Ngày 7/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm đáng chú ý đến Triều Tiên.Bình Nhưỡng là chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến thăm 4 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc của ông Pompeo.
Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương đang ở trong tình trạng bế tắc và chưa có nhiều đột phá sau cam kết phi hạt nhân hóa cách đây 4 tháng. Giới chức Mỹ vẫn hoài nghi rằng Bình Nhưỡng "chưa thực sự quyết tâm" từ bỏ vũ khí hạt nhân như nước này tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 7/10. (Nguồn: Reuters) |
Bước tiến mới
“Hiệu quả và tuyệt vời” là lời nhận xét của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra ngày 8/10 sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ. Ông Kim cho biết hai bên đã có 3 giờ đồng hồ trao đổi thẳng thắn và “hiểu đầy đủ về nhau”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định ông tin tưởng đối thoại song phương sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp “dựa trên sự tin tưởng sâu sắc giữa lãnh đạo hai nước”, đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã có nỗ lực thực tâm triển khai thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên hồi tháng 6.
Những tín hiệu tích cực đã được ghi nhận trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thậm chí còn nhận định chuyến thăm lần này thành công hơn cả 3 chuyến thăm trước đó của ông tới Triều Tiên và cho biết chuyến đi là “một bước tiến mới” trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Thành công nổi bật nhất theo ông Pompeo là việc ông cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “sàng lọc các phương án” về địa điểm và thời gian tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un. Cuộc gặp lần thứ hai này dự kiến sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào đầu tháng 11/2018.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã nói với báo chí rằng, ông Kim cho biết sẵn sàng cho phép các thanh sát quốc tế vào kiểm tra khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên và nhà máy thử nghiệm động cơ tên lửa Sohae ngay sau khi hai bên có thống nhất.
Tất cả hoàn toàn trái ngược với tuyên bố chỉ trích của Bình Nhưỡng nhằm vào Washington và ông Pompeo sau chuyến thăm hồi tháng 7. Đây là cơ sở quan trọng để các bên tiếp tục tạo ra tiến triển trong việc thực hiện các thỏa thuận hạt nhân tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore và đạt được tiến bộ cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều vào tháng 6/2018 được đánh giá là bước tiến chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, cho đến nay các bên vẫn loay hoay tìm đường hướng khi những thoả thuận về phi hạt nhân hóa còn khá mơ hồ và rất ít cam kết cũng như quy định cụ thể.
Củng cố đồng minh
Trước thềm chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu tại Bắc Kinh. Sau đó, ngày 6/10, bà Choe đã thăm Moscow để dự hội đàm song phương Nga – Triều và hội đàm ba bên Nga – Trung – Triều.
Động thái của Triều Tiên được cho là nhằm củng cố sự ủng hộ của các nước đồng minh trước thềm chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo. Các cuộc thảo luận với Nga và Trung Quốc xoay quanh vấn đề đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, cũng như tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và cấm vận với Bình Nhưỡng. Trước đó, cả Trung Quốc và Nga từng công khai ủng hộ Triều Tiên về việc giảm nhẹ cấm vận với nước này tại khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi đầu tháng 9/2018.
Ngay sau khi ông Pompeo kết thúc ngày làm việc tại Bình Nhưỡng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cùng đồng loạt lên tiếng về một cuộc gặp thượng đỉnh không xa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Cụ thể, ngày 8/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch thăm Triều Tiên. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ thăm Nga vào tháng tới.
Sự phối hợp với Nga và Trung Quốc vào thời điểm này sẽ đảm bảo được lợi thế của Triều Tiên trong cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời là lá chắn bảo vệ Bình Nhưỡng trong trường hợp quá trình đàm phán hạt nhân với Mỹ thất bại.
Chưa bao giờ triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên lại gần đến như vậy. Đây là một cơ hội lịch sử mà các bên liên quan phải nắm lấy, trong đó có Mỹ. Bước tiến chỉ đến khi hai phía đều có thiện chí và sự nhượng bộ.