📞

Bầu cử Mỹ 2020: Ông Trump hay Biden sẽ 'sửa chữa' chính sách đối ngoại của nước Mỹ?

Mai Hà 20:20 | 26/10/2020
TGVN. Theo Tạp chí Mỹ National Interest, chính sách đối ngoại của Mỹ trong hơn 2 thập kỷ qua là một sự thất bại không đáng có. Nếu không sớm thực hiện những thay đổi đáng kể, nước Mỹ có nguy cơ phải chịu tổn thất nặng nề.
Ông Trump hay ông Biden sẽ là người dẫn dắt nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới?. (Nguồn: SCMP)

Cần một chính sách mới

Tạp chí National Interest cho rằng, cho dù Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới hay ông Joe Biden được lựa chọn, điều quan trọng là chính quyền Mỹ phải “đoạn tuyệt” với những thất bại trong quá khứ.

Ông Trump không thể tiếp tục duy trì hiện trạng của nhiệm kỳ 4 năm qua và ông Biden cũng không thể chỉ lặp lại thời kỳ 8 năm của mình dưới thời Barack Obama. Nước Mỹ cần xây dựng chính sách đối ngoại mới phù hợp với sự nhìn nhận thực tế và tỉnh táo vốn có về thế giới, đồng thời sử dụng toàn bộ sức mạnh của Mỹ - theo những cách thông minh và sáng tạo - để tạo ra những thành quả có lợi cho đất nước.

Tuy nhiên, nếu chính quyền tiếp theo tiếp tục hiện trạng chính sách đối ngoại theo hướng mất kiểm soát trong nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ có nguy cơ tụt hậu trên trường quốc tế, hoặc tồi tệ hơn là sẽ sa lầy vào một cuộc chiến hoàn toàn không cần thiết và vô nghĩa.

"Điều lo lắng lớn nhất hiện nay là người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng tới sẽ không thực hiện những thay đổi cần thiết này. Sự đình trệ của chính sách đối ngoại Mỹ trong vài thập kỷ qua sẽ tiếp tục cản trở bất cứ nỗ lực sửa đổi nào. Mỹ sẽ tiếp tục phải trả giá đắt cho thất bại mà lẽ ra có thể tránh được", tạp chí chuyên phân tích về chính trị quân sự Mỹ bình luận.

Tạp chí National Interest dự báo, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia hầu hết hoặc tất cả các cuộc chiến vốn vẫn đang diễn ra và kéo dài vĩnh viễn, và cuối cùng sẽ rơi vào một cuộc chiến thực sự làm suy giảm nghiêm trọng khả năng phòng thủ đất nước và làm hỏng nền tảng của khả năng thịnh vượng.

May mắn thay, những điều tồi tệ chưa xảy ra và nước Mỹ vẫn còn thời gian. Mỹ không có chiến tranh với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hay Iran. Mỹ có quân đội mạnh nhất và khả năng vô song để phát triển sức mạnh trên toàn cầu. Đồng USD vẫn là đồng tiền thống trị toàn cầu và Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh nhất hành tinh.

Từ thế mạnh và quyền lực này, Mỹ có thể thay đổi đường lối chính sách đối ngoại, dần khắc phục hậu quả tiêu cực và theo thời gian xây dựng nền tảng vững chắc hơn nữa cho sự thịnh vượng và an ninh quốc gia.

Sa lầy vào các cuộc chiến kéo dài

Chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ ngày 11/9/2001 đã phát triển đến mức chính sách ngoại giao của Mỹ với thế giới là một loạt các cuộc chiến kéo dài triền miên mà không có dấu hiệu kết thúc. Các biện pháp ép buộc chống lại ngay cả các cường quốc hạt nhân lớn, từ các cuộc phô trương quân sự cho đến sử dụng thường xuyên các biện pháp trừng phạt kinh tế, thậm chí chống lại cả các đồng minh của Mỹ.

Các chính sách hiện tại của Mỹ không chỉ thất bại trong các mục đích đã định sẵn mà còn làm suy giảm an ninh và làm phức tạp khả năng thịnh vượng của nước Mỹ. Hàng nghìn quân nhân Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người bị chấn thương tâm lý. 6 nghìn tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ đã bị lãng phí.

Cách tiếp cận quân sự đầu tiên của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu bắt đầu vào ngày 11/9/2001. Vết thương ban đầu mà nước Mỹ phải chịu vào ngày hôm đó chỉ là phần nổi của tảng băng và đẩy nước Mỹ vào con đường sa lầy cho đến tận ngày nay.

Việc người dân Mỹ sợ hãi thế giới khủng bố bóng tối vào thời điểm đó và chính phủ Mỹ buộc phải vào cuộc để đảm bảo an ninh và ổn định cũng là điều dễ hiểu. Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã đáp trả các vụ tấn công một cách mạnh mẽ để trừng phạt những kẻ mà theo ông là có tội trong các cuộc tấn công ở Afghanistan.

Mùa hè năm 2002, al-Qaeda đã bị tổn thất nghiêm trọng và phân tán thành những nhóm nhỏ ở khắp Trung Đông. Tổng thống Bush lẽ ra sau đó nên thừa nhận các mục tiêu đã đạt được và rút quân, chuyển Phái bộ Afghanistan thành tổ chức nhân đạo và ngoại giao do Bộ Ngoại giao lãnh đạo.

Thay vào đó, ông lại từ chối giành chiến thắng và mở rộng cuộc xung đột. Kể từ khi ông Bush từ chối rút quân khỏi Afghanistan năm 2002, tất cả các chính quyền Mỹ từ đó đều thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau, thay đổi quy mô quân số từ thấp nhất là 8.600 quân đến nhiều nhất là 100.000 quân, nhưng không bao giờ thành công trong việc giành chiến thắng và chấm dứt xung đột.

Tháng 10 vừa qua, Mỹ đã bước sang năm thứ 20 liên tiếp có mặt ở Afghanistan, sa lầy trong cuộc chiến kéo dài mà không có mục tiêu xác định và không có cách nào để giành chiến thắng.

Hơn nữa, tiếp nối một số tiền lệ xấu mà Tổng thống Bush đã đặt ra, ông Obama cam kết quân đội Mỹ tiếp tục tham chiến hoặc hỗ trợ các chiến dịch ở Syria, Yemen và Libya. Không ai ngoài ông Obama sử dụng vũ lực để hoàn thành các mục tiêu đã nêu: Quân đội Mỹ vẫn ở Syria, nội chiến Yemen tiếp diễn mà không có giải pháp nào, và 9 năm sau khi can thiệp, Libya vẫn là vết thương khó lành của một cuộc nội chiến.

Hướng tới một nước Mỹ an toàn và thịnh vượng

Vì uy tín của mình, ông Trump đã không bắt đầu bất cứ cuộc chiến mới nào và đã giảm quân số tham chiến ở nước ngoài. Tuy nhiên, để ngăn chặn đà trượt dốc này vào năm 2021, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới phải làm nhiều hơn, đoạn tuyệt với quá khứ và bắt tay vào lộ trình mới.

Việc phân tích thận trọng, toàn diện và không cảm tính về toàn bộ sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của Mỹ, cùng với sự đánh giá chính xác, công bằng về bất cứ đối thủ hoặc khu vực địa lý cụ thể nào, sẽ đưa ra lập luận thuyết phục rằng có những cách hiệu quả và ưu việt hơn rất nhiều cho chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ. Những cách thức này sẽ làm cho nước Mỹ an toàn và thịnh vượng.

Về cơ bản, chủ nghĩa hiện thực mang tính xây dựng nhìn nhận thế giới như bản chất vốn có của nó và tạo ra các chính sách để tối đa hóa khả năng của chính phủ Mỹ nhằm giữ an toàn cho công dân Mỹ, trong khi đồng thời xây dựng các mối quan hệ tốt nhất có thể với tất cả các quốc gia và các nhóm trên khắp thế giới. Nó không nhìn thế giới theo các thuật ngữ đơn giản là trắng hay đen, thiện hay ác mà dựa trên các chính sách trên cơ sở đánh giá cảm quan về cách mà Mỹ có thể bảo vệ tốt nhất các lợi ích của mình.

Ông Trump trong nhiệm kỳ thứ 2 hoặc ông Biden trong nhiệm kỳ đầu tiên đều có cơ hội làm cho nước Mỹ mạnh hơn và thịnh vượng hơn. Tổng thống tiếp theo có thể thực hiện điều này bằng cách cố gắng hết sức trong ngoại giao, thừa nhận thế giới hỗn độn như bản chất của nó, và vận dụng tư duy tìm kiếm điều tốt nhất có thể cho nước Mỹ.

(theo National Interest)