Năm 2017 được coi là “năm siêu bầu cử” ở Đức và châu Âu. Ở Đức, các cuộc bầu cử cấp bang và Quốc hội Liên bang diễn ra vào tháng 9 tới sẽ quyết định tương lai chính trị của một trong những chính trị gia có uy tín và nhiều kinh nghiệm nhất ở châu Âu và trên thế giới – Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhưng trước đó, các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp diễn ra với những tín hiệu không mấy tốt lành cho tương lai của nền dân chủ, sự ổn định và thịnh vượng của châu lục này.
Nỗi ám ảnh về làn sóng dân tộc cực đoan
Xu hướng dân tộc cực đoan không phải mới xuất hiện mấy năm gần đây ở châu Âu hay ở Đức. Nó âm ỉ trong lòng xã hội suốt nhiều thập kỷ qua, là hậu quả của quá trình phát triển cũng như những thay đổi căn bản trong lòng xã hội phương Tây. Quá trình toàn cầu hóa mang lại những bước tiến khổng lồ về khoa học, công nghệ và đặc biệt là kinh tế. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Kinh tế Đức liên tục nhiều năm duy trì tốc độ phát triển ổn định. Thất nghiệp thấp, lạm phát giảm và sức mua của người dân tăng tương ứng với mức tăng của thu nhập.
Lần bầu cử gần đây nhất ở Hà Lan cách đây 5 năm. Khi đó, chủ đề tranh cử còn là làm sao đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Những năm qua kinh tế Hà Lan phát triển tốt. Vậy điều gì khiến xu hướng ly tâm trong xã hội vẫn có đất sống và ngày càng nở rộ ở các nước châu Âu? Phải chăng đó là “mặt trái của tấm huân chương”?
Đời sống người dân nhìn chung được cải thiện và ngày càng tốt lên, nhưng xu hướng tập trung tư bản, tài sản của thế giới vào 1% dân số thế giới khiến khoảng cách giàu-nghèo ngày càng rộng. Gần 20% người dân Đức bị coi là sống ở mức “tối thiểu”, gần tới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn của EU. Họ là những người thua cuộc của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hàng ngày.
Thêm vào đó, làn sóng người tị nạn năm 2015 đẩy Đức và châu Âu lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng nội bộ cũng như khủng hoảng thế chế. Nhiều nước đặt câu hỏi về sự tồn tại của EU cũng như đồng tiền chung châu Âu. Xu hướng ly khai đe dọa sự tồn vong của “ngôi nhà chung châu Âu” mà nhiều thế hệ người châu Âu đã dày công xây dựng từ sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Brexit được ví như phát đạn bác đầu tiên nhắm vào EU. (Nguồn: Reuters) |
“Phát đại bác” đầu tiên là kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở Anh về việc rời khỏi EU (Brexit). Đây thực sự là “trận động đất” ở châu Âu vì Anh, cùng với Đức và Pháp vốn là đầu tàu của EU. Sự ra đi của Anh khiến EU đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ, có nguy cơ là sự mở đầu cho hàng loạt những “Exit” mới ở Hà Lan, Italy và ngay cả ở Pháp.
Ở Hà Lan, ứng cử viên nặng ký của đảng cực hữu Đảng vì tự do (PVV) Geert Wilders, ở Pháp là bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN), công khai tư tưởng chống Hồi giáo, cổ vũ dân tộc cực đoan và việc làm đầu tiên họ sẽ làm nếu thắng cử là đưa đất nước mình ra khỏi EU và Khu vực đồng Euro (Eurozone). Điều đó cũng đồng nghĩa Đức, Pháp sẽ rút khỏi khu vực đi lại tự do Schengen. Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là dấu chấm hết cho tư tưởng liên minh chính trị và tự do thông thương (người và hàng hóa) trong một thị trường nội địa chung hơn 500 triệu dân ở châu Âu.
Ở Đức, đảng dân tộc cực đoan, thiên hữu Giải pháp cho nước Đức (AfD) cũng với chiêu bài bài ngoại, cực đoan đã liên tiếp thắng cử ở nhiều bang phía Đông. Cá biệt có nơi AfD trở thành lực lượng chính trị mạnh thứ hai, trên cả những đảng vốn có truyền thống lâu đời như SPD hay CDU. Cuối năm ngoái “làn sóng” AfD trở thành hiện tượng mới đáng lo ngại, có nguy cơ lấn lướt, đe dọa sự ổn định chính trị ở Đức.
Trận “động đất” thứ hai là sự thắng cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump ở Mỹ. Thế giới và cả châu Âu bàng hoàng. Giới tinh hoa chính trị của “cựu lục địa” bất ngờ với việc này vì nó nằm ngoài mọi dự đoán trước đó. Họ còn lo ngại hơn (nói đúng nhất là lo sợ hơn) nếu như xu thế bảo hộ mậu dịch, dân tộc cực đoan, bài ngoại, chống Hồi giáo của ông Trump "lây lan" sang châu Âu.
Điều này rất dễ hiểu và có nhiều khả năng thành hiện thực vì những người vui mừng nhất trước thắng lợi của ông Trump là AfD ở Đức, PVV ở Hà Lan và FN ở Pháp. Họ hy vọng là thắng lợi của ông Trump ở Mỹ và Brexit ở Anh sẽ truyền cảm hứng sang cho cử tri ở Đức, Pháp, Hà Lan và nhiều nước khác ở châu Âu.
Bóng mây u ám của xu hướng ly tâm này thực sự đã che phủ bầu trời châu Âu trong suốt những tháng qua và đè nặng lên các nhà chính trị châu Âu, vốn tự nhận là “những người châu Âu thực sự”.
Thắng lợi của nền dân chủ
Đến nay, kết quả bầu cử ở Hà Lan đã rõ. Mặc dù mất khá nhiều ghế trong Nghị viện, nhưng đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte đã duy trì được sự lãnh đạo Chính phủ. Đảng cực hữu PVV của ông Geert Wilders mất nhiều tín nhiệm hơn so với các dự đoán trước đó. Đảng Xanh (GrünLinks) vươn lên đáng kể. Việc lập Chính phủ mới ở Hà Lan chắc cũng còn nhiều khó khăn trước mắt vì khác so với Đức, Hà Lan không có quy định giới hạn 5% nên khá nhiều đảng có chân trong Nghị viện dẫn đến khó khăn trong việc tìm liên minh.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ăn mừng chiến thắng. (Nguồn: AFP). |
Việc 82% cử tri Hà Lan tham gia bỏ phiếu hôm qua khiến người ta nghĩ đến 63% người dân tham gia trưng cầu ý dân năm 2005 về việc có đồng ý với một Hiến pháp chung của châu Âu hay không. Với đa số phiếu không tán thành, người dân Hà Lan khi đó còn khá do dự và không mặn mà lắm với EU. Nhưng sau 12 năm, với kết quả hôm qua, người dân Hà Lan cho thấy họ mong muốn sự ổn định và phát triển của EU. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu trên 80% là chưa có tiền lệ ở một nước châu Âu, nó chứng tỏ cử tri lại tin tưởng trở lại vào sự vận hành của cơ chế dân chủ.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel coi kết quả bầu cử ở Hà Lan là “thắng lợi đối với châu Âu”, là tín hiệu tốt lành cho thấy lực lượng cực hữu không có cơ hội thắng cử, kể cả sắp tới ở Pháp. Ứng cử viên Thủ tướng của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) Martin Schulz cho đó là “tin tốt lành đối với Hà Lan và đối với cả châu Âu”. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Peter Altmaier còn viết bằng tiếng Hà Lan trên Twitter: “Ôi Hà Lan, ôi Hà Lan! Bạn là nhà vô địch!”. Thủ tướng Merkel đã gọi điện ngay chúc mừng thắng lợi của Thủ tướng Rutte.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker coi đó “sự tín nhiệm đối với châu Âu và bất tín nhiệm đối với các thế lực cực hữu”.
Cũng dễ hiểu vì sao các nhà lãnh đạo châu Âu và Đức lại có phần hơi “phấn khích” trước kết quả bầu cử ở Hà Lan. Trước hết, nó phát đi tín hiệu mạnh mẽ là người dân Hà Lan, người dân châu Âu vẫn muốn duy trì sự thống nhất trong EU. Thứ hai, bằng kết quả này, “hiệu ứng Domino” từ Brexit dẫn đến nguy cơ “Niexit” hay các “Exit” khác trước mắt đã được chặn lại. Bóng mây đen của làn sóng dân tộc cực đoan từ bên kia Đại Tây Dương che phủ bầu trời châu Âu suốt mấy tháng qua đang có dấu hiệu tan dần nhanh chóng.
Bà Marine Le Pen đã từng mơ đến ngày “người châu Âu thức tỉnh” và quay trở lại với “nhà nước dân tộc” như trước kia. Còn ông Wilders đã mơ đến một “mùa xuân ái quốc” như dạng “đặt nước Mỹ lên trên hết”. Chủ tịch AfD Frauke Petry ở Đức luôn sát cánh cùng Le Pen hay Wilders với ước muốn mang đến cho dân Đức một “giải pháp khác” như cái tên của đảng này. Nhưng giấc mơ của họ ngày hôm qua đã phải nhường bước cho một giấc mơ chung của đa số người dân Hà Lan cũng như người dân châu Âu mong muốn có một liên minh lớn mạnh, là cơ sở cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của châu lục.
Sự kiện không được trông đợi
Câu hỏi cuối cùng đặt ra là vì sao đương kim Thủ tướng Hà Lan Rutte thắng cử dù trước đó, qua các cuộc thăm dò dư luận, cơ hội thắng cử của ông Wilders cũng khá lớn? Có người nói sự hỗ trợ không hề được trông đợi đến từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.
Xu hướng vì châu Âu, chống ly tâm, chống mọi hình thức của dân tộc cực đoan đương nhiên vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả như ở Hà Lan hôm qua. Có thể coi nó là hình thức “phản vệ” của họ trước xu hướng cực đoan dân tộc đang có xu hướng lấn lướt.
Nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng vô tình tạo cho Thủ tướng Rutte một tình huống mà dư luận cho rằng ông đã xử lý khá tốt. Bằng quyết định cấm các hoạt động vận động tranh cử của thành viên nội các Thổ, cấm nhập cảnh với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ hay áp tải đoàn xe của Bộ trưởng Gia đình Thổ ra khỏi biên giới, ông đã gây ra “sự cố ngoại giao”, khiến các cơ quan đại diện của hai bên bị bao vây, phong tỏa và Đại sứ Hà Lan bị coi là “không được hoan nghênh” tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đám đông người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Rotterdam, Hà Lan ngày 12/3. (Nguồn: eNCA) |
Tuy vậy, qua việc này, người dân Hà Lan lại đoàn kết hơn và ủng hộ thái độ cương quyết của Thủ tướng Rutte đối với những đòi hỏi quá quắt và thái độ trịnh thượng của Tổng thống Erdogan. Họ đứng sau ông có lẽ cũng vì tinh thần ái quốc đó. Nhưng ngay sau khi có kết quả bầu cử, ông đã có một việc làm thú vị là gửi lời mời Tổng thống Thổ sang dùng cơm thân và nghe nói ông Erdogan đã vui vẻ nhận lời!
Chỉ có đàn bò sữa Hà Lan là buồn. Vì bất mãn với việc Hà Lan vừa rồi trục xuất và cấm nhập cảnh đối với bộ trưởng nước mình nên Hiệp hội những người chăn nuôi bò sữa Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định “trục xuất” số bò sữa nhập khẩu từ Hà Lan, đồng thời tuyên bố từ nay cũng sẽ không nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm từ Hà Lan nữa.