TIN LIÊN QUAN | |
Câu chuyện về một tủ sách của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch | |
Nguyễn Cơ Thạch: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược |
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Trợ lý đồng chí Lê Đức Thọ, đồng thời là Trưởng đoàn chuyên viên tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã khẳng định như thế trong trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng trích đăng bài phỏng vấn này.
Ý nghĩa to lớn với Cách mạng Việt Nam
Hiệp định Paris 1972 có ý nghĩa rất to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Việc thực hiện Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam tháng Tư 1975 và công cuộc thống nhất đất nước. Hiệp định Paris đã: i) Ghi nhận cam kết của Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ii) Quy định việc Mỹ rút hết quân khỏi Việt nam và Đông Dương trong khi quân đội của miền Bắc Việt Nam tiếp tục ở lại miền Nam Việt Nam; iii) Công nhận ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, có hai lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát hai vùng lãnh thổ khác nhau ở miền Nam Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (thứ hai từ trái) tại Hội nghị Paris. (Ảnh tư liệu) |
Việc thi hành Hiệp định Paris 1973 làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam Việt Nam có lợi cho cách mạng, củng cố lực lượng của cách mạng, làm cho chính quyền thân Mỹ ở miền Nam mất chỗ dựa, suy yếu về chính trị vì trên thực tế, Mỹ không còn công nhận ngụy quyền làm chính quyền duy nhất đại diện cho Nam Việt Nam.
Hiệp định Paris năm 1973 thể hiện chính sách của Mỹ chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân dân Việt Nam giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng Tư 1975 và thống nhất đất nước…”
Cuộc đàm phán về Việt Nam từ năm 1968 đến 1973 diễn ra ở Paris trên hai diễn đàn. Một diễn đàn không công khai giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Đây là diễn đàn chính để giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam. Một diễn đàn công khai gồm bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ và hai bên miền Nam Việt Nam. Diễn đàn không công khai không giải quyết vấn đề chiến tranh, nhưng có ý nghĩa quan trọng là xác nhận miền Nam có hai chính quyền tồn tại song song và Mỹ phải đàm phán với cả ba bên Việt Nam. Cuối cùng, diễn đàn bốn bên sẽ chính thức hóa những thỏa thuận trong diễn đàn không công khai.
Cuộc đàm phán Paris gắn chặt với cuộc đấu tranh chống Mỹ
Đoàn Việt Nam ở diễn đàn hai bên gồm có các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Hà Văn Lâu, Phan Hiền, Trần Công Tường, Nguyễn Minh Vỹ, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê và nhiều đồng chí khác.
Cuộc đàm phán Paris gắn chặt với cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam và là một công tác quan trọng hàng đầu được tập thể Bộ Chính trị chỉ đạo hàng ngày.
Lúc này, tôi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao cho nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị theo dõi và nghiên cứu về cuộc đàm phán khi Mỹ đòi sửa đổi 69 điểm của bản Hiệp định đã được thỏa thuận, và làm trưởng đoàn chuyên viên đàm phán về những nghị định thư để thực hiện Hiệp định…
Hoạt động lý thú nhất của tôi là được tham gia vào cuộc đấu tranh đòi Mỹ chấm dứt xâm lược Việt Nam và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là một cuộc đấu tranh không cân sức giữa một đế quốc có lực lượng kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới với một nước nhỏ và rất nghèo. Cuộc đấu tranh lại diễn ra trong tình hình nổ ra xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc. Tuy mạnh, nhưng Mỹ đã không thể sử dụng hết sức mạnh của mình chống Việt Nam, vì những lợi ích chiến lược toàn cầu cũng như vì vị trí của Tổng thống Mỹ. Mỹ đã sử dụng ngoại giao tam giác giữa Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc để vận động các nước này chấm dứt viện trợ cho Việt Nam, để Việt Nam không thể kéo dài cuộc đấu tranh, đánh những trận lớn chống Mỹ và buộc Việt Nam phải chấp nhận một giải pháp chính trị phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Chúng ta đã triệt để lợi dụng những khó khăn của Mỹ để buộc Mỹ phải sớm chấm dứt xâm lược và chấp nhận một giải pháp chính trị phù hợp với lợi ích của nhân dân ta. Đồng thời, chúng ta tiến hành một chính sách vừa ra sức đoàn kết với Liên Xô và Trung Quốc, vừa độc lập với Liên Xô và Trung Quốc để tranh thủ những điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của mình. Tuy lúc đó không có một chiến thắng rất vang dội như Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng chúng ta đã tranh thủ ký kết được Hiệp định quốc tế Paris về Việt Nam 1973 tốt đẹp hơn Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ nhà đồng sáng lập đảng Xã hội Pháp Jean-Pierre Chevènement năm 1982 - Ảnh: Le Monde |
Từ năm 1969 đến tháng Chín 1972, cuộc đàm phán ở Paris không tiến triển được và hai bên giữ vững lập trường đàm phán của mình. Mỹ hy vọng rút dần hết được quân Mỹ, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tiến hành ngoại giao tam giác, tranh thủ được Liên Xô, Trung Quốc chấm dứt viện trợ cho Việt Nam. Làm được như thế, Mỹ sẽ củng cố được ngụy quyền miền Nam để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Ta lợi dụng việc Mỹ buộc phải rút dần quân Mỹ khỏi miền Nam để đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, làm suy yếu nghiêm trọng ngụy quyền. Ta giữ vững lập trường là đòi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam, trong khi quân miền Bắc vẫn tiếp tục hoạt động ở miền Nam, đòi Thiệu từ chức và lập chính quyền hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần.
Đến tháng Chín 1972, Mỹ đã rút được phần lớn quân Mỹ. Lực lượng cách mạng ở miền Nam ngày càng mạnh, ngụy quyền ngày càng suy yếu, khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ rút hết quân và chấm dứt can thiệp.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến để đi đến thắng lợi cuối cùng
Trong khi đó, phong trào của nhân dân Mỹ đòi sớm chấm dứt chiến tranh ngày càng mạnh. Quốc hội Mỹ quyết định rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi miền Nam với điều kiện duy nhất là Việt Nam trao trả hết tù binh Mỹ. Quốc hội Mỹ báo trước là đến tháng Giêng 1973 sẽ quyết định chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương và cắt mọi chi phí liên quan đến hoạt động này. Trên thế giới, Mỹ phải đối phó với sự lớn mạnh về kinh tế và sự cạnh tranh quyết liệt của Tây Âu, Nhật Bản. Về kinh tế, trong những năm 1950-1960, Mỹ mạnh hơn Tây Âu và Nhật Bản cộng lại, nhưng từ năm 1971, riêng Tây Âu đã mạnh hơn Mỹ và Nhật Bản đã mạnh gần bằng Mỹ. Để có thể đối phó với những vấn đề quốc tế, Mỹ buộc phải sớm chấm dứt chiến tranh với Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong vòng vây báo chí. (Ảnh: Tư liệu) |
Tháng Mười một 1972 là giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ. Ta đã lợi dụng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, những khó khăn của Tổng thống Mỹ với Quốc hội Mỹ cũng như những yêu cầu chiến lược của Mỹ đối phó với Tây Âu và Nhật Bản. Tháng Mười 1972, ta đưa ra sáng kiến mới đòi Mỹ rút quân đơn phương và bỏ việc đòi Thiệu phải từ chức, đồng thời đưa ra dự thảo Hiệp định theo những sáng kiến mới. Mỹ chấp nhận đòi hỏi của ta và hai bên đàm phán bản dự thảo Hiệp định. Cuối tháng Mười 1972, hai bên thỏa thuận xong bản Hiệp định và sẽ ký vào ngày 31 tháng Mười 1972 trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ. Sắp đến ngày ký, Mỹ báo là ngụy quyền đề nghị sửa 69 điểm và hoãn ngày ký. Để buộc Mỹ không lật lọng sau khi bầu Tổng thống, ta công bố văn kiện và Mỹ buộc phải khẳng định là văn kiện đã được thỏa thuận và sẽ ký sau khi đã được sửa một số điều. Từ tháng Mười một 1972 đến tháng Giêng 1973, ta và Mỹ đàm phán về những đề nghị sửa đổi. Những sửa đổi không thay đổi các vấn đề cơ bản của Hiệp định và ngày 27 Giêng 1973, hai bên đã ký chính thức Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
-----------------
Trích bài trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Bài trả lời phỏng vấn được in trong cuốn “Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia.
Tác giả là Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn chuyên viên tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
Ngôn ngữ - đường ngắn nhất đến nước bạn Gắn bó trọn sự nghiệp với ngành Ngoại giao, một trong những tài sản quý mà ông Phan Doãn Nam lưu giữ lại được là ... |
Nguyễn Cơ Thạch: Kiến trúc sư của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Ngoại giao của nước nhà tại những thời điểm quan ... |
Hội nghị Paris: Bộ đôi nòng cốt Nguyễn Cơ Thạch - William Sullivan Trong suốt gần 5 năm Hội nghị, đội quân báo chí hùng hậu ở Paris và toàn thế giới chỉ tập trung săn tin và ... |