Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã diễn ra vào ngày thứ Ba, sau ngày thứ Hai của tháng 11 và cụ thể là vào ngày 6/11/2018. Mặc dù năm 2018 không phải là năm bầu cử Tổng thống, song cuộc đua này cũng không kém phần quan trọng vì nó sẽ làm thay đổi cán cân ở lưỡng viện, ảnh hưởng tới chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.
Theo Hiến pháp Mỹ, Thượng viện có 100 thành viên, được bầu từ 50 bang. Thượng Nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm và cứ 2 năm một lần có 1/3 số Thượng nghị sĩ sẽ được bầu lại. Như vậy, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 sẽ có 36 Thượng nghị sĩ được bầu lại (đảng Dân chủ chiếm 26 ghế, đảng Cộng hòa chiếm 9 ghế). Cuộc bầu cử cũng xác định lại 36 ghế Thống đốc bang, 3 ghế Thống đốc vùng lãnh thổ và nhiều thị trưởng thành phố khác.
Trong khi đó, Hạ viện Mỹ, với 435 đại biểu đại diện cho 50 bang, cũng sẽ được bầu lại. Các Hạ nghị sĩ được bầu chọn thông qua bầu cử phổ thông (không có đại cử tri) với nhiệm kỳ 2 năm tính từ ngày Hạ viện tổ chức kỳ họp đầu tiên. Chính vì vậy, họ không bị hạn chế bởi số nhiệm kỳ, nhưng buộc phải bầu lại sau 2 năm để đảm bảo tính liên tục. Cuộc bầu cử năm nay sẽ có tổng cộng 235 ghế của đảng Cộng hòa, 193 ghế của đảng Dân chủ và 7 ghế trống sẽ được bầu lại. Ghế trống thuộc về các Hạ nghị sĩ đã từ chức, nghỉ hưu hoặc vì các lý do khác mà chưa có ai thay thế.
Người dân Mỹ bỏ phiếu tại khu vực Newport Beach, bang California ngày 6/11. (Nguồn: Reuters) |
Một Trump vì nước Mỹ
Với những gì đã đạt được trong hai năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã tạo dựng không ít “vốn liếng” chính trị. Nền kinh tế Mỹ trong hai năm qua đã có những chuyển biến đáng kể khi đạt tốc độ tăng trưởng trong Quý 3 năm nay khoảng 4,1%. Đây có thể coi là mức tăng trưởng khá cao và ấn tượng kể từ khi xảy ra cuộc suy thoái kinh tế thế giới vào năm 2008. Uy tín của Tổng thống Donald Trump cũng vì thế mà tăng theo khi có tới hơn 4 triệu việc làm mới được tạo ra. Tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ được cho là thấp nhất, khoảng 3,7% trong vòng 50 năm qua, bao gồm cả tỷ lệ thất nghiệp đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Châu Á, Châu Phi. Tỷ lệ ủng hộ chính quyền đương nhiệm đã tăng khá nhanh trong tuần sát bầu cử, khoảng 43% cho đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ là 50%.
Với chính sách cắt giảm thuế, ông Trump đã đưa về lại trong nước hơn 300 tỷ USD sản xuất nội địa. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dù bị chỉ trích, vẫn là cách mà chính quyền Donald Trump cắt giảm thâm hụt thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các thỏa thuận thương mại, quốc tế đa phương dù bị chỉ trích là “chủ nghĩa bảo hộ” hay “chủ nghĩa cá nhân Trump” thì cũng chỉ nhằm mang lại lợi ích cho người Mỹ.
Và một nước Mỹ chẳng vì Trump
Tuy đạt được những thành tựu đáng kể như vậy, song các cuộc thằm dò trước bầu cử cho thấy, đảng của ông Donald Trump sẽ mất quyền kiểm soát tại Hạ viện và kết quả cuộc bầu cử hôm 6/11 đã cho thấy điều này. Xét về tương quan lực lượng, đảng Cộng hòa khó có thể hội tụ đủ lá phiếu khi mất đi nhiều ưu thế tại các bang như Florida, Wisconsin, West Virginia, Montana, Pennsylvania… Nhiều lá phiếu của cử tri đã quay sang ủng hộ và giúp đảng Dân chủ dành được trên 218 phiếu, chiếm quyền kiểm soát Hạ viện.
Việc đảng Dân chủ chiếm ưu thế Hạ viện sẽ đẩy chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào tình thế khó khăn trong việc triển khai chính sách đối nội và đối ngoại, nổi bật là các vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm y tế hay chính sách thuế. Phe Dân chủ sẽ buộc ông Donald Trump phải thay đổi, hoặc điều chỉnh các chính sách phù hợp với phương châm của Đảng này. Chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, hoặc giảm thuế cho các cá nhân có mức thu nhập 500.000 USD từ 40% xuống còn 37% cũng có thể bị xem xét lại. Điều này sẽ giáng mạnh vào gói đề xuất giảm thuế lần 2 của Donald Trump.
Trong khi đó, với việc tiếp tục kiểm soát Thượng viện, chính quyền Donald Trump vẫn sẽ triển khai những chính sách hiện nay, nhưng sẽ bị chi phối khá lớn bởi Hạ viện Mỹ. Nổi bật nhất trong số này là sự tham dự của Mỹ trong các thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF); chính sách của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc; vấn đề hạt nhân của Iran; chính sách nhập cư và chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Những chính sách này sẽ khó có thể bị đảo ngược khi đã được triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, với việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Donald Trump sẽ phải có sự điều chỉnh để có thể tìm được tiếng nói chung, nếu không muốn rơi vào khoảng thời gian bế tắc như người tiền nhiệm trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.
Cuộc “phiêu lưu” về các chính sách đối nội và đối ngoại vốn được coi là “hiện tượng” của chính quyền Donald Trump trong hơn hai năm qua có lẽ sẽ rẽ sang một trang mới sau ngày 6/11. Đây cũng không phải là điểm mới trong chính trị Mỹ, bởi các đời Tổng thống trước đây cũng thường phải chia sẻ quyền lực tại Hạ viện hoặc Thượng viện. Chỉ có người dân Mỹ mới là người thực sự biết được đâu là lúc đưa ra quyết định của mình, nhằm “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” hay “nước Mỹ trên hết” đi vào đúng quỹ đạo của nó.
TS. Phạm Cao Cường
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ