Họp Ngoại trưởng Bộ Tứ ở Tokyo. (Nguồn: Internet) |
Ngày 6/10, Ngoại trưởng Mỹ cùng những người đồng cấp của 3 quốc gia (Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) trong nhóm Bộ Tứ có cuộc hội đàm tại Nhật Bản nhằm thảo luận về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và các chiến lược đối phó. Đây là cuộc hội đàm lần thứ hai của các ngoại trưởng nhóm này.
Trước chuyến công du Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ có “một số thông báo quan trọng” sau cuộc hội đàm bốn bên, nhưng các thông báo sẽ chỉ được đưa ra sau khi các ngoại trưởng trở về, và sau khi tham vấn ý kiến của lãnh đạo.
Còn theo một nhà ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc hội đàm, các ngoại trưởng 4 nước đã thảo luận về hợp tác phòng chống Covid-19, an ninh trên biển và an ninh mạng.
Lý do hội ngộ
Cuộc gặp mới nhất của nhóm Bộ Tứ diễn ra vào thời điểm Mỹ, Ấn Độ và Australia đều nhận thấy căng thẳng gia tăng trong quan hệ của họ với Trung Quốc.
Kể từ năm 2018, Mỹ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến thương mại gay gắt và trong những tháng gần đây, hai bên đã xung đột về nhiều vấn đề, trong đó có bắt giữ gián điệp, đại dịch Covid-19 và việc Mỹ bác thị thực với du học sinh Trung Quốc.
Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc cũng đang xấu đi. Tháng 9 vừa qua, hai phóng viên cuối cùng làm việc cho truyền thông Australia tại Trung Quốc đã phải sơ tán sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi dọc theo biên giới tranh chấp hai nước ở khu vực Himalaya.
Trung Quốc và Nhật Bản cũng có tranh chấp xung quanh vùng biển Hoa Đông.
Alexander Neill, một nhà phân tích về an ninh châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore, cho rằng “mấu chốt thực sự” cho động lực mới của nhóm Bộ Tứ chính là “việc Ấn Độ đồng ý tham gia”. Ông nói: “Trong những năm gần đây, đã có nhiều suy đoán về việc Bộ Tứ trở thành một khuôn khổ được chính thức hóa. Tuy nhiên, nó đã bị hạn chế bởi Ấn Độ, vốn là quốc gia có truyền thống mạnh của phong trào không liên kết”.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, thời gian qua Mỹ đã “rất nhất quán” với thông điệp của mình dưới thời Tổng thống Donald Trump. Washington đã khẳng định: "Các hành động lấn lướt của Trung Quốc sẽ không chỉ dẫn đến việc nước này tự cô lập mà còn thúc đẩy những người bạn và đồng minh có cùng chí hướng đoàn kết lại với nhau. Bộ Tứ là một biểu hiện của điều này”.
Phép thử ngoại giao
Cuộc họp của nhóm Bộ Tứ được xem là phép thử ngoại giao từ sau khi nhậm chức của Thủ tướng Nhật Bản Suga. Đây cũng là cuộc họp đa phương cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi Covid-19 lây lan tại Nhật Bản.
Phát biểu với các nhà ngoại giao nhóm Bộ Tứ sáng 6/10, ông Suga cho rằng, sáng kiến an ninh và kinh tế “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở” (FOIP) hiện có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức.
“Cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh chúng ta đang xử lý đại dịch, và đó chính xác là lý do tại sao thời điểm này là lúc chúng ta nên làm sâu sắc hơn nữa sự phối hợp với càng nhiều quốc gia càng tốt để chia sẻ tầm nhìn của chúng ta”,ông nói.
Ông Suga nhận nhiệm sở hôm 16/9 với cam kết theo đuổi lập trường an ninh và ngoại giao của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Ông Abe từng là động lực chính đằng sau việc thúc đẩy sáng kiến FOIP, mà ông Suga gọi là “tầm nhìn vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực”.
Hôm 5/10, phát biểu với truyền thông Nhật Bản, ông Suga cũng cho biết sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao với liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng và thúc đẩy FOIP đồng thời với việc thiết lập quan hệ ổn định với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và Nga. Việc thúc đẩy FOIP dực kiến cũng nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm tới Đông Nam Á theo kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này.
Theo giới phân tích, việc cân bằng giữa Mỹ - đồng minh an ninh chính của Nhật Bản, và Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu, sẽ là điều khó khăn với ông Suga. Nhật Bản hy vọng hợp thức hóa các cuộc đối thoại của các ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ và mở rộng hợp tác với các nước khác.
Tuy nhiên, mỗi thành viên nhóm Bộ Tứ đều có quan điểm chính trị riêng với Trung Quốc, nên sẽ rất khó khăn để nhất trí về các biện pháp cụ thể cho dù họ cùng coi Trung Quốc là thách thức chung.
Theo báo Asahi, đối thoại Bộ Tứ trước đây không có bước tiến đáng kể khi Australia và Ấn Độ thể hiện thái độ thận trọng. Chính quyền Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe trước đây cũng khác nhau về lập trường đối với Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc và ở trong tình trạng "cùng mục tiêu nhưng cách tiếp cận khác nhau".
Jinbo Ken, Giáo sư tại Đại học Keio Nhật Bản nhận định, việc duy trì quan hệ với Trung Quốc sẽ ngăn khu vực châu Á khỏi sự chia rẽ và thúc đẩy chính sách ngoại giao khu vực của Nhật Bản. Do đó, ông cho rằng, khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi nhanh chóng, Nhật Bản phải thúc đẩy quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và quan hệ với Trung Quốc một cách khéo léo và cân bằng.
Một sự điều chỉnh nhất quán
Đại dịch Covid-19 có thể trở thành một thời khắc tái sắp xếp trật tự trong hệ thống quốc tế hay chỉ đơn thuần là đẩy nhanh những xu hướng quốc tế phổ biến hiện nay vẫn đang còn nhiều tranh cãi, song có một điều chắc chắn là một sự điều chỉnh trong quan hệ với Trung Quốc đang diễn ra ở nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bắc Kinh nhìn Bộ Tứ thông qua lăng kính của một liên minh quân sự, như là trọng tâm của một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mục tiêu trực tiếp là kiềm chế Trung Quốc. Theo Trung Quốc, Bộ Tứ được coi là một kế hoạch của Tokyo nhằm cản trở và thay thế vị trí đứng đầu khu vực của Bắc Kinh, và chắc chắc nhóm này cũng khiến Bắc Kinh phải quan ngại.
Tuy nhiên theo Reuters, giới chuyên gia nhận định rằng cuộc họp lần này của Bộ Tứ không thể mang lại được một kế hoạch hành động cụ thể, dù bản thân sự tập hợp này cũng có thể được hiểu là một lời cảnh báo gửi đến Trung Quốc và củng cố những lo ngại của nước này rằng một ngày nào đó Bộ Tứ sẽ phát triển thành một cấu trúc chính thức như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).