Phản ứng trước thông tin về việc nhà báo người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi đã bị sát hại sau khi đi vào trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định Washington sẽ có “hành động cứng rắn” nhằm đảm bảo công lý được thực thi. Thông thường, những bước đi như vậy sẽ được Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia triển khai. Song ở thời điểm hiện tại, cả hai vị trí này đều đang bị bỏ trống.
Khi được hỏi về vấn đề này ngày 10/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino khẳng định rằng “những quan chức có kinh nghiệm” đang kiểm soát tình hình tại đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự thiếu vắng đại diện ở cấp Đại sứ đang làm suy yếu sức mạnh mềm của Mỹ ở những nơi này.
Việc thiếu vắng Đại sứ ở nhiều địa bàn quan trọng khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp khó trong việc mở rộng ảnh hưởng. |
Nhận thức được điều này, Mỹ đã nhanh chóng cử cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ James Jeffrey làm Đặc phái viên của Mỹ tại Syria và sẽ có chuyến công du từ ngày 15 – 23 tới Syria, với điểm dừng chân tại Ankara. Tương tự, ngày 16/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã tới Riyadh trong nỗ lực tìm kiếm lối ra cho căng thẳng chính trị giữa Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Một bên là đồng minh thân thiết của Mỹ tại Trung Đông, bên còn lại là anh em một thời của Washington, với mối quan hệ chỉ vừa mới ấm nóng ít nhiều sau vụ thả mục sư Andrew Brunson. Tuy nhiên, thành trung gian hòa giải cho căng thẳng phức tạp này sẽ tiêu tốn của Mỹ không ít thời gian và nguồn lực. Quan trọng hơn, sự thiếu vắng đại diện ngoại giao tại nước ngoài có thể khiến các quốc gia cảm thấy Washington vẫn chưa “thật tâm”.
Đáng lo ngại hơn, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia chỉ là hai trong số 56 quốc gia mà Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm Đại sứ, trong đó có nhiều nước đóng vai trò quan trọng với Washington như Mexico, Pakistan, Ai Cập, Qatar, các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Australia, Thái Lan và Singapore. Điều này khiến việc triển khai chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump gặp nhiều khó khăn.
Một trong những mục tiêu của Mỹ ở thời điểm hiện tại là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, song rõ ràng Washington đang thất thế trước Bắc Kinh trong quan hệ với Pakistan, một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược “Vành đai, Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc thiếu vắng Đại sứ tại Pakistan khiến các kênh liên lạc giữa Washington và Islamabad trở nên khó khăn hơn và không thiết lập được tiền đề cho cuộc gặp của các quan chức cấp cao. Quan hệ song phương đã có bước lùi đáng tiếc khi ngày 2/10, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmoud Qureshi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cho biết Washington chưa nhận thấy sự thay đổi từ Islamabad và sẽ tiếp tục ngưng viện trợ cho đến khi những yêu cầu được đáp ứng. Nếu như không có sự chủ động hơn từ phía Mỹ, căng thẳng này sẽ khó có thể được tháo gỡ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bổ nhiệm Đại sứ không phải là công việc một sớm một chiều. Thách thức lớn nhất của nhà lãnh đạo Mỹ đến từ sự phản đối của quan chức Ngoại giao thuộc đảng Cộng hòa: tháng 3/2016, trong một bức thư công khai, nhiều nhân vật có tiếng nói trong chính quyền cựu Tổng thống George Bush và George W. Bush đã chỉ trích ông Trump và tuyên bố sẽ không tiếp nhận bất kỳ đề cử nào trong nội các. Một trong những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất của ông Trump, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, cũng sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm nay. Đây sẽ là rào cản không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong việc tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Mỹ thời gian tới.