Vụ bắt giữ tàu hàng Galaxy Leader đã làm nóng Biển Đỏ trong gần hai tháng qua. (Nguồn: AP) |
Ngày 19/11/2023, lực lượng Houthi ở Yemen với lý do ủng hộ Hamas đã bắt giữ tàu hàng Galaxy Leader liên quan đến Israel tại Biển Đỏ với 25 thủy thủ có nhiều quốc tịch khác nhau làm con tin.
Hãng TASS đưa tin, tính từ thời điểm bùng nổ xung đột đến ngày 10/1, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tiến hành hơn 26 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các tàu thương mại và tàu hải quân ở Biển Đỏ.
Mới đây nhất, cuộc tấn công vào ngày 9/1 được đánh giá là cuộc tấn công lớn nhất mà lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển quốc tế ở vùng biển Yemen. Ít nhất 44 quốc gia có mối liên hệ với các tàu bị Houthi tấn công, đồng thời thương mại quốc tế nói chung bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas chưa có dấu hiệu dừng lại, sự gia tăng các cuộc tấn công của lực lượng Houthi khiến cho Biển Đỏ trở nên “dậy sóng”.
Tuyến đường thương mại quan trọng
Biển Đỏ nằm giữa châu Phi và châu Á, thông ra đại dương ở phía Nam qua eo biển Bab-el-Mandeb và vịnh Aden, phía Bắc là bán đảo Sinai, vịnh Aqaba và vịnh Suez (nối vào kênh đào Suez). Biển Đỏ dài khoảng 1.900 km và chỗ rộng nhất là trên 300 km. Đáy biển có độ sâu tối đa 2.500 m ở điểm giữa rãnh trung tâm và có độ sâu trung bình 500m.
Biển Đỏ là biển nhiệt đới nằm cao nhất về phía Bắc của thế giới. Nhiệt độ bề mặt nước Biển Đỏ được duy trì tương đối ổn định ở mức 21-25°C.
Một số người cho rằng, tên Biển Đỏ là do một phần Biển Đỏ có màu đỏ tạo nên bởi một loại tảo đỏ sinh sống gần khu vực mặt nước. Tảo này cũng chỉ nở rộ theo mùa. Theo một số khác, Biển Đỏ dùng để chỉ những dãy núi giàu khoáng chất gần đó. Nhưng quan niệm được các học giả hiện đại ưa chuộng hơn cả, là cái tên Biển Đỏ ám chỉ phương Nam cũng như Biển Đen ám chỉ phương Bắc. Cách đặt tên này liên quan đến quan điểm của người Hy Lạp cổ về phương hướng, màu đen cho hướng Bắc và màu đỏ cho hướng Nam, màu xanh cho hướng Tây và màu vàng cho hướng Đông.
Tuyến đường qua Biển Đỏ kết nối châu Á tới châu Âu, qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế. Kênh đào Suez xử lý khoảng 12% thương mại toàn cầu và các tàu đi từ châu Á tiếp cận kênh đào qua eo biển Bab-el-Mandeb rộng 30km.
Khoảng một nửa số hàng hóa vận chuyển qua kênh là hàng container. Tuyến đường này cũng rất quan trọng với các chuyến hàng dầu từ vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ.
Vấn nạn cướp biển và sự cố Ever Given
Tuyến đường thương mại quan trọng này vốn được biết đến là một “điểm nóng” của hoạt động cướp biển. Năm 2008, cướp biển Somalia đã tấn công hơn 130 tàu buôn, số vụ cao hơn gần 200% so với năm 2007. Đỉnh điểm là vào tháng 11/2008, một toán cướp biển Somalia bắt cóc một tàu chở hàng có giá trị 30 triệu USD của Ukraine ở ngoài khơi duyên hải Somalia 200 hải lý, phía Nam Biển Đỏ. Toán cướp muốn trao đổi để lấy 20 triệu USD tiền mặt. Cuối cùng, thông qua đàm phán, con tàu được phóng thích cùng với thủy thủ đoàn và hàng hóa.
Những năm tiếp theo, khu vực này liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp biển, giữ tàu, bắt cóc thủy thủ đoàn, gây tâm lý hoang mang cho các tàu thuyền qua lại và thiệt hại lớn về mặt kinh tế với nhiều nước xuất nhập khẩu hàng hóa qua Biển Đỏ.
Để chống cướp biển ngoài khơi và bảo đảm an toàn hàng hải vùng Sừng châu Phi, cửa ngõ ra vào Biển Đỏ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 17/8/2009 đã mở chiến dịch Lá chắn đại dương (Ocean Shield). Tham gia chiến dịch có tàu của hải quân các nước NATO, cũng như của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... Chiến dịch này tiếp nối chiến dịch trên biển Bảo vệ đồng minh (Allied Protector) mà NATO phát động năm 2008.
Chiến dịch Lá chắn đại dương không chỉ nhằm chống cướp biển mà còn giúp các quốc gia trong khu vực phát triển khả năng chống cướp biển, bảo đảm an ninh bền vững ở khu vực Sừng châu Phi. Năm 2010, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng cướp biển, có hơn 30 tàu buôn bị tấn công. Chiến dịch này kết thúc vào tháng 11/2016 với lý do không có vụ tấn công cướp biển nào được ghi nhận ngoài khơi Somalia kể từ năm 2012.
Ngày 23/3/2021, tàu Ever Given (do tập đoàn hàng hải Evergreen vận hành) dài bằng bốn sân bóng đá cùng tải trọng lên tới 199.000 tấn, một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới mắc cạn do gặp thời tiết xấu khi đi qua kênh đào Suez. Sự cố làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa qua một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới, gây thiệt hại to lớn tới thương mại quốc tế.
Mỗi năm có khoảng 20.000 chuyến tàu đi qua kênh đào Suez dài gần 200 km. Vụ mắc cạn của siêu tàu chở hàng Ever Given đã khiến hơn 400 tàu thuyền phải chờ đợi, tiêu tốn thương mại toàn cầu từ 6-10 tỷ USD một ngày.
Sự cố mắc cạn của tàu Ever Given tại kênh đào Suez chỉ kéo dài trong một tuần sau khi nhiều nước với công nghệ mới nhất cùng tham gia xử lý hút cát, khơi thông dòng chảy tại kênh đào Suez. Chủ tàu sau đó phải bồi thường hơn 200 triệu USD cho Cơ quan quản lý kênh đào Suez do gây ra ách tắc tại tuyến đường thủy trọng yếu này.
Các cuộc tấn công của Houthi khiến việc di chuyển qua Biển Đỏ thời gian này là một nhiệm vụ vô cùng căng thẳng. (Nguồn: Reuters) |
Hệ lụy từ Gaza
Các cuộc khủng hoảng trước đây tại Biển Đỏ do nạn cướp biển hoặc sự cố thiên tai có thể được giải quyết trên cơ sở hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Dải Gaza mang tính địa chính trị, có thể kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.
Lực lượng Houthi tuyên bố tấn công các tàu thuyền trên Biển Đỏ có liên quan Israel để thể hiện ủng hộ người Palestine và gây áp lực ngừng bắn đối với Israel. Sau vụ bắt giữ tàu Galaxy Leader ngày 19/11 năm ngoái, chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công của lực lượng Houthi sẽ chấm dứt. Tàu Galaxy Leader do Công ty vận tải biển Nippon Yusen của Nhật Bản vận hành và treo cờ Bahamas. Tuy nhiên, dữ liệu vận tải công khai cho thấy chủ sở hữu con tàu này có liên quan đến Công ty Ray Car Carriers do ông Abraham Rami Ungar, một trong những người giàu nhất Israel, thành lập.
Sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đỏ đe dọa rất lớn đến hoạt động vận chuyển thương mại hàng hải quốc tế. Do tình hình căng thẳng leo thang, các hãng tàu đã phải thay đổi lộ trình vận chuyển. Công ty Maersk của Đan Mạch kiểm soát gần 15% thị trường vận tải toàn cầu, hãng tàu MSC lớn nhất thế giới của Thụy Sỹ, Hapag-Lloyd của Đức, CMA CGM của Pháp và các công ty khác đang chuyển hướng tàu đi qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, dài hơn 5 nghìn km so với tuyến đường truyền thống.
Còn nếu các chủ tàu vẫn muốn đi qua Biển Đỏ thì chi phí bảo hiểm cho tàu thuyền tăng lên đáng kể. Các tàu chở dầu tới 90.000 tấn sẽ tính thêm “phí an ninh” 150.000 USD mỗi chuyến khi vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ từ Trung Đông và Ấn Độ đến châu Phi. Giá cước vận chuyển tổng thể đi qua eo biển Bab el-Mandeb đã tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Dải Gaza.
Không những thế, tác động từ sự bất ổn trên Biển Đỏ có thể ảnh hưởng rất lớn đến kênh đào Suez và gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Ai Cập. Kênh đào Suez đã tạo ra doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023 cho Ai Cập.
Chiến dịch Bảo vệ thịnh vượng
Trước những cuộc tấn công tàu dân sự của Houthi, hải quân Mỹ đóng tại khu vực đã nhiều lần tham gia đẩy lùi sự khiêu chiến của lực lượng này. Các tàu khu trục USS Mason và Carney đã làm nhiệm vụ ở vùng biển này kể từ tháng 11/2023. Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), ngày 14/12/2023, tàu khu trục USS Mason đã bảo vệ thành công cho tàu chở dầu Ardmore Encounter ở Biển Đỏ khỏi cuộc tấn công của hai tên lửa và máy bay không người lái.
Ngày 18/12/2023, Mỹ công bố liên minh 10 quốc gia do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ với tên gọi chiến dịch Bảo vệ thịnh vượng (Operation Prosperity Guardian-OPG). Liên minh này bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Trong khuôn khổ này, một số quốc gia tham gia tuần tra chung trong khi những quốc gia khác tham gia hỗ trợ tình báo ở phía Nam Biển Đỏ và vịnh Aden.
Italy điều động tàu hộ vệ tên lửa Virginio Fasan đến khu vực nhưng tàu này sẽ không tham gia OPG, đặt dưới sự chỉ huy của một đơn vị do Mỹ điều hành. Australia chỉ cử 11 quân nhân, trong khi Hy Lạp cam kết điều động một tàu hộ vệ chưa rõ chủng loại. Một số quốc gia thuộc khu vực như Saudi Arabia và Ai Cập chưa thể hiện ý định tham gia liên minh, còn Tây Ban Nha đã từ chối chỉ sau sáu ngày Mỹ ghi tên nước này. Mỹ mới đây mời Ấn Độ tham gia, tuy nhiên, giống như Pháp và Italy, Ấn Độ muốn duy trì sự hiện diện hải quân riêng biệt trong khu vực hơn là gia nhập một liên minh do Mỹ dẫn đầu để chống lại các cuộc tấn công của Houthi.
Tình hình tại Biển Đỏ tiếp tục leo thang cùng với cuộc xung đột Hamas-Israel đang đặt ra bài toán nan giải. Mỗi nước đều có những tính toán riêng để bảo vệ lợi ích của nước mình và các lợi ích đó lại giải quyết bằng những phương án khác nhau.