Nếu Hillary Clinton thắng cử
Australia sẽ thở phào nếu Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ kế tiếp. Bà Clinton vốn đã nổi tiếng trong chính giới ở Canberra từ thời là Ngoại trưởng Mỹ. Bà cũng được nhìn nhận là vị Tổng thống chính thống làm yên lòng mọi người và nhiều hy vọng rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ được cài đặt trở lại “bình thường”.
Trên cương vị Tổng thống mới của Mỹ, chính sách đối ngoại và quốc phòng của bà Clinton xét về khía cạnh sử dụng sức mạnh Mỹ và chống lại Nga và Trung Quốc có thể quyết đoán hơn người tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, ưu tiên của Clinton sẽ là sửa chữa sự tổn hại trong nước đối với các định chế của chính phủ và điều này sẽ đồng nghĩa với một nước Mỹ hướng nội.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới có thể ảnh hưởng quan trọng đến mối quan hệ an ninh thiết yếu của Australia với Mỹ. (Nguồn: The Strategist) |
Từ quan điểm của Australia, bà Clinton sẽ là Tổng thống thông minh và đáng tin cậy về mặt chính sách. Quan trọng là chiến lược xoay trục hay tái cân bằng của Mỹ ở châu Á là ý tưởng quan trọng mà bà và nguyên trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell theo đuổi đã lâu.
Bà cũng được kỳ vọng sẽ ủng hộ các liên minh và sự can thiệp mạnh mẽ trong những trường hợp quan trọng khi trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo bị thách thức. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bà sẽ xây dựng lại quân đội Mỹ mạnh mẽ và ủng hộ thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không?
Nếu chiếc ghế Tổng thống thuộc về ông Trump
Một Tổng thống Trump có thể là người theo chủ nghĩa biệt lập và được cho là “kẻ hủy diệt” các liên minh. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates miêu tả ông Trump không có phẩm chất và không phù hợp để trở thành một vị Tổng Tư lệnh. Ông nói Trump không hiểu biết về thế giới một cách ngoan cố và “không phù hợp về mặt khí chất để lãnh đạo các quân nhân”.
50 quan chức an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại từng phục vụ dưới các chính quyền của Đảng Cộng hòa kể từ thời Tổng thống Nixon cũng ra một tuyên bố miêu tả ông Trump thiếu khả năng kiềm chế và hành động một cách bốc đồng. Theo họ, khả năng tỷ phú Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ là hồi chuông “báo động các đồng minh thân cận nhất của Mỹ với thái độ thất thường của ông ta”.
Sẽ khó hơn rất nhiều để dự đoán các ảnh hưởng của chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng vị tỷ phú này sẽ quyết tâm tạo ra các thay đổi cấp tiến về cách thức điều hành Washington, xây dựng lại nước Mỹ và “làm cho nước Mỹ mạnh mẽ trở lại”. Ông nhấn mạnh nhu cầu tạo ra việc làm, bác bỏ thương mại tự do và nhập cư, buộc các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia phải chi trả nhiều hơn cho quốc phòng của họ. Đây không phải là tin tốt đối với Australia.
Cựu Đại sứ Australia tại Mỹ Kim Beazley đặt câu hỏi rằng, Canberra sẽ bắt đầu làm việc từ đâu với một ứng cử viên thắng cử mà trong chiến dịch tranh cử đã thể hiện sự coi khinh đối với hệ thống liên minh cũng như trật tự dựa trên luật quốc tế, vốn là nền tảng cho sự lãnh đạo của Mỹ kể từ năm 1945.
Một số người khác tin rằng, hệ thống kiểm soát và cân bằng theo hiến pháp Mỹ sẽ chống lại các hành động “chơi ngông” của ông Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn nắm trong tay nhiều quyền lực để thực thi ý muốn của mình. Và ông Trump hoàn toàn có thể hủy hoại niềm tin của các đồng minh hoặc sử dụng các quy định rộng rãi của luật thương mại Mỹ để đưa ra hành động mang tính trừng phạt với các đối tác thương mại.
Nếu Trump thắng cử, người Australia sẽ rất quan ngại. Australia cũng cần lường trước về tình huống tồi tệ nhất của liên minh Australia - New Zealand - Mỹ (ANZUS) và niềm tin vào Mỹ. Không loại trừ khả năng đây sẽ là một thời kỳ thảm họa trong quan hệ Australia - Mỹ.
Nhìn chung, bất kể ai thắng cử, chúng ta sẽ chứng kiến sự phân cực mạnh mẽ hơn ở Washington và các cuộc đấu tranh chính trị vẫn sẽ tiếp diễn. Điều đó sẽ khiến cho một cường quốc hạng trung như Australia khó khăn hơn trong việc khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ.