📞

Bầu cử Mỹ: Trung Quốc "chọn" bà Clinton hay ông Trump?

09:05 | 05/11/2016
Trang mạng Chính sách Thế giới (World Policy) vừa đăng một loạt bài chuyên đề về các quan điểm toàn cầu liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với các tác động vượt ra ngoài phạm vi đảng phái và cả ngoài biên giới các nước.

Trong đó, tác giả Lia Isono thuộc Viện Chính sách thế giới (World Policy Institute, Mỹ) đã có bài viết về ảnh hưởng của cuộc bầu cử tới Trung Quốc.

Quá nhiều vấn đề cần quan tâm

Theo tác giả phân tích, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đang trong giai đoạn cam go, nỗ lực hết mình nhằm giành được phiếu của các cử tri độc lập và chưa có quyết định.

Không khác gì người dân Mỹ, có lẽ, ông Tập Cận Bình - lãnh đạo một quốc gia lớn có mối quan hệ phức tạp với Mỹ - cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi kết quả của sự kiện chính trị này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung tại Bắc Kinh (Nguồn: World Policy)

Chiến dịch tranh cử hiện nay đang làm dấy lên một câu hỏi căn bản trong giới quan chức Trung Quốc: Liệu họ sẽ thích tổng thống tiếp theo của Mỹ là một người có thể dự đoán được hay chỉ là một “quân bài” khó nắm bắt ?

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chính sách đối ngoại của cựu Ngoại trưởng Clinton rõ ràng tốt hơn là những quyết định không thể đoán trước của ông Trump. Bởi vì, những chính sách khó nắm bắt của ông Trump có thể khiến cho nước này sẽ phải đối phó thêm nhiều vấn đề hơn trong lúc còn bộn bề nhiều thách thức nội địa.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế là sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế kể từ khi tự do hóa thị trường, đặc biệt là giai đoạn sau khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001. Do đó, từ việc mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc đã nảy sinh nhu cầu về phương thức sản xuất cần nhiều lao động.

Jessica Bissett, chuyên gia thuộc chương trình của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung nói: "Chính phủ Trung Quốc đã và đang phải đối phó với vấn đề làm sao để tìm đủ việc làm cho sinh viên mới ra trường; làm thế nào để đối phó với một nền kinh tế phát triển quá nóng mà vẫn cần phải tăng trưởng tốt nhưng không thể phát triển theo cách từ trước đến nay; rồi làm thế nào để chuyển sang mô hình dựa vào tiêu thụ chứ không phải là mô hình đầu tư dựa trên xuất khẩu như hiện nay. Điều đó có nghĩa nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại, đồng thời sẽ có hàng triệu công nhân bị thay thế".

Để giải quyết, Bissett cũng giải thích rằng, Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng một loạt các công cụ để giảm thiểu những mối lo ngại và xoa dịu vấn đề dân số như: Ban hành cải cách kinh tế, thúc đẩy đổi mới, hướng người dân chú ý về chủ nghĩa dân tộc...

Các kịch bản

Vị Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ tác động đến chính sách của Trung Quốc trong tương lai như thế nào? TS. Tom DeLuca, Giám đốc Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Fordham, cho biết, "lợi ích chính của Trung Quốc là giữ cho nền kinh tế phát triển và duy trì quyền lực chính trị. Các mối quan hệ với Mỹ quan trọng hơn so với cách đây 20 năm. Những gì Trung Quốc đang làm là vì lo lắng cho 10-15 năm tới. Do đó, việc có thể dự đoán trước về khả năng lãnh đạo của Mỹ sẽ giúp làm giảm lo lắng về mức độ ổn định của hệ thống kinh tế - chính trị quốc gia này”.

Nếu ông Trump là Tổng thống Mỹ, Trung Quốc sẽ phải thận trọng với các chính sách bảo hộ mà chính quyền của ông rất dễ đưa ra. Vì như TS. DeLuca nhận định, một trong những mối nguy hiểm trong chiến dịch của ông Trump là ông vẫn đang cố gắng tìm ra các cử tri chủ yếu của mình, điều này buộc ông phải sử dụng thêm các lời lẽ khoa trương lạ lùng trong chiến dịch.

Chẳng hạn, khi ông hứa áp thêm 30% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc cũng có nghĩa là sau đó, những người hỗ trợ ông trong chiến dịch tranh cử vẫn có thể sử dụng bàn tay của ông để theo đuổi các chính sách kinh tế hà khắc và ít hợp tác hơn với Trung Quốc... Các doanh nhân Trung Quốc sẽ có rất ít khả năng đàm phán vì có quá nhiều biến tấu cho một triển vọng không chắc chắn. Người Trung Quốc sẽ vẫn làm việc tốt hơn trong tình trạng như hiện tại.

Nếu bà Clinton trở thành Tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại tin rằng, bà sẽ tiếp tục chính sách xoay trục về châu Á của Tổng thống Obama. Bissett nói: "Khi chính sách này được tung ra, các phương tiện truyền thông chủ yếu tập trung vào các khía cạnh chiến lược và an ninh, ít  chú ý tới các yếu tố kinh tế và yếu tố giao lưu con người".

Cũng theo ông Bissett, để thay đổi tâm điểm sang khía cạnh giao lưu văn hóa kinh tế, bà Clinton sẽ phải tiến hành những bước đi cụ thể để xây dựng lòng tin. Lập trường của bà trước đây về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc được Bắc Kinh rất quan tâm. Với kinh nghiệm của một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, bà Clinton có lẽ sẽ được ưa thích hơn của ông Trump vì dù sao Bắc Kinh cũng đã có cảm giác bà Clinton sẽ tiến hành các bước đi ngoại giao khi tiếp cận với những điểm bất đồng.

Tiếp cận vấn đề “nóng”

Về tranh chấp quân sự và lãnh thổ, Bissett dự đoán rằng, cả hai ứng viên Clinton và Trump sẽ đều có lập trường cứng rắn về Biển Đông hơn là để tự do như hiện nay. Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông thu hút sự chú ý của Washington. Lập trường của Mỹ hiện nay đã gửi đi tín hiệu về sự ngăn chặn đối với Bắc Kinh. Một cách tiếp cận cứng rắn hơn từ vị tổng thống tiếp theo của Mỹ có thể làm tồi tệ thêm tình trạng nhạy cảm của vấn đề. Mặt khác, nếu tập trung vào hợp tác thì có thể cải thiện nhận thức của mỗi nước về ý định của nước kia.

Bà Clinton cũng có thể sẽ cứng rắn trong các vấn đề toàn cầu hơn so với Tổng thống Obama, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc có lẽ sẽ nhận ra rằng phần lớn các chính sách đối ngoại của bà đều có thể được dự báo và xử lý phù hợp. Trong khi đó, ông Trump, sẽ khiến Trung Quốc luôn không thể ngồi yên. Ông này hiếm khi bảo vệ các lập trường cụ thể nào đó trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngoài giao dịch thương mại. Một “quân bài” khó lường như ông Trump tiềm ẩn khả năng gây ra xung đột nhiều hơn là thúc đẩy hợp tác.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và cử tri Mỹ đều nhận ra tính nghiêm trọng của cuộc bầu cử năm 2016. Tuy vậy, giờ đây, tất cả những việc họ có thể làm chỉ là chờ đợi cho đến ngày 8/11 để xem định hướng mà vị Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ đưa ra đối với quan hệ Mỹ - Trung.

(theo World Policy)