Tháng 6/2016, khoảng 17,4 triệu cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - sự ủng hộ chính trị lớn nhất từ trước đến nay của dư luận ở "đảo quốc sương mù". Anh hiện đang tiến hành những bước đi đầu tiên trong quá trình dự kiến kéo dài ít nhất 2 năm để rút khỏi EU. Sau khi quá trình này hoàn tất, nước Anh sẽ thực sự có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập khỏi EU.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Mỹ John Kerry. (Nguồn: SCMP) |
Quốc gia đồng minh của Mỹ này sẽ có thể tự tin hơn, nhiều khả năng hơn và sẵn sàng hành động trên trường quốc tế. Trước mắt, có ba lĩnh vực mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và tân Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cần tập trung giải quyết trong phần còn lại của năm 2016.
Thứ nhất, chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq: Cuộc chiến tại Iraq đã bước vào thời điểm quyết định. Quân đội Iraq đã giải phóng Ramadi hồi tháng 12/2015 và Fallujah hồi tháng 5/2016 khỏi tay IS và mùa Đông tới sẽ là cơ hội để giải phóng Mosul. Mỹ và Anh cần hợp tác chặt chẽ để cung cấp những hỗ trợ kịp thời về cả tình báo, do thám và tấn công đường không. Việc để mất Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, sẽ là một đòn nặng đối với IS.
Thứ hai, sự ổn định ở Đông Âu: Việc Nga trỗi dậy về mặt quân sự và cuộc xung đột tại Ukraine thường xuyên đe dọa an ninh và ổn định khu vực. Một loạt quyết định hợp lý như tăng thêm quân tại khu vực Baltic và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu đã được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua nhằm đối phó với sự hung hăng của Nga ở Đông Âu. Mỹ và Anh cần đảm bảo những biện pháp này được thực hiện đầy đủ, đồng thời ngăn không cho các nước châu Âu khác nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Những vấn đề tới từ Đông Âu đang khiến liên minh Anh - Mỹ phải cẩn trọng. (Nguồn: ECU) |
Thứ ba, cuộc bầu chọn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ): Vấn đề này ở mức độ nào đó có liên quan đến vấn đề thứ hai. Thông lệ cho thấy Tổng Thư ký kế tiếp của LHQ nên là một người Đông Âu, đồng thời, những cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy một người phụ nữ nên ngồi vào vị trí này.
Đối với Anh, ứng cử viên duy nhất đạt đủ hai điều kiện đó là Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO), bà Irina Bokova, người Bulgaria. Tuy vậy, nhiều thông tin cho biết chính quyền Tổng thống Barack Obama lại ủng hộ Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra. Trong khi đó, nước Anh không thích lựa chọn này do thái độ của Ngoại trưởng Malcorra đối với vấn đề chủ quyền đảo Falkland/Malvinas. Do đó, Anh và Mỹ cần hợp tác để giải quyết vấn đề này.
Boris Johnson, người chiếm vị trí trung tâm trong chiến dịch vận động rút khỏi EU, chắc hẳn sẽ là một Ngoại trưởng thành công của nước Anh. Việc Johnson trở thành Ngoại trưởng là một cơ hội vàng để tăng cường mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh vì lợi ích của thế giới. Mỹ cần nắm lấy cơ hội này, đảm bảo xu hướng tách khỏi châu Âu sẽ tạo ra một nước Anh tích cực tham gia các vấn đề toàn cầu hơn là trở thành một hòn đảo bị cô lập.