụng ưu thế chưa hiệu quả

Australia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lớn hơn bất kỳ quốc gia láng giềng Thái Bình Dương nào khác. Quốc gia này cũng chiếm 94,5% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của khu vực, 98% chi tiêu quốc phòng - an ninh và đóng góp 60% tổng số viện trợ phát triển. Với những ưu thế trên, người ta thường cho rằng, Australia đương nhiên có "quyền lãnh đạo khu vực Thái Bình Dương" và là một "cường quốc" hoặc "bá quyền khu vực".

Nhưng nếu điều này từng đúng trước đây thì nay lại khác. Thậm chí ngay cả lúc có ảnh hưởng lớn nhất, chẳng hạn khi Australia bảo đảm hỗ trợ thành công cho Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương dẫn tới Sứ mệnh hỗ trợ khu vực cho Quần đảo Solomon vào năm 2003 và sau đó thuyết phục Papua New Guinea và Nauru đồng ý các biện pháp can thiệp ở mức độ vừa phải vào năm 2004, Australia vẫn vấp phải những giới hạn.

Trong thời gian can thiệp vào Quần đảo Solomon, Australia liên tục bị các quan chức chính phủ và xã hội dân sự chỉ trích. Tại Papua New Guinea, Australia buộc phải rút lực lượng cảnh sát sau khi họ không giành được quyền miễn trừ từ Hiến pháp. Tại Nauru, hỗ trợ quản trị của Australia ngày càng trở nên phụ thuộc vào thỏa thuận với nước này trong việc thiết lập một trung tâm xử lý người tìm kiếm tị nạn.

Những hạn chế của Australia trở nên rõ ràng hơn sau cuộc đảo chính ở Fiji năm 2006. Những nỗ lực gây ảnh hưởng của Australia nhằm cô lập và áp dụng các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự ở nước này là không đáng kể. Và đến năm 2012, Australia chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với chính quyền quân sự Fiji hai năm trước khi nước này trở lại nền dân chủ.

Khó bề cạnh tranh với những “gương mặt mới”

Gần đây hơn, những biến động trong cơ cấu quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn đã làm thay đổi khung cảnh địa chính trị. Đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc tăng viện trợ cho khu vực và Nga mới đây viện trợ thiết bị quân sự số lượng lớn cho Fiji.

Thật vậy, trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2013, Australia đã phải thừa nhận rằng "thái độ đối với vai trò của họ trong khu vực đang thay đổi" do "tầm với và ảnh hưởng gia tăng của các quốc gia châu Á" mở ra một sân chơi rộng lớn hơn khi can dự và thiết lập quan hệ đối tác với các nước láng giềng của Australia. Một số đối tác bên ngoài bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây cũng đã tham gia vào cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thừa nhận rằng, trong bối cảnh khu vực phức tạp, Australia "đòi hỏi can dự nhiều hơn ở mọi cấp độ, chính sách hội nhập sâu rộng hơn và cùng với đó là những ý tưởng mới". Nhưng trong khi Australia công bố đóng góp thêm 80 triệu AUD để đối phó với biến đổi khí hậu trong khu vực và được các nước hoan nghênh, điều này không thể thay đổi thực tế rằng phương pháp tiếp cận của Australia đối với vấn đề biến đổi khí hậu về cơ bản khác so với của các quốc gia Thái Bình Dương.

Bối cảnh thay đổi

Trật tự khu vực cũng đang diễn biến bất ngờ, nhất là khi các quốc gia Thái Bình Dương ngày càng tạo ra hoặc tăng cường liên kết với các tổ chức, thể chế khu vực và tiểu khu vực mà không có Australia tham gia. Ví dụ, Diễn đàn Phát triển Quần đảo Thái Bình Dương - được thành lập bởi chính quyền Fiji vào năm 2012 - hoạt động song song và có khả năng cạnh tranh với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Những tổ chức thay thế này cũng tạo ra những "đại lộ" cho các cường quốc bên ngoài có thể gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.

Papua New Guinea là nước ngày càng có ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng mối quan hệ của Australia với Papua New Guinea đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự phụ thuộc vào Papua New Guinea trong việc quản lý Trung tâm Xử lý Khu vực trên đảo Manus. Đến cuối năm 2015, Chính phủ Papua New Guinea đã hủy hợp đồng với tất cả cố vấn người Australia làm việc trong chính phủ này. Trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, Papua New Guinea đã công khai tuyên bố rằng, họ sẽ không tham gia vào Hiệp định Quan hệ Kinh tế Chặt chẽ hơn ở Thái Bình Dương (PACER Plus) với lý do nó không đem lại lợi ích như mong muốn.

Ảnh hưởng chiến lược của Australia ở Thái Bình Dương đang dần suy yếu và đặc tính của quốc gia này như một "bá quyền khu vực" cũng trở nên trống rỗng. Vì vậy, Australia đang phải đối mặt với tình thế khó xử. Nước này có những lợi ích chiến lược quan trọng ở Thái Bình Dương, nhưng không có nhiều ảnh hưởng để theo đuổi chúng. Các quốc gia Thái Bình Dương đa phần không sẵn sàng chấp nhận sự lãnh đạo của Australia và thay vào đó làm suy yếu quan hệ như trục xuất các quan chức, dàn dựng các cuộc biểu tình, phá hoại hiệp định…

Do đó, đã đến lúc Australia phải đánh giá lại chiến lược của mình ở Thái Bình Dương. Thay vì coi đặc trưng của khu vực Thái Bình Dương như một "vòng cung bất ổn", chính sách đối ngoại của Australia nên bắt đầu từ một tiền đề tích cực hơn là việc nhận ra tiềm năng của khu vực. Điều này có thể giúp Australia làm việc với các quốc gia Thái Bình Dương như những đối tác an ninh chính của mình, chứ không phải để bị gắn mác "bá quyền khu vực trống rỗng".

(theo East Asia Forum)