📞

Bình luận của TG&VN: Hobbes và câu chuyện Triều Tiên

09:59 | 21/09/2018
Những cam kết của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành hiện thực hay chỉ là “lời hứa”?

Ngày 19/9, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký Tuyên bố chung tại Nhà khách quốc gia Paekhwawon ở thủ đô Bình Nhưỡng, kết thúc Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Phát biểu tại họp báo, ông chủ Nhà Xanh cho biết hai bên đã đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng.

Một trong số đó là Triều Tiên sẽ cho phép các quan sát viên quốc tế tới theo dõi quá trình đóng cửa “hoàn toàn” cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này, trong đó có tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra một khi Mỹ “có hành động tương xứng”. Thứ hai, ông Moon cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiến hành đóng cửa bãi thử tên lửa Tongchang-ri, nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên hai miền nhất trí về những bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn”.

Tuy nhiên, tuyên bố lần này chưa cho thấy bước đi cụ thể tới tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Trước thềm Thượng đỉnh, quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế là lộ trình cụ thể cùng mốc thời gian cho tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Tuyên bố chung của Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba đã không thỏa mãn những mong đợi này.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng hai Phu nhân tham quan ngọn núi Baekdu, biểu tượng linh thiêng của bán đảo Triều Tiên, ngày 20/9. (Nguồn: Reuters)

Thực tế đó khiến không ít người lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục “hứa suông”. Tại hai lần Thượng đỉnh trước và trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un đều cam kết sẽ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ cho rằng sau vài động thái “thiện chí”, Bình Nhưỡng lại tái khởi động cơ sở hạt nhân.

Do đó, Tuyên bố chung lần này có thể khiến không ít người cho rằng Triều Tiên sẽ “ngựa quen đường cũ”. Song, có cơ sở để tin tưởng rằng Bình Nhưỡng đang tìm kiếm sự thay đổi trên bán đảo Triều Tiên, nếu nhìn trên góc độ lý thuyết.

Thế giới quan của Hobbes

Được phát triển sau thời kỳ chiến tranh Lạnh để bổ sung cho những lý thuyết sẵn có, chủ nghĩa kiến tạo mô tả về một hệ thống quốc tế có cấu trúc xã hội. Ở đây, bản sắc quốc gia, bao gồm hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa và lợi ích định hình quan điểm của quốc gia này trong quan hệ với các quốc gia xung quanh. Những nước có bản sắc tương đồng càng nhiều thì khả năng hợp tác và duy trì quan hệ tốt đẹp sẽ cao hơn.

Một trong những trường phái lớn trong chủ nghĩa kiến tạo là chủ nghĩa kiến tạo xã hội của Alexander Wendt, cho rằng “hệ tư tưởng” (thế giới quan) chi phối quan hệ quốc tế. Đầu tiên, trong thế giới quan của Hobbes (dựa trên tư tưởng của nhà triết học Thomas Hobbes), các nước chủ trương “tự lực cánh sinh”, luôn có xu hướng đối đầu/tiêu diệt đối phương thông qua sử dụng vũ lực. Trong bối cảnh như vậy, các bên luôn thiếu vắng niềm tin và hợp tác, dù diễn ra, thường không kéo dài. Thế giới quan của Hobbes “thống trị” chính trường thế giới từ thời Tiền sử cho đến trước sự ra đời của Hiệp ước Westphalia năm 1648.

Trong khi đó, thế giới quan của Locke (đặt tên theo triết gia người Anh John Locke) lại mô tả về một trật tự thế giới nơi các quốc gia có thể cạnh tranh, đối đầu, song vẫn có thể hợp tác và kết giao dựa trên mục đích, lợi ích và hoàn cảnh. Chủ quyền quốc gia được tôn trọng và chiến tranh, dù có xảy ra, thường ít hơn nhiều so với trước. Thế giới quan của Locke dần thay thế thế giới quan của Hobbes sau Hiệp ước Westphalia và trở thành nền tảng của chính trị phương Tây đến tận ngày nay.

Ngược dòng thời đại

So sánh với phần còn lại của thế giới, Triều Tiên là một trường hợp “có một không hai”. Trong bối cảnh thế giới quan của Locke chi phối nền chính trị quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn “trung thành” với hệ tư tưởng Hobbes, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến trước khi thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều diễn ra vào đầu năm nay. Tư tưởng chính trị, cùng hoàn cảnh lịch sử đặc biệt (chiến tranh Triều Tiên 1953 chia cắt bán đảo) đã định hình bản sắc quốc gia của Triều Tiên những năm về sau.

Một trong số đó là việc Bình Nhưỡng luôn đề cao cảnh giác, dành nhiều tài nguyên để nâng cao năng lực quân sự và phát triển vũ khí hạt nhân. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2016 cho thấy chi tiêu quốc phòng của Triều Tiên là 3,5 tỷ USD/năm, chiếm 23,3% GDP, đứng đầu thế giới về chi tiêu quân sự tính trên GDP. Bình Nhưỡng giữ thái độ thù địch và tỏ ra thận trọng với bất kỳ động thái từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cố gắng xây dựng hình ảnh cường quốc, thông qua các cuộc thử tên lửa đạn đạo và nhiều phát ngôn cứng rắn.

Thứ hai, Triều Tiên chủ trương theo đuổi đường lối “Chủ thể” (Juche) – độc lập về chính trị, tự chủ về kinh tế và tự vệ về quốc phòng. Học thuyết này cho rằng “con người là chủ thể của mọi sự và quyết định mọi việc”. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, tập thể hóa đất nông nghiệp, thực hiện chế độ công hữu, triển khai phong trào Chollima, tiến tới tự cung tự cấp và trở thành quốc gia hùng cường, không phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Bối cảnh thiếu vắng lòng tin khiến quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên với các nước khác trở nên hiếm hoi và thường không kéo dài. Điều này thể hiện rõ trong những cuộc gặp trước đó của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (năm 2000) và Roo Moo-hyun (năm 2007) tại Bình Nhưỡng. Khi đó, hai bên đều đưa ra nhiều cam kết, song hầu hết chúng đều sớm bị rơi vào quên lãng do thái độ nghi ngờ từ phía Triều Tiên.

Tuy nhiên, định hướng kinh tế sai lầm, dành nhiều nguồn lực cho quốc phòng, cùng với việc bị cấm vận về kinh tế, khiến cho nền kinh tế của quốc gia này gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt mức 28,5 tỷ USD (2016) so với 1.404,380 tỷ USD (2016) của Hàn Quốc. Chính sách “thù địch” với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khiến Triều Tiên tiếp tục bị cô lập với phần còn lại của thế giới và buộc phải tiếp nhận viện trợ từ Trung Quốc, qua đó gián tiếp đi ngược lại với đường lối Juche mà nước này từng đặt ra.

Nỗ lực hay ý chí đơn thuần là không đủ để Bình Nhưỡng vượt qua những thách thức này – Triều Tiên cần một cách tiếp cận mới, hợp lý hơn để có thể bắt kịp với phần còn lại của thế giới, khi toàn cầu hóa, hòa bình phát triển đang là xu thế lớn, cạnh tranh và hợp tác đan xen. Trong bối cảnh đó, thế giới quan của Locke linh hoạt hơn là lựa chọn tối ưu của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un.

Bước ngoặt lịch sử

Cho đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên đã có nhiều động thái cho thấy nước này đang thay đổi thế giới quan của mình trong quan hệ với các nước khác, đặc biệt là với Hàn Quốc và Mỹ. Ba cuộc thượng đỉnh liên Triều trong vòng chưa đầy nửa năm chứng minh rằng Bình Nhưỡng có khả năng và sẽ tiếp tục hàn gắn quan hệ với Seoul. Tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng ngày 19/9 vừa qua, dù còn mơ hồ trong vấn đề phi hạt nhân hóa, song đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bình thường hóa quan hệ, cụ thể như đóng cửa các bãi thử tên lửa, “cam kết” tiến tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, thành lập Ủy ban quân sự chung…

Với Mỹ, Triều Tiên tiếp tục duy trì thế đối đầu, song Bình Nhưỡng cũng dần thể hiện rằng nước này sẵn sàng “hợp tác” và “kết giao” với Washington, nếu như chính quyền Tổng thống Donald Trump có các hành động thiện chí tương tự, như tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore tháng Sáu vừa qua. Điều này là tương đồng với thế giới quan của Locke, vốn cho rằng lợi ích quốc gia, thay vì những khác biệt trong tư tưởng hay hệ thống chính trị, là thứ cần được đặt lên hàng đầu trong chính sách phát triển. Do đó, việc thay đổi thế giới quan trong quan hệ đối ngoại sẽ giúp Triều Tiên linh hoạt hơn khi tìm kiếm hướng đi mới trong việc vực dậy nền kinh tế, mở rộng ảnh hưởng chính trị theo cách tích cực hơn.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Bình Nhưỡng cần thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa với lộ trình cụ thể để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với những “người chơi” chính trong khu vực. Thượng đỉnh Hàn – Triều tuần vừa qua tại Bình Nhưỡng chính là cách Chủ tịch Kim Jong-un thể hiện thiện chí của mình, mở ra cơ hội về một thượng đỉnh Hàn – Triều lần thứ tư tại Seoul, và xa hơn là thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai hay thượng đỉnh Nhật – Triều thời gian tới. Tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ là đơn giản, xong đã không còn là nhiệm vụ bất khả thi.